Quy chế là nhằm đảm bảo công bằng trong thi cử

Quy chế là nhằm đảm bảo công bằng trong thi cử

(GD&TĐ) - Đi kiểm tra các Hội đồng thi khu vực Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga-Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, nhấn mạnh: Thực hiện Quy chế tuyển sinh là nhằm đảm bảo công bằng trong thi cử. Việc sửa đổi Điều 25 quy chế tuyển sinh là để các Hội đồng thi có cơ sở để xử lý những tình huống khi có thí sinh mang vào phòng thi các vật dụng không được phép. Những vật dụng thí sinh được phép mang vào phòng thi đã qui định rõ tại điểm c điều 25 của qui chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012, không có gì thay đổi nên thí sinh không nên bận tâm về việc này. 

T
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra công tác chuẩn bị tại các HĐT và làm thủ tục thi vào sáng 3/7

Thưa Thứ trưởng, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đã hoàn tất, các Hội đồng thi đã sẵn sàng cho môn thi đầu tiên của kỳ thi. Đi kiểm tra một số hội đồng thi, Thứ trưởng có nhận xét gì về việc này, đặc biệt là về qui chế tuyển sinh sửa đổi?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Cả 3 đợt của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trên cả nước sẽ có 370 trường tổ chức thi với 2389 điểm thi/63.486 phòng thi và 2.029.559 hồ sơ đăng ký dự thi. Đến thời điểm này, theo số liệu tổng hợp chung số lượng thí sinh năm nay giảm so với năm ngoái là 7,5%. Qua các báo cáo của các khu vực thi thì công tác tuyển sinh đã thực hiện tốt, các hội đồng thi đã sẵn sàng, việc tổ chức thí đã thực hiện nghiêm theo đúng quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT ban hành.

Việc điều chỉnh qui chế tuyển sinh là để tăng cường giám sát kỳ thi nghiêm túc.Thí sinh, những người tham gia công tác tổ chức thi và quần chúng nhân dân nếu phát hiện những tiêu cực, vi phạm qui chế tuyển sinh thì cung cấp thông tin, bằng chứng tại những địa chỉ qui định để các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời. Những vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi được qui định rõ tại điểm c, điều 25 của qui chế tuyển sinh đại học, cao đẳng nằm 2012, không có gì thay đổi. Phần qui chế sửa đổi qui định rõ cách xử lý trong trường hợp thí sinh mang vào những vật dụng khác ngoài các vật dụng qui định để tập hợp bằng chứng chống tiêu cực trong thi.

Thưa Thứ trưởng, năm 2012 này Bộ GD&ĐT chủ trương ưu tiên xét tuyển thẳng cho thí sinh thuộc 62 huyện nghèo, là người dân tộc thiểu số theo tinh thần tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Vậy việc xét tuyển sẽ được thực hiện thế nào để đảm bảo công bằng. Đến thời điểm này, đã có số lượng thí sinh được ưu tiên xét tuyển chưa và số thí sinh được ưu tiên xét tuyển này có ảnh hưởng đến chỉ tiêu chung của các trường?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc xét tuyển thẳng những thí sinh ở những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn theo Nghị quyết 30a của Chính phủ là việc làm đúng đắn, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho thí sinh ở những địa phương khó khăn này được tiếp cận với giáo dục đại học, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế an sinh xã hội.

Để đảm bảo công bằng và việc tuyển sinh đúng người, đúng địa chỉ, qui chế quy định đã chỉ rõ: Thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, nếu học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp THPT tại các huyện này, thì Hiệu trưởng các trường đại học xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học.

Đến thời điểm này Bộ GD&ĐT chưa nhận được báo cáo của các trường về số lượng tuyển thẳng các thí sinh thuộc diện này. Các trường đã tích cực thực hiện qui chế, nhưng có trường đưa ra tiêu chí xét tuyển quá cao nên nhiều em không đáp ứng được. Việc tuyển thẳng này không ảnh hưởng gì đến kế hoạch đào tạo của các trường vì số lượng thí sinh xin xét tuyển không nhiều.

Thưa Thứ trưởng, Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT năm nay đã cho phép các trường chủ động xét tuyển, không khống chế nguyện vọng, thí sinh có thể nộp cả bản sao giấy chứng nhận kết quả thi. Như vậy thí sinh sẽ được thêm nhiều cơ hội xét tuyển, các trường có thêm nguồn tuyển?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga:  Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ đã chỉ rõ, trong trường hợp thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì các em sẽ nhận được hai phiếu báo điểm có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi. Các em sẽ dùng phiếu này để đăng ký xét tuyển vào các trường khác. Và để tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh cũng như gọi nhập học của các nhà trường, quy chế cho phép tùy theo yêu cầu của trường xét tuyển cần phiếu báo điểm gốc hay bản sao công chứng.

Đề thi năm nay sẽ có tính phân loại tốt, phổ điểm thi của thí sinh sẽ trải đều, cùng với việc các trường được chủ động xét tuyển, thí sinh được phép đăng ký xét tuyển nhiều lần, những thí sinh có kết quả thi trên điểm sàn sẽ có nhiều khả năng lựa chọn được nơi học tập mà mình yêu thích. Tuy nhiên, để thí sinh nắm được thông tin, quy chế cho phép các trường được chủ động về số đợt xét tuyển nhưng cũng yêu cầu các trường phải công khai ngay từ đầu thời gian mỗi đợt, điều kiện cụ thể, không được phép kết thúc xét tuyển trước thời hạn đã thông báo.

Giám thị công bố quy chế thi, đối chiếu ảnh với các thí sinh đến làm thủ tục dự thi
Giám thị công bố quy chế thi, đối chiếu ảnh với các thí sinh đến làm thủ tục dự thi, ảnh gdtd.vn

Hiện có ý kiến cho rằng Bộ nên bỏ điểm sàn chung để các trường tự chủ trong xét tuyển cho phù hợp với năng lực của từng trường. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng không thể bỏ điểm sàn, vì đây là ngưỡng đầu vào cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo. Quan điểm của Thứ trưởng về việc này thế nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Hiện nay, việc đưa ra mức sàn chung trong xét tuyển vào học ĐH hoặc CĐ là việc làm cần thiết. Quan điểm của Bộ GD&ĐT trong việc quy định điểm sàn là ngưỡng tối thiểu để thí sinh có thể học đại học, cao đẳng. Thực ra nếu chất lượng học sinh phổ thông đồng đều và được phân luồng tốt, mạng lưới ĐH, CĐ được phát triển rộng, có đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng để mọi người có nhu cầu học ĐH, CĐ đều có thể vào học rồi sàng lọc trong quá trình đào tạo thì sẽ tốt hơn. Nhưng khi giáo dục phổ thông chưa đáp ứng được các yêu cầu này thì việc duy trì điểm sàn là cần thiết.

Mới đây, Luật Giáo dục Đại học đã được Quốc hội thông qua quy định rõ kiểm định chất lượng là bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục đại học. Các trường sẽ phải công khai kết quả kiểm định chất lượng của mình kèm theo các điều kiện đảm bảo chất lượng trong đó có mức thu học phí. Hệ thống giáo dục đại học sẽ được phân tầng. Những đại học nghiên cứu sẽ tổ chức thi tuyển sinh để lấy nguồn đào tạo nhân lực tinh hoa. Những trường đại học khác, có thể sẽ chỉ xét tuyển thí sinh tốt nghiệp phổ thông hay xét tuyển thí sinh dự thi các kỳ thi chung rồi sàng lọc trong quá trình đào tạo. 

Xin cám ơn Thứ trưởng!

ND (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ