Quyền và lợi ích hợp pháp!

Quyền và lợi ích hợp pháp!

Đó là việc tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào với các ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe. Bộ GD&ĐT sẽ quy định đầu vào với thí sinh sử dụng điểm bài thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Những trường muốn thi riêng phải đáp ứng một số điều kiện cần thiết.

Tôn trọng quyền tự chủ của cơ sở đào tạo nhưng phải bảo đảm chất lượng tuyển sinh là điều thể hiện rõ trong Quy chế tuyển sinh 2020. Nhiều quan điểm cho rằng, các quy định này không chỉ nhằm tăng cường công cụ quản lý Nhà nước, đề cao quyền tự chủ và trách nhiệm của cơ sở đào tạo, mà còn bảo đảm quyền lợi hợp pháp của thí sinh. Vẫn biết quyền tự chủ được pháp luật cho phép, nhưng tự chủ phải trên tinh thần trách nhiệm với xã hội và người học chứ không thể “mạnh ai nấy làm”. 

Đơn cử, quy định về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe đã thể hiện rõ điều đó. Đây là những ngành học đặc thù nếu không có ngưỡng chắc chắn không thể kiểm soát được chất lượng đầu vào. Quy định về việc các cơ sở đào tạo được phép tổ chức kỳ thi riêng cũng giống như vậy. Thử hỏi, nếu không quy định chi tiết về việc này, cơ sở đào tạo nào cũng tổ chức thi trong khi chưa thể bảo đảm được các yếu tố kỹ thuật, hạ tầng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng như thế nào, chưa kể gây xáo trộn không cần thiết với xã hội.

Đến nay không có nhiều cơ sở đào tạo có thể tự gánh vác được việc tổ chức kỳ thi riêng bảo đảm những yêu cầu về chất lượng, chính xác và nghiêm túc. Đó còn chưa kể dịch Covid-19 diễn ra khiến học sinh chịu những xáo trộn không nhỏ trong việc học, nên không thể để các em và gia đình có thêm kỳ thi không cần thiết (trừ khi có nguyện vọng vào trường có uy tín hàng đầu, ngành đặc thù…). Việc tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển trong kỳ tuyển sinh năm nay chứng tỏ sự thấu hiểu, đồng hành cùng thí sinh vượt khó của các trường.

Có thể thấy, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ sở đào tạo và người học được thể hiện rõ trong Quy chế tuyển sinh 2020. Các trường được quyền tự chủ xây dựng đề án tuyển sinh riêng, xét tuyển bằng nhiều hình thức. Nhưng tất cả đều phải trên tinh thần bảo đảm lợi ích hai bên. Luật đã quy định các trường tự chủ tuyển sinh gắn với trách nhiệm tự giải trình và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Dù quyết định sử dụng phương thức tuyển sinh nào đi chăng nữa, các trường phải có trách nhiệm giải trình với xã hội về chất lượng nguồn tuyển cũng như chất lượng đào tạo.

Trong bối cảnh trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo còn chưa được đề cao, những quy định chi tiết của cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra để ràng buộc trách nhiệm với người học và xã hội là cần thiết. Còn người học, với hình thức tuyển sinh đa dạng, hãy dựa vào năng lực, nhu cầu, nguyện vọng của bản thân cũng như điều kiện gia đình để có lựa chọn hợp lý.

Tôn trọng quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo, chia sẻ và linh hoạt tạo điều kiện cho các trường thực hiện quyền tự chủ theo luật định nhưng cũng phải bảo đảm lợi ích hợp pháp của người học, Quy chế tuyển sinh 2020 ban hành đã bảo đảm được các yêu cầu này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ