Tháng 9/2016 vừa tôi về đủ tuổi về hưu, còn đồng nghiệp của tôi được luân chuyển về vùng thuận lợi để làm Phó hiệu trưởng. Tuy nhiên, tôi không hưởng trợ cấp một lần khi về hưu còn đồng chí kia lại được hưởng. Như vậy có đúng không? – Hà Văn Quảng (haquang***@gmail.com).
* Trả lời:
Với những thông tin mà bạn cung cấp, rất khó để chúng tôi giải thích tường tận cho bạn. Vì vậy để chúng tôi có cơ sở trả lời chính xác, bạn cần cung cấp đầy đủ hồ sơ cho chúng tôi, như: Quá trình công tác, quyết định nhận công tác về vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn và quyết định nghỉ hưu của bạn.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin được viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật sau để bạn tham khảo.
Tại Điều 8 Nghị định số: 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ “Về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, có nêu:
- Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này đang công tác và có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm trở lên, khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu thì được hưởng trợ cấp một lần đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Mức trợ cấp một lần được quy định như sau: Mỗi năm công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được trợ cấp bằng 1/2 tiền lương tháng hiện hưởng, bao gồm: mức lương chức vụ, ngạch, bậc hoặc cấp hàm và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có tại thời điểm chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu.
- Thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nếu có tháng lẻ thì được tính như sau: Dưới 3 tháng thì không tính; Từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng thì được tính bằng 1/2 năm công tác; Từ trên 6 tháng đến 12 tháng thì được tính bằng 1 năm công tác.