Đối với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đa số ý kiến thành viên của Ủy ban nhận thấy dự thảo Luật đã cơ bản thể chế hóa được các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước. Xuất phát từ quan điểm coi người tiêu dùng có vị trí yếu thế trong quan hệ với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dự thảo Luật đã đề xuất cơ chế xã hội hóa công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để cân bằng lợi ích của người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cả người tiêu dùng cũng như tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh; đề xuất các biện pháp để giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; hoàn thiện thiết chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phù hợp với tình hình phát triển của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. |
Một số ý kiến cho rằng, nội dung dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn nữa về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong một số lĩnh vực dịch vụ đặc thù, trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm, về công tác xã hội hóa việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vai trò của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với việc dự thảo Luật đã đề xuất nhiều biện pháp để giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh là thương lượng, hòa giải, trọng tài, giải quyết khiếu nại bằng biện pháp hành chính.
Khi tranh chấp không thể hòa giải và phải đưa ra tòa, có ý kiến cho rằng người tiêu dùng trong xã hội còn có tâm lý thụ động ngại va chạm... vì vậy, để bảo vệ một cách có hiệu quả các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong điều kiện hiện nay, nhất là trong các vụ tranh chấp có quy mô nhỏ, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần cho phép không chỉ người bị thiệt hại (người tiêu dùng) khởi kiện mà họ còn có quyền lựa chọn tổ chức đại diện cho mình khởi kiện tại Tòa án.
Về quyền khởi kiện tại Tòa án đa số ý kiến Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí đề nghị khởi kiện thông qua các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng vì sẽ giúp cho người tiêu dùng nhanh chóng tiếp cận công lý và loại bỏ được những rào cản pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình và không phải chi phí quá lớn. Ngoài ra, với vai trò là người bảo trợ, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ trợ giúp người tiêu dùng với nhiều phương thức và cơ chế hỗ trợ đa dạng như cung cấp thông tin, kiểm tra (test) miễn phí tại các Trung tâm giám định của tổ chức, trợ giúp kinh phí theo phương thức hoàn trả sau, hỗ trợ tư vấn...
Nguyên do, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, người tiêu dùng trong xã hội còn có tâm lý thụ động, ngại va chạm, đa số các vụ kiện có quy mô nhỏ cần giao cho Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện, vì dễ tập hợp, chi phí thấp…
Về quy định về tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo Luật, có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, vì “Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là tổ chức xã hội” (Điều 26), do đó không nên quy định về vị trí, vai trò của một tổ chức xã hội trong dự thảo Luật. Việc thể chế hóa chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức xã hội là không phù hợp với thông lệ và truyền thống lập pháp ở nước ta.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một hình thức tổ chức xã hội đặc biệt. Khác với các tổ chức xã hội khác mà mục tiêu nói chung là bảo vệ quyền lợi của các hội viên, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động không phải để bảo vệ quyền lợi của bản thân hội viên mà nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đông đảo người tiêu dùng.
Ở nhiều nước như Hàn Quốc, Singgapore... việc thành lập tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều được quy định tại những văn bản riêng của nhà nước, trong đó có quy định những hoạt động chính, kể cả việc cấp ngân sách cho hoạt động của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi thực hiện một số nhiệm vụ được nhà nước giao. Vì vậy, để xã hội hóa công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì việc thể chế hoá tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo Luật này là hoàn toàn hợp lý.
Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với loại ý kiến thứ hai nhưng đề nghị dự thảo Luật cần phân định rõ ràng hơn về quyền hạn, nghĩa vụ của Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định giao cho tổ chức này thực hiện các hoạt động về thông tin, tuyên truyền về quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng, giám định để kết luận có hay không có hành vi vi phạm của thương nhân khi có tranh chấp phát sinh để làm căn cứ giải quyết… đồng thời cần bổ sung quy định hạn chế tổ chức này thực hiện một số hoạt động như không được tham gia khuyếch trương thương mại cho bất kỳ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nào khác, không được quảng cáo cho bất kỳ mục đích thương mại nào trong các hoạt động của mình, không được khai thác các thông tin, hướng dẫn người tiêu dùng nhằm mục đích kinh doanh, không bị ảnh hưởng hoặc bị lệ thuộc bởi việc nhận tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong mọi hoạt động…
Quang Anh