Quy định về công nhận chứng chỉ ngoại ngữ của giáo viên

GD&TĐ - Tôi là giáo viên THCS dạy môn Âm nhạc. Tôi có chứng chỉ ngoại ngữ B1 do Đại học Sài Gòn cấp vào năm 2017. Tôi nộp chứng chỉ cho cơ quan nhưng được thông báo phải là chứng chỉ của 10 trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mới được công nhận. 

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Xin hỏi, chứng chỉ ngoại ngữ B1 của Đại học Sài Gòn cấp cho giáo viên không dạy môn ngoại ngữ có được công nhận hay không và ai là người có thẩm quyền công nhận, UBND thành phố hay đơn vị tôi đang công tác?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:

Trình độ ngoại ngữ của cán bộ, công chức và viên chức được quy định trong các thông tư liên tịch (số 20/2015/TTLT-BGĐT-BNV; số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV; số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV; số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và THPT công lập là căn cứ vào Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/1/2014).

Trong khi chờ xây dựng và ban hành các văn bản pháp lý để tổ chức, triển khai hoạt động của hệ thống khảo thí ngoại ngữ quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giới thiệu 10 đơn vị: Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm SEAMEO RETRAC (Thông báo số 826/TB-BGDĐT ngày 5/8/2011); Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Cần Thơ (Thông báo số 896/TB-BGDĐT ngày 24/8/2011); Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Vinh (Thông báo số 42/TB-BGDĐT ngày 11/1/2013) được tổ chức rà soát, thi, cấp giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh tương đương 6 bậc của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Ngoài ra, các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng có thể xem xét các chứng chỉ khác như TOEFL, IELTS hoặc TOEIC… để đánh giá năng lực tiếng Anh của cán bộ, công chức và viên chức.

Ngày 29/9/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Theo quy định tại Điều 24 về quản lý cấp phát chứng chỉ thì Thủ trưởng đơn vị tổ chức thi quy định tại Điều 4 của Quy chế này cấp chứng chỉ cho thí sinh đủ điều kiện, trong đó có ghi rõ bậc năng lực ngoại ngữ của thí sinh đạt được qua kỳ thi.

Việc chấp nhận chứng chỉ/chứng nhận năng lực ngoại ngữ nào và thời hạn áp dụng của chứng chỉ/chứng nhận là do Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (nếu được Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương uỷ quyền) xem xét, quyết định dựa theo yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đối với vị trí công việc (Công văn số 3755/BGDĐT-GDTX ngày 3/8/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo).

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ