Quy hoạch Hà Nội: Ngổn ngang trăm nỗi lo

GD&TĐ - Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, hướng mục tiêu "Thủ đô Hà Nội xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, bền vững". Tầm nhìn chiến lược nào cho quy hoạch Hà Nội trong tương lai khi mục tiêu gần chỉ còn 11 năm?

Nhà ở cao tầng ven đô TP Hà Nội
Nhà ở cao tầng ven đô TP Hà Nội

Bức tranh tổng thể

Theo TS. KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Trên thế giới có nhiều loại thủ đô nhưng Hà Nội là thủ đô đa chức năng bởi là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học, giáo dục đào tạo, thương mại, dịch vụ và giao lưu quốc tế của nước ta. Trước đây, cũng đã quy hoạch nhưng chỉ có 2.100km2, so với chức năng đô thị đa chức năng thì không gian đó quá bé, không thể đáp ứng hết được. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 có mục tiêu là xây dựng “Thủ đô hà Nội xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, bền vững”.

Tiêu chí này hoàn toàn phù hợp với Thủ đô của đất nước đang phát triển và CNH - HĐH. Đây là quy hoạch tầm nhìn đến năm 2030 và đến giữa thế kỷ (năm 2050). Trong quy hoạch rất chú trọng đến bộ khung, hay nói cách khác là giao thông của Hà Nội, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không. Hệ thống này gắn kết được quy hoạch Hà Nội cũ và Hà Nội mở rộng, kết nối được với vùng Thủ đô và với cả nước.

Để Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, khi làm quy hoạch, các kiến trúc sư chú trọng đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh. Theo đó, Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh gồm: Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai và Phú Xuyên, gánh vác nhiệm vụ giảm áp lực dân số, quá tải hạ tầng.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho biết: Đến nay về cơ bản đã hoàn thành hệ thống quy hoạch, xây dựng đã phủ kín gần 90% diện tích tự nhiên, tạo căn cứ để triển khai các dự án xây dựng, tạo lập tầm nhìn về diện mạo Thủ đô ngày càng đổi mới, khang trang, văn minh hiện đại từ khu vực đô thị đến nông thôn ngoại thành. Hà Nội phát triển không gian theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn được kết nối với nhau bằng hệ thống các đường vành đai, các trục hướng tâm. Đô thị trung tâm gắn kết với các đô thị vệ tinh bởi các hành lang xanh, vành đai xanh.

PGS.TS. KTS Nguyễn Trúc Anh, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng: Theo Đồ án quy hoạch chung, Thủ đô Hà Nội có diện tích khoảng 3.344km2, gồm đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh cùng các thị trấn sinh thái như: Phùng, Tây Đằng, Vân Đình, Thường Tín, Kim Bài, Chúc Sơn là các khu đô thị mới, động lực phát triển cho các huyện, khu vực ngoại thành, góp phần bảo vệ môi trường, tạo lập các khu sinh thái hấp dẫn, phù hợp với cơ cấu dân số Thủ đô.

Mặt bằng tổ chức không gian đô thị vệ tinh Sóc Sơn
Mặt bằng tổ chức không gian đô thị vệ tinh Sóc Sơn

Ngổn ngang bất cập

Năm 2008, Hà Tây được sáp nhập với Hà Nội. Hàng năm, bản đồ quy hoạch có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn song vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều khu đô thị thiếu cơ sở hạ tầng, không có trường học. Áp lực dân số di dân tự do, cộng với ngổn ngang các công trình xây dựng đã khiến cho giao thông Thủ đô thường xuyên tắc nghẽn.

GS.TS. KTS Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Viện trưởng Viện Viện Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, chia sẻ: Ba đô thị sinh thái xây dựng theo mô hình phát triển bền vững hệ sinh thái của Thủ đô Hà Nội song cũng đứng trước thuận lợi và khó khăn nhất định. Với Quốc Oai, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ. Các dự án phát triển riêng lẻ, chưa có tính kết nối và khó quản lý. Các cụm công nghiệp, tiểu thủ công bố trí rải rác, không thống nhất về quy mô và chức năng, trong đó nhiều khu bị ô nhiễm.

KTS Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho biết:

Chỉ tiêu về mật độ mạng lưới vận tải hành khách công cộng đạt từ 2 - 3 km/km2 cho đô thị trung tâm và 2 - 2,5 km/km2 cho đô thị vệ tinh. Tập trung ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khu vực đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt 30 - 35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 Khoảng 50 - 55%, sau 2030 đạt 65 - 70%; các đô thị vệ tinh lần lượt đạt 15%, 40%, sau năm 2030 đạt tối đa 50%.

TS..KTS Nguyễn Trung Dũng, Viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn quốc gia khẳng định: Đối với Việt Nam, đây là lần đầu tiên mô hình đô thị vệ tinh được áp dụng, chắc chắn sẽ có nhiều thách thức phải giải quyết trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển. Thứ nhất, đô thị vệ tinh của Hà Nội được quy hoạch trên cơ sở các đô thị hiện hữu có tính chất, quy mô và trình độ phát triển rất khác nhau, sẽ khó khăn trong quản lý và vận hành.

Sơn Tây được quy hoạch trên cơ sở thị xã Sơn Tây, Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên từ các thị trấn huyện lỵ. Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, 20 năm sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (1998), vẫn chưa được định hình, thậm chí chưa phải là một đơn vị hành chính độc lập?

Thứ hai, sự chồng lấn về địa giới hành chính và phân cấp quản lý phát triển này đã và sẽ gây ra nhiều khó khăn cho công tác phối hợp, điều hành giữa cấp chính quyền thành phố và giữa thành phố với các cơ quan Trung ương; Chưa phân biệt được giữa quản lý đô thị và quản lý nông thôn.

Quản lý phát triển mở rộng không gian đô thị hạn chế việc mở rộng tràn lan theo dạng “vệt dầu loang” mà hệ quả cuối cùng là sẽ biến TP Hà Nội thành một siêu đô thị. Thêm vào đó, do sức ép của quá trình phát triển mở rộng, không gian của vành đai xanh có xu hướng ngày càng thu hẹp. Quá trình gia tăng mật độ xây dựng tại các làng ven đô cùng với các dự án khai thác sử dụng quỹ đất trong khu vực như nhà xưởng, công trình thể thao, nhà ở nếu không được kiểm soát sẽ xuất hiện hiện tượng đô thị hóa theo dạng “xôi đỗ”.

Kiến trúc Hà Nội đã có nhiều đổi mới nhưng cũng đã bộc lộ tổng thể không gian đô thị chưa hài hoà, rất cần có những giải pháp khắc phục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ