(GD&TĐ)-Mới đây, Liên Bộ Tài chính – Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 71/ 2012/TTLT-BTC-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Người thi hành công vụ sẽ bị trừ lương hàng tháng để hoàn trả trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Nhà nước (ảnh MH) |
Theo đó, đối tượng áp dụng là các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án; người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và hoàn trả tiền bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hoạt động của cơ quan, người thi hành công vụ gây ra được bồi thường theo quy định tại Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Thông tư liên tịch cũng quy định cụ thể về kinh phí bồi thường và chi trả tiền bổi thường; kinh phí cho công tác quản lý nhà nước về bồi thường. Theo đó, hàng năm, căn cứ thực tế bồi thường năm trước, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành trung ương lập dự toán, tổng hợp dự toán kinh phí bồi thường của cơ quan trung ương trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét quyết định trong dự toán ngân sách trung ương; Sở Tài chính phối hợp với Sở, ban, ngành địa phương lập dự toán kinh phí bồi thường và tổng hợp trong dự toán ngân sách địa phương trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét quyết định. Kinh phí bồi thường chỉ được phân bổ cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường khi có yêu cầu chi trả tiền bồi thường hợp lệ.
Khi phát sinh yêu cầu chi trả tiền bồi thường theo bản án, quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan có trách nhiệm bồi thường chủ động rút dự toán chi quản lý hành chính được cấp có thẩm quyền giao (nếu còn) để ứng chi trả cho người bị thiệt hại. Trên cơ sở kinh phí đã chi trả cho người bị thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường tổng hợp, báo cáo cơ quan tài chính bổ sung kinh phí bồi thường để hoàn trả kinh phí đã ứng trả cho người bị thiệt hại. Việc chi trả phải thực hiện một lần bằng tiền mặt cho người được nhận tiền bồi thường hoặc chuyển khoản theo yêu cầu của người nhận tiền bồi thường và phải được thông báo trước ít nhất là 02 ngày cho người nhận tiền bồi thường để bố trí việc nhận tiền bồi thường. Trường hợp người được nhận tiền bồi thường có yêu cầu trả bằng chuyển khoản thì thực hiện theo yêu cầu của người chuyển khoản và thông báo cho người nhận tiền biết.
Đối với trường hợp việc hoàn trả được thực hiện bằng cách trừ dần vào lương hàng tháng của người thi hành công vụ thì mức tối thiểu không dưới 10% và mức tối đa không quá 30% thu nhập từ tiền lương hàng tháng. Thủ trưởng cơ quan quản lý cán bộ, công chức phải thực hiện việc hoàn trả có trách nhiệm trích tiền lương hàng tháng của cán bộ, công chức phải hoàn trả theo tỷ lệ đã được Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả quyết định để nộp vào ngân sách nhà nước cấp đã chi để thực hiện việc bồi thường thiệt hại.
Đối với nội dung chi đã có quy định cụ thể về chế độ, tiêu chuẩn, định mức thì thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Đối với nội dung chi cho các hoạt động quản lý chuyên ngành về công tác bồi thường nhà nước chưa có quy định mức chi cụ thể, thì thủ trưởng đơn vị vận dụng các quy định của pháp luật hiện hành đối với các hoạt động tương tự.
Việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí thực hiện công tác quản lý nhà nước về bồi thường thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 25/06/2012.
Hải Minh