"Xưởng giày" vỉa hè

"Xưởng giày" vỉa hè

(GD&TĐ) - Từ việc thay da, đôn đế, hay tạo lại dáng cho phù hợp với đôi chân, dáng đi cho đến việc đóng mới một đôi giày đều được thực hiện dưới tay nghề của những em đang ở tuổi thanh thiếu niên. Đó là “tiệm” phục hồi giày cũ của ông Nguyễn Hữu Văn (39 tuổi) đã tồn tại hàng chục năm nay qua ở góc vỉa hè Nhà triển lãm thành phố (92 Lê Thánh Tôn, TP.HCM).

Những “nghệ nhân nhí”

Nhờ một người bạn mách nước, chúng tôi đến “tiệm” phục hồi giày ở vỉa hè của ông chủ trẻ Nguyễn Hữu Văn vào lúc 11 giờ trưa. Dòng người đi đường đã thưa đi nhưng khách đến tiệm vẫn nhiều. Nườm nượp những xe hơi và xe tay ga đời mới ghé vào, họ chìa ra những đôi giày, đôi dép nhờ sửa. Đôi ba phút lại thấy một ông tây, bà đầm đi ngang “hello” với anh chủ tiệm quần áo nhem nhuốc những keo dán, huơ tay ra hiệu với chủ tiệm muốn sửa lại đôi giày theo ý của mình. Tất cả những con người đó vừa là khách quen, vừa khách mới của tiệm sửa giày này.

“Xưởng” giày vỉa hè
“Xưởng” giày vỉa hè

Ngồi quan sát, chúng tôi nhận thấy tại “tiệm” này, mỗi người một công đoạn, người thì khâu lại da, người thì dán keo, người thì tỉ mẩn từng chi tiết một để mài đế, vẽ khuôn đế. Ai nấy đều khẩn trương cố gắng hoàn thành phần việc của mình để ghép lại cho ra một đôi giày thật chuẩn theo ý khách hàng. Tiếng cắt, tiếng mài đế, rất lặng lẽ giữa dòng người qua lại. Nhìn đôi tay của em Trần Học Hòa nhanh nhẹn, khéo léo chấm keo phết lên đế, da giày rồi nhẹ nhàng dán lại, những khâu “phục hồi” cuối cùng của một chiếc giày cũng đã được em hoàn tất. Dù có đôi tay nhanh nhẹn và rất “chuyên nghiệp” trong công việc, nhưng Trần Học Hòa lại là người thợ nhỏ tuổi nhất trong 7 người thợ của tiệm, khi em chỉ vừa bước qua tuổi 14. Nhà ở đường Vạn Kiếp (Bình Thạnh) trong xóm với “ông chủ Văn”, gia đình nghèo không có tiền đi học, suốt ngày lang thang nên được “ông chủ Văn” đào tạo và đưa vào làm được 3 năm nay. “Lúc trước, ba mẹ không có tiền cho em đến trường, ở nhà không biết làm gì nên em xin chú Văn theo nghề. Ban đầu cũng hơi khó, nhưng được chú chỉ bảo nên giờ em cũng đã thạo” - Hòa tâm sự.

Ở sát phía trong nhà triển lãm, anh thợ cứng tay nghề nhất trong số 7 người thợ - Nguyễn Bá Chính (32 tuổi) vẫn đang chăm chỉ nắn nót từng chi tiết nhỏ nhất để vẽ, mài sao cho khuôn đế giày thật đẹp, thật chuẩn xác từng chi tiết nhỏ nhất để khi ghép không bị lỗi. Tôi lân la bắt chuyện, anh Chính cho biết: “Đôi giày này anh đang thực hiện theo ý niệm của khách hàng là một người Tây. Ông khách này cũng là một trong những mối quen của tiệm, lại rất kỹ tính nên tôi không thể làm cho nhanh được. Ông đưa đến cả 3 ngày nay rồi, phải thực hiện cho đúng hạn định, cho dù đế của loại giày này rất khó tìm và hầu như không có. Buộc phải tạo đế mới nhưng làm sao cho vừa form thì mới được”. Rồi anh kể tiếp: “Nhà tôi có hai người đi theo nghề sửa giày, người anh đang làm thủ công, may những chiếc giày đơn giản ở chợ Bà Chiểu, riêng tôi thì làm tại đây đã được 10 năm - phụ trách chung. Những đôi giày khó, những đôi giày của khách hàng người nước ngoài đem đến đều qua tay anh phục hồi. Đôi nào khó quá thì đưa cho ‘ông chủ Văn’ làm. Lương tháng 3 triệu không nhiều, nhưng cũng đủ để tôi chi phí sinh hoạt trong gia đình, sống qua ngày. Hơn nữa, nó cũng như là cái nghiệp của tôi bởi đã 10 năm gắn bó, buông ra thì không biết làm gì”. Ban đầu, anh chỉ là người học việc, làm những công đoạn đơn giản như may, dán keo…Bây giờ, với thâm niên 10 năm trong nghề, trải qua không biết bao nhiêu loại giày, anh có thể phụ trách mọi công đoạn trong quá trình đóng giày, phục hồi giày hư, từ vẽ đế, dán, anh đều có thể đảm nhận. Còn em Nguyễn Văn Bình (18 tuổi) cũng là một người chăm chỉ và lành tay nghề. Dù tuổi đời còn trẻ, nhưng kỹ năng nghề nghiệp của em không hề thua bất cứ ai trong nhóm. Từ Đà Lạt dạt xuống Sài Gòn mưu sinh, những ngày đầu không biết làm gì, cuối cùng được một người quen giới thiệu với anh Văn cho học việc. Trải qua hơn 3 năm, Bình chăm chỉ vừa học, vừa làm đến nay đã trở thành một tay sửa giày không thể thiếu của xưởng.

Em Trần Học Hòa (phải) đang tỉ mẩn thực hiện những động tác phu
Em Trần Học Hòa (phải) đang tỉ mẩn thực hiện những động tác phu

Ông chủ 3 đời theo nghiệp sửa giày

Tại TP.HCM, hành nghề sửa giày ở vỉa hè thì rất nhiều, nhưng để có được tiếng như “tiệm” sửa giày của anh Nguyễn Hữu Văn thì rất hiếm. Bởi lẽ, những ai đến đây đều tỏ ra ngạc nhiên khi tiệm của anh Văn có lắm khách hàng “hạng sang” thế. Ở cái tuổi 39, Nguyễn Hữu Văn - “ông chủ Văn”, nhìn rất trẻ so với tuổi đời nhưng anh lại có cái vẻ tự tin của một người đã đạt được kỹ xảo trong nghề. Dù là “giám đốc” nhưng ít khi anh ngồi không ở tiệm, anh luôn tay làm việc cũng với những “người lính” được anh đào tạo. “Tiệm” đông khách cũng bởi nhờ những khách quen hay sửa giày ở chỗ anh thường không ngần ngại quảng cáo không công cho ông thợ mà họ rất ưng ý này. Hỏi về duyên sửa giày ở vỉa hè, anh cho biết: Anh được thừa kế vốn nghề của cha để lại. Gia đình anh có 3 đời theo nghề. Trước giải phóng, cha anh là một thợ đóng giày của tiệm giày Trần Văn Mỹ nổi tiếng của khu vực kinh doanh giày dép Lê Thánh Tôn. Hòa bình lập lại, tiệm giày nơi ba làm đóng cửa, ông phải ra vỉa hè đối diện mở một góc sửa chữa giày dép. Lúc ấy, Văn chỉ mới 14 tuổi đã phải lao động kiếm sống cùng cha. Đến năm 1991, ba anh qua đời và anh tiếp nhận lại góc đường sửa giày và sớm trở thành trụ cột kinh tế của gia đình. “Thật sự thì lúc cha mất, tôi chỉ mới tập tành làm quen với nghề đóng mới giày, chỉ bập bõm biết được nghề sửa giày. Nhưng sau 20 năm lăn lộn với nghề, bây giờ tôi có thể đảm đương công việc của một ông thợ sửa giày kiêm đóng giày”- anh Văn tâm sự. Để cho khách hàng có nhiều sự lựa chọn, ở tiệm sửa giày vỉa hè có vẻ dã chiến của Văn vẫn có cả hai cuốn catalogue hình các kiểu giày để khách có thể chọn kiểu đóng mới giày. Đây là những kiểu giày do anh chụp lại từ những đôi giày sang trọng, đắt tiền mà khách thường đem đến cho anh sửa. Có những đôi giày mới có giá cả chục triệu đồng, nhưng những người chủ vẫn thường đem ra cho anh dán thêm lớp đế để đỡ mòn, đỡ trơn hơn khi để mang nguyên trạng.

Thái Khuê

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ