Quyền lợi người lao động được đảm bảo thì không quan trọng biên chế hay hợp đồng

GD&TĐ - Hiện nay, ở bậc học mầm non, Đà Nẵng chỉ có khoảng 30% giáo viên, cán bộ quản lý nằm trong biên chế, số còn lại là giáo viên hợp đồng, trong đó chủ yếu thuộc diện hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước và một số ít hợp đồng hưởng lương từ học phí. Theo bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) nhận xét thì không có sự khác biệt nào về quyền lợi giữa GV diện biên chế hay hợp đồng hưởng lương ngân sách.

Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT Hải Châu.
Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT Hải Châu.

    Xây dựng lộ trình để thí điểm ở một số trường có điều kiện

    Bà Trần Thị Thúy Hà cho biết, UBND quận Hải Châu đang có chủ trương sẽ chuyển đổi một số trường học có thương hiệu trên địa bàn sang hoạt động theo hình thức tự chủ. “Tuy nhiên, để làm được điều này cần có lộ trình và cơ chế hợp lý. Trước hết, các trường đó sẽ được đầu tư về cơ sở vật chất theo hướng đạt chuẩn, hiện đại. Quan trọng nhất là phải chọn được Hiệu trưởng quyết liệt, dám làm. Vì có thể một vài năm đầu, tất cả cán bộ, giáo viên vẫn được hưởng lương từ ngân sách, nhưng sau một vài năm, nhà nước chỉ chi trả một phần lương, có thể chỉ từ 30 hoặc 40% số lương, số còn lại, nhà trường phải tự tính toán, cân đối để chi trả”.

Một khi chuyển sang hình thức tự chủ, trong đó có tự chủ về nhân sự thì cơ chế quản lý phải có sự thay đổi. “Cũng có ý kiến lo ngại về sự lạm quyền của Hiệu trưởng một khi không còn biên chế, nhưng nếu chúng tôi có sự điều chỉnh về thành phần của Hội đồng trường, trong đó có sự tham gia giám sát của phụ huynh, chính quyền địa phương với chức năng như mô hình Hội đồng quản trị của các trường ngoài công lập như hiện nay thì sẽ có kênh giám sát Hiệu trưởng” – bà Trần Thị Thúy Hà đề xuất.

    “Hiện bậc ĐH đang làm mạnh việc chuyển đổi phương thức quản lý sang hình thức tự chủ, trong đó có tự chủ về nhân sự và tài chính. Ở bậc phổ thông, nếu chuyển dần từ biên chế sang hợp đồng thì sẽ là bước đột phá quan trọng trong đổi mới quản lý, góp phần nâng cao chất lượng” – bà Thúy Hà bày tỏ quan điểm.

    Theo như phân tích của bà Trần Thị Thúy Hà thì chủ trương chuyển dần từ biên chế sang hợp đồng của Bộ GD&ĐT sẽ góp phần xóa bỏ khoảng cách giữa loại hình trường công lập và tư thục. “Trước hết, sẽ có sự cải thiện thu nhập đáng kể cho giáo viên, nhất là những giáo viên có năng lực tốt, chấm dứt tình trạng đầu vào như nhau và cứ 3 năm người lao động sẽ được tăng lương một lần. Theo như quy định thì việc rút ngắn thời gian tăng lương 2 năm/lần không phải là nhiều trong đời đi dạy của một giáo viên. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân để giáo viên chỉ làm cho “tròn vai” công tác giảng dạy ở trường. Bỏ biên chế, vì vậy, cũng sẽ là đòn bẩy để nâng cao chất lượng đội ngũ. Phải thừa nhận một thực tế là những giáo viên đang trong diện hợp đồng thì hết sức thể hiện năng lực của mình, nhưng vào biên chế một thời gian là bắt đầu có sức ì, động lực phấn đấu cũng mất dần nếu không thuộc diện quy hoạch làm cán bộ quản lý”.

    Bỏ biên chế - người lao động có nhiều lựa chọn

Năm 1990, khi chủ trương xã hội hóa giáo dục và loại hình trường tư thục đang còn khá mới mẻ, trường Mầm non Đức Trí (Đà Nẵng) ra đời, trở thành trường tư thục đầu tiên ở Đà Nẵng. Từ chỗ chỉ có bậc học mầm non, nhà trường đã phát triển thêm bậc Tiểu học – THCS và được biết đến là một trường tư thục lớn có đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên ổn định.

Cô Lê Thị Nga – Hiệu trưởng trường Tiểu học – THCS Đức Trí chia sẻ: “Thời điểm mới thành lập trường mầm non, dù trường ký đầy đủ hợp đồng với giáo viên nhưng không thể đóng bảo hiểm cho người lao động được vì ở giai đoạn đó, giáo viên bậc học mầm non, kể cả diện hợp đồng nhà nước, cũng không tham gia bảo hiểm lao động. Mãi đến 10 năm sau, nhà trường mới thực hiện được bảo hiểm cho người lao động. Quan điểm của nhà trường trong sử dụng lao động là rất muốn có sự ổn định về đội ngũ nên nếu sau thời gian thử việc, nếu đạt yêu cầu, chúng tôi vẫn khuyến khích ký hợp đồng dài hạn. Và gần như đội ngũ giáo viên đều gắn bó lâu dài với nhà trường, trừ một số ít giáo viên mầm non có điều kiện kinh tế và tay nghề vững vàng tách ra để mở cơ sở mới”.

Theo như cô Nga thì chính môi trường làm việc cùng những chính sách đãi ngộ, tăng lương hợp lý cho người lao động là một trong những lý do để giáo viên gắn bó và cống hiến sức lao động, sáng tạo cùng với nhà trường. “Ví dụ như ở bậc Tiểu học và THCS, số lượng GV/học sinh của trường cao hơn quy định của Bộ để giảm bớt cường độ làm việc của giáo viên. Tất nhiên chế độ đãi ngộ về tiền lương, thời gian làm việc, bồi dưỡng nghiệp vụ… cũng đi kèm với sự sàng lọc trong đội ngũ. Đây đều là những thỏa thuận ngay từ đầu giữa nhà trường với giáo viên khi tuyển dụng nên cũng là động lực để giáo viên phấn đấu” – cô Lê Thị Nga phân tích.                                                                                         

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ