Quỹ FAMLAB hỗ trợ 20 dự án nghệ thuật

GD&TĐ -Với tổng giá trị của Quỹ FAMLAB là 100,000 bảng Anh (khoảng 3 tỷ đồng), dự án Di sản Kết nối do Hội đồng Anh thiết kế gồm 20 dự án nghệ thuật ý nghĩa về di sản nhạc và phim của Việt Nam đã được hỗ trợ, tiếp tục góp phần bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của Việt Nam.

Các thành viên tham gia  dự án "Âm nhạc của chúng mình"
Các thành viên tham gia dự án "Âm nhạc của chúng mình"

Quỹ FAMLAB (Phim, Nhạc và Lưu trữ), thuộc dự án Di sản Kết nối, cho tới nay đã tạo điều kiện và nhiều cơ hội cho các cá nhân, các tổ chức và các nhóm thực hành nghệ thuật để thực hiện những dự án có tiềm năng tạo ra ảnh hưởng bền vững và lâu dài cho các cộng đồng di sản văn hóa cũng như nghệ thuật của Việt Nam.

Đi gần hết chặng đường hai năm đầu tiên của dự án, Hội đồng Anh cho biết Quỹ FAMLAB đã và đang hỗ trợ 20 dự án nghệ thuật tại Việt Nam. Đa dạng, thú vị, làm việc với nhiều sắc thái văn hóa, cũng như đến từ nhiều vùng địa lý khác nhau,

20 dự án được Quỹ FAMLAB lựa chọn hỗ trợ đã đưa ra những đề xuất cho sự tương tác với di sản âm nhạc và phim. Thông qua các dạng thức đương đại, các hoạt động này đã đem đến lợi ích cho các cộng đồng di sản.

Bìa album "Họa âm xưa" của nhóm Saigon Soul Revival

Bìa album "Họa âm xưa" của nhóm Saigon Soul Revival

Saigon Soul Revival là một dự án thu âm, tái hiện và trình diễn các ca khúc nhạc nhẹ và rock ‘n’ roll Việt Nam những năm 1960–1970.

Tháng 5/2019, trong một chương trình FAMLAB Open Session do Hội đồng Anh tổ chức tại TPHCM, Saigon Soul Revival đã giới thiệu một loạt tác phẩm mới, từ các sáng tác riêng của nhóm đến phần cover các nhạc khúc miền Nam thập niên 1960.

Ngay sau 2 ngày, sự kiện được hào hứng đón nhận, ban nhac bắt đầu thu âm album đầu tay ‘Họa âm xưa’ (sản xuất bởi người đồng hành lâu năm Jan Hagenkoetter từ Saigon Supersound), trong quá trình đó vươn ra những chiều kích mới, hợp tác cùng một loạt nghệ sĩ từ những cộng đồng âm nhạc khác nhau.

Saigon Soul Revival đang gấp rút chuẩn bị thực hiện tour diễn của mình tại các thành phố lớn cả trong nước và quốc tế bắt đầu từ tháng 12/2019 cho tới tháng 5/ 2020 gồm Đà Nẵng, Huế, Vinh, Hà Nội, Vũng Tàu, Tp.Hồ Chí Minh và hai thành phố của Đức là Berlin và Frankfurt.

“Âm nhạc của chúng mình” – dự án thực hiện bởi các bạn trẻ thuộc nhóm văn hóa cộng đồng Action for H’Mong Development nhằm lưu trữ và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc H’Mong cũng đang có những bước tiến năng động.

Kết thúc quá trình sưu tầm, thu âm và lưu trữ các làn điệu truyền thống của các dân tộc miền núi phía Bắc, nhóm Action for H’Mong Development hiện đang làm việc cùng các nghệ sĩ người Mông để phối nhạc và hòa âm mới cho các làn điệu này.

Gần nhất, cuối tháng 11 vừa qua, một trong các dự án của Quỹ FAMLAB có sự hợp tác và trao đổi giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, Hiệu ứng Bolero (do nghệ sĩ người Anh gốc Việt Moi Tran khởi xướng) đã có một buổi trình diễn sân khấu đa phương tiện thành công tại Hà Nội, với sự tham gia của đoàn nghệ thuật cộng đồng gồm 20 thành viên.

Với sự hỗ trợ của Quỹ FAMLAB, bên cạnh các dự án đã và đang triển khai, Hội đồng Anh vừa công bố các dự án được nhận hỗ trợ trong khuôn khổ đợt bốn, đợt cuối cùng của quỹ FAMLAB.

6 dự án đã được lựa chọn từ gần 30 hồ sơ, nâng tổng số dự án nghệ thuật nhận được tài trợ từ quỹ FAMLAB lên 20.

Theo vết con hổ câm: Ghi hình Tây Nguyên qua âm thanh bản địa – dự án của nghệ sĩ hình ảnh động Nguyễn Trinh Thi, tái diễn giải và cấu trúc một bộ phim câm quay ở Tây Nguyên thập niên 1930, với các tư liệu quay mới cũng như phần âm nhạc thực hiện mới bởi các nghệ nhân âm nhạc Jrai.

Cát bụi và kim loại– dự án điện ảnh ‘sống’ (live cinema) của nghệ sĩ video người Anh Esther Johnson, do Live Cinema UK sản xuất. Các hoạt động gợi nhắc đến những hiện tượng văn hóa xã hội, trong một nỗ lực kết nối quá khứ, với một tương lai từng tồn tại trong quá khứ đó.

Cấu thành từ cả các tư liệu lưu trữ tại Việt Nam cũng như các thước phim ngày nay do cộng đồng quay và đóng góp, qua mối quan tâm đến các hình ảnh của xe cộ và giao thông trải dài nhiều giai đoạn lịch sử Việt Nam.

Triển lãm tổng kết dự án Tương lai của truyền thống
 Triển lãm tổng kết dự án Tương lai của truyền thống

Dự án của Liên hoan Nghệ thuật Flatpack là tác phẩm kết hợp âm thanh-hình ảnh – xoay quanh rock ‘n’ roll Việt Nam những năm 1960-1970 – do Liên hoan Flatpack (Birmingham, Vương quốc Anh) hợp tác sản xuất cùng các nghệ sĩ âm nhạc và thị giác từ Việt Nam và Anh.

Truyền thuyết, linh hồn của trống Ginang và âm nhạc cổ truyền – xoay quanh âm nhạc và di sản dân tộc Chăm, do nghệ sĩ/thi sĩ Inra Jaka thực hiện cùng các nghệ sĩ và nhà nghiên cứu người Chăm và Việt. Dự án gồm một ấn phẩm nghiên cứu, các bản thu âm lưu trữ, các tác phẩm nghệ thuật, và phim tài liệu dự án.

Radio Giải phóng – là một sắp đặt tương tác tìm hiểu về mối quan hệ giữa lịch sử điện ảnh và lịch sử một quốc gia.

Với hướng tiếp cận đa phương tiện cũng như kết hợp các yếu tố đời thực và hư cấu, dự án có sự tham gia của nghệ sĩ âm thanh Nguyễn Hồng Nhung (Sound Awakener), nhà nghiên cứu và phóng viên Vương quốc Anh Matthew Sweet, cùng nghệ sĩ video Esther Johnson.

Vườn Lài xứ sở diệu kỳ – gồm các hợp tác và đóng góp từ nhiều cộng đồng khác nhau, dự án nghiên cứu và làm việc cùng các tư liệu hình ảnh động liên quan đến cộng đồng phi nhị giới tại Việt Nam.

Dự án do Queer Forever thực hiện, gồm các hợp phần khác nhau: lưu trữ, trình chiếu, thảo luận và workshop.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ