Quý I/2012: xuất khẩu tăng tới 23,6%, nhập siêu giảm đáng kể

Quý I/2012: xuất khẩu tăng tới 23,6%, nhập siêu giảm đáng kể

(GD&TĐ)-Theo số liệu mà Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan cho biết, xuất nhập khẩu trong quý I năm nay khá khả quan thể hiện ở hoạt động xuất khẩu có quy mô tăng cao, tốc độ nhập khẩu tăng chậm lại và nhập siêu giảm đáng kể.

Cán cân xuất nhập khẩu
Cán cân xuất nhập khẩu trong quý I đã cho thấy tín hiệu khả quan của nền kinh tế (ảnh MH)

Về xuất khẩu, quy mô tăng lên qua các tháng: tháng 2 tăng 17,4% so với tháng 1; tháng 3 tăng 10,2% so với tháng 2. Xuất khẩu bình quân tháng trong quý I năm nay đã đạt 8,174 tỷ USD, đã cao hơn so với mức 6,607 tỷ USD của cùng kỳ và  8,075 tỷ USD của cả năm trước. Kim ngạch tháng 3 cũng cao hơn mức bình quân 1 tháng của kế hoạch cả năm 2012 (9,125 tỷ USD). Đây là tín hiệu khả quan để thực hiện mục tiêu đề ra cho cả năm.

So với cùng kỳ năm 2011, xuất khẩu đã tăng tới 23,6%, là tốc độ tăng khá cao so với mục tiêu đề ra cho cả năm (13%), so với tốc độ tăng của hầu hết các ngành, lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng xuất khẩu tăng khá, như điện tử, máy tính và linh kiện cao gần gấp đôi, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác cao hơn gấp rưỡi. Gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 18,3%; dệt may tăng 15,4%, giày dép tăng 14%, thuỷ sản tăng 11,7%, dầu thô tăng 9,1%. Mặc dù kim ngạch ước đạt 129 triệu USD, nhưng xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm quý I đã tăng 106,7% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể nhận thấy sự tích cực, khả quan của xuất khẩu thể hiện ở chỗ kết quả đạt được trong điều kiện xuất khẩu gặp khó khăn cả về nguồn hàng, cả về giá cả, cả về thị trường và vượt so với dự đoán của các chuyên gia cũng như các nhà hoạch định chính sách vĩ mô.

Về nhập khẩu, về tốc độ đã tăng chậm lại (tháng 2 tăng 24,4%, tháng 3 tăng 8,4%). Tính chung 3 tháng chỉ tăng 6,9%. Trong đó, có một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước, như bông giảm tới 36,6%, sợi, vải giảm với tốc độ 2 chữ số, ô tô giảm 32,4%, xăng dầu giảm gần 20%, xe máy giảm 9,3%...

Bên cạnh mặt tích cực của các biện pháp kiềm chế nhập khẩu, còn có nguyên nhân cần được cảnh báo. Đó là do sự suy giảm nhu cầu ở trong nước (bao gồm cả đầu tư, tiêu dùng) nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu đã giảm; đến lượt nó, sự suy giảm nhập khẩu cũng sẽ tác động đến tăng trưởng sản xuất, kinh doanh trong chu kỳ sau.

Về nhập siêu, do tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước của xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, nên nhập siêu đã giảm.

Đáng lưu ý, tháng 1 đã xuất siêu, tháng 2, tháng 3 nhập siêu nhẹ. Tính chung 3 tháng, nhập siêu so với cùng kỳ năm trước đã giảm cả về kim ngạch tuyệt đối (251 triệu USD so với 3,334 tỷ USD), cả về tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu (1% so với 16,8%). Đây là một tín hiệu khả quan để cả năm có thể giảm mạnh nhập siêu so với mục tiêu đã đề ra (11- 12%, phấn đấu dưới 10%).

Ông
Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát sẽ giảm nhưng mức tăng trưởng sẽ không cao (ảnh HM)

Đánh giá gì về thực trạng nền kinh tế hiện nay, ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng kinh tế quý I/2012 chỉ đạt 4%, mức tăng thấp so với quý I nhiều năm trở lại đây (trừ năm 2009, năm khủng hoảng kinh tế). Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng hợp lý trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Nếu nhìn sâu hơn thì nguyên nhân là từ ngành công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng thấp, chỉ tăng 3,04% (chưa bằng 1/2 mức tăng cùng kỳ năm 2010 và 2011); một số ngành có mức tăng trưởng âm như ngành xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Nhưng, một số cân đối kinh tế vĩ mô như lạm phát có mức tăng chậm lại, thâm hụt thương mại tốt hơn do xuất khẩu tăng khá, trong khi đó nhập khẩu có xu hướng giảm tốc tương đối. Từ diễn biến này để dự báo tình hình kinh tế thời gian tới, có thể cho rằng mức tăng lạm phát thấp sẽ ảnh hưởng tốt đến sản xuất trong chu kỳ tiếp theo. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm giảm, doanh nghiệp vẫn khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay, lãi suất mới bắt đầu giảm 1%. Nhập khẩu tăng thấp sẽ ảnh hưởng không tốt cho sản xuất. Bởi vì, nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu dùng cho sản xuất chu kỳ tiếp theo.

Có thể thấy rằng lạm phát đang có xu hướng tăng chậm lại. Sang tháng 4 và tháng 5, CPI sẽ còn bị tác động của việc tăng giá xăng dầu đã tăng từ tháng 3. Tuy nhiên, mức tăng đó cũng khó đủ tác động để CPI các tháng tới tăng cao. Nguyên nhân chính là do giá lương thực, thực phẩm khá ổn định. Hơn nữa, nếu nhìn lại năm 2011, mặt bằng giá tăng mạnh từ tháng 4 đến tháng 8, vì vậy có thể tin rằng CPI so với cùng kỳ vào tháng 5 tới sẽ đạt một con số và có cơ sở ban đầu để lạm phát cả năm 2012 sẽ giữ được dưới 10% như mục tiêu đặt ra.

TS
TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Theo TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, có thể nói việc nhập siêu 3 tháng đầu năm giảm mạnh đã cho thấy chính sách kìm chế để đảm bảo kinh tế vĩ mô có tác dụng hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả này chúng ta lại thấy nó đang phản ánh một thực tế đáng buồn, đó là sự ngưng trệ và đình đốn trong sản xuất kinh doanh.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, nhập siêu thấp không phải là điều đáng mừng mà phải thấy đó là nỗi lo. Bởi điều này đang thể hiện sự suy giảm của các ngành sản xuất công nghiệp trong nước nên nhu cầu nhập nguyên, nhiên, phụ liệu sản xuất giảm sút.

Liên quan đến những hàng rào bảo hộ của các nước và hàng rào kỹ thuật trong xuất khẩu trong đàm phán FTA (Hiệp định Thương mại Tự do) với Liên minh châu Âu (EU), ông Võ Trí Thành cho rằng, câu chuyện hàng rào kỹ thuật không phải là mới với Việt Nam. Từ trước đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh bằng giá rẻ, giá nhân công thấp và lợi thế về tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, cạnh tranh của hàng Việt Nam rất dễ động đến hàng rào kỹ thuật.
 

Hải Minh-Hồng Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ