Quỹ vắc xin phòng Covid-19 đã tiếp nhận 7.450 tỷ đồng

GD&TĐ - Cổng thông tin điện tử Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 cập nhật, tính đến 17h00 ngày 23/6, Quỹ vắc xin phòng Covid-19 đã tiếp nhận 7.450 tỷ VND (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để mua và tiêm cho 75 triệu dân cần 150 triệu liều vắc-xin với kinh phí là 25,2 nghìn tỷ đồng. Do đó, sự ủng hộ, góp sức của các tập thể, cá nhân sẽ tiếp thêm nguồn lực để cùng Chính phủ sớm thực hiện mục tiêu tiêm vắc-xin cho toàn dân. 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Nhà nước, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm nghìn tổ chức, cá nhân đã tham gia đóng góp với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng vào Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 Việt Nam. 

Theo cập nhật của Cổng thông tin điện tử Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19, tổng cộng số tiền đã chuyển vào Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 tính tới 17 giờ ngày 23/06/2021 là 7.450 tỷ VND (đã bao gồm quy đổi từ ngoại tệ về VNĐ).

Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Ban Quản lý Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19 (bên trái) trao Giấy chứng nhận Bộ LĐ-TBXH ủng hội Quỹ vắc-xin cho Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng (bên phải). Ảnh: molisa.gov.vn
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Ban Quản lý Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19 (bên trái) trao Giấy chứng nhận Bộ LĐ-TBXH ủng hội Quỹ vắc-xin cho Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng (bên phải). Ảnh: molisa.gov.vn

Phát biểu tại Lễ ra mắt Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19 diễn ra tối 5/6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, giải pháp vắc xin Covid-19 là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ tính mạng của người dân và đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Hầu hết các quốc gia đã và đang phấn đấu thực hiện mục tiêu bao phủ vắc xin cho ít nhất 2/3 dân số đến hết năm 2021, trong đó có Việt Nam.

Bộ Y tế hiện vẫn đang tiếp tục trao đổi nhằm đạt mục tiêu 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021. Tất cả các vắc xin được Bộ Y tế cấp phép sử dụng và đưa về Việt Nam đều đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Ngoài ra, ngành Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn nhất trong lịch sử của ngành, trong đó ưu tiên về an toàn tiêm chủng được lên hàng đầu, đây cũng là điểm khác biệt của Việt Nam so với các quốc gia khác.

Ngoài ra, ngành Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn nhất trong lịch sử của ngành, trong đó ưu tiên về an toàn tiêm chủng được lên hàng đầu, đây cũng là điểm khác biệt của Việt Nam so với các quốc gia khác.

Đến nay hơn 1,3 triệu liều vắc xin đã được tiêm chủng cho các đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đại diện bộ ngành, doanh nghiệp đóng góp cho Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19. Ảnh: Phạm Hải
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đại diện bộ ngành, doanh nghiệp đóng góp cho Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19. Ảnh: Phạm Hải

“Có lẽ chưa có khi nào ngành y tế đồng thời tiến hành nhiều nhiệm vụ cùng lúc như bây giờ.  Vừa thần tốc chống dịch với lực lượng ở mọi chiến tuyến, vừa nỗ lực khám, chữa bệnh tại tất cả các cơ sở y tế để bảo vệ sức khỏe của người dân, vừa khẩn trương triển khai tiêm chủng an toàn, đảm bảo độ bao phủ cho người dân”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Trong những ngày tới, ông Long cho biết, khi nguồn cung vắc xin dồi dào hơn, ngành y tế sẽ huy động tổng lực hơn 12 nghìn cơ sở y tế và hàng vạn cán bộ y tế trong cả nước thực hiện khẩn trương và hiệu quả chiến dịch tiêm chủng với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, “không bỏ phí bất cứ một liều vắc xin nào” và “không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 của Việt Nam”.

“Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 là sự chắt chiu của người dân, là truyền thống nhân ái của dân tộc. Nhân dân đã trao cho chúng ta sự tin tưởng. Vì vậy việc sử dụng hiệu quả từng đồng vốn của Quỹ là lương tâm, trách nhiệm, nghĩa vụ của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Chính quyền các cấp và các Bộ, ngành liên quan”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ