Quyền tối quan trọng của trẻ em

GD&TĐ - Đi học là quyền tối quan trọng của trẻ em và là bất khả xâm hại. Vì vậy, gia đình, nhà trường, xã hội có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập của mình. 

Quyền được đến trường là điều bất khả xâm phạm của mỗi người. Ảnh: Bắc Việt.
Quyền được đến trường là điều bất khả xâm phạm của mỗi người. Ảnh: Bắc Việt.

Điều này đã được luật hóa và được thể hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Trẻ em; Luật Giáo dục hiện hành. Hiện nay, dự thảo Luật GD (sửa đổi) tiếp tục đề cập đến việc này.

Mới đây, câu chuyện hàng trăm HS của Trường THPT Tiên Yên (Quảng Ninh) bỏ học hàng loạt đã làm nóng dư luận trong nhiều ngày. Sự việc xảy ra khiến giáo viên lo lắng, dư luận bất an.

Thầy Hiệu trưởng Trần Văn Tân đã phải viết tâm thư: “Từ giờ đến hết năm học các em vẫn học ở trường cũ, thầy rất mong các em hãy suy nghĩ và hành động tích cực hơn, đừng đánh mất đi tương lai của mình một cách nông nổi như vậy”.

Không bàn đến chuyện đúng - sai do đâu, nhưng chính các em đã làm ảnh hưởng đến quyền học tập của mình bằng những hành động có phần nông nổi, bồng bột. Tất nhiên, ít nhiều cũng có phần trách nhiệm của gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan.

Cách đây ít ngày, lại có chuyện lùm xùm về một HS mầm non 5 tuổi ở TP Vinh (Nghệ An) bị trường mầm non ngoài công lập từ chối chăm sóc do bố mẹ nợ tiền nhiều tháng. Việc ứng xử giữa nhà trường và gia đình sẽ có nhiều phương án để giải quyết nhưng quyết định cho HS thôi học của nhà trường là không đúng với tinh thần nhân văn của GD.

Hai câu chuyện là hai tình huống khác nhau, nhưng khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng về quyền lợi và nhiệm vụ học tập của các em. Dẫu biết rằng trên thực tế còn có nhiều trường hợp trẻ em đến tuổi đi học nhưng chưa được đến trường và nhiều em bỏ học giữa chừng chỉ vì những lý do không đáng có.

Vô vàn nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa, đó vẫn là sự thiệt thòi to lớn đối với các em - khi mà quyền lợi học tập không được vẹn tròn như xã hội kỳ vọng.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục) từng trả lời phỏng vấn trên Báo GD&TĐ về sự việc Trường Tiểu học và THCS Pascal (Hà Nội) bị nhóm người lạ mặt xâm phạm khuôn viên trường học, dùng xe tải đổ nhiều gạch, cát vào giữa sảnh chính A trước ngày khai giảng năm học 2018 - 2019 rằng, quyền đi học của trẻ em là tối quan trọng, được pháp luật bảo vệ. Không ai có quyền xâm hại vào quyền đó, không một ai được có hành vi làm mất an toàn hoặc ảnh hưởng đến việc học tập của các em.

Quyền được đi học, học tập cũng là nội dung được nhiều đại biểu thảo luận trên diễn đàn của Quốc hội. Nhiều đại biểu cho rằng, quyền lợi luôn phải song hành cùng trách nhiệm. Vì thế, bên cạnh trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội thì người học cũng phải xác định học tập là nghĩa vụ của mình.

Dự thảo Luật GD (sửa đổi) cũng đề xuất: Quyền lợi của người học là được GD, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân; được tôn trọng; bình đẳng về cơ hội học tập và GD. Dự thảo Luật cũng quy định, người học phải thực hiện nhiệm vụ học tập của mình, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch GD của nhà trường, cơ sở GD khác.

Thiết nghĩ, dù là Luật hay các văn bản quy phạm pháp luật khác cũng không thể quy định hết các trường hợp mà thực tiễn đã, đang và có thể sẽ xảy ra. Vì thế hơn bao giờ hết, rất cần sự chăm lo của mỗi gia đình đối với con cái. Bởi các con là niềm hạnh phúc của cha mẹ, là tương lai của đất nước. Song cũng cần nhấn mạnh rằng, đi học không chỉ đơn thuần là thực hiện quyền lợi của các em mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ, ý thức công dân của mình đối với gia đình và xã hội. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ