(GD&TĐ) - Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay rất hay, đặc biệt thầy cô giáo, HS và cả xã hội đánh giá cao câu số 2, câu nghị luận xã hội “Viết một bài văn ngắn khoảng 400 từ bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của HS Nguyễn Văn Nam…”.
Tự tin qua từng môn thi |
Thầy Khưu Quang Minh - Giáo viên Văn trường THPT Trà Nóc (TP Cần Thơ) bình luận: Có thể thấy vào thời điểm đó Nam hành động theo bản năng là cứu người, chứ không phải là ích kỷ đứng nhìn và Nam chắc cũng không nghĩ mình sẻ có kết cục như vậy. Từ hình ảnh đẹp đó, mỗi người chúng ta rút ra bài học, dạy cho con em chúng ta cách sống, làm người, sống vì người khác... chứ chúng ta đừng lấy kết cục của Nam rồi bảo con em chúng ta có nên như vậy hay không. Đó là điều hết sức đáng tiếc!
Xin đừng suy diễn về một đề văn quá hay như thế. Không ai mong con mình phải chết, nhưng chắc hẳn không ai muốn con mình là một kẻ sống vị kỷ, chỉ biết hưởng thụ, chỉ biết người khác phải hy sinh, phải chăm lo cho mình.
Câu số 2 là câu hỏi mở đã rất cụ thể nên khi chấm thi cần có đáp án mở, phương án mở, trong đó chú ý sự sáng tạo của HS cũng như những bài học, kinh nghiệm sống và chia sẻ của HS. Trên phương diện tổng quan, Bộ đã có hướng dẫn chấm thi môn Văn rất cụ thể. Ngoài ra chúng ta cần phải xem tính sáng tạo của HS, qua hành động của bạn Nam các em học được bài học gì, rút được gì cho bản thân?
Hành động dũng cảm của Nam sẽ là tấm gương sáng để mọi người noi theo, qua đó là bài học về đức hy sinh, dũng cảm… HS khi làm bài có thể từ những bài học này các em liên hệ bản thân để sống tốt hơn, học tập tốt để đem sức mình cống hiến cho quê hương, đất nước, nhân loại… Nhờ cảm hứng từ gương hy sinh của Nam sẽ vực dậy niềm tin và khát khao cống hiến trong mỗi bạn trẻ...
Đã bao đời nay dân tộc chúng ta có rất nhiều tấm gương quên mình luôn được đem ra để răn dạy con em và thế hệ mai sau. Chúng ta đừng quá nặng nề khi chấm thi ở câu số 2. Theo tôi, đây là câu rất thú vị và không hề khó chấm điểm. Không khéo chúng ta sẽ bóp chết tính sáng tạo của HS, mỗi em sẽ cảm nhận câu chuyện về bạn Nam và rút ra bài học riêng hết sức đáng quý.
Giáo dục là hướng con người đến cái đẹp, biết sống đẹp. Hành động quên mình của Nam có kết cục buồn, nhưng đó là hành động đẹp, gây xúc động lòng người và đáng ngưỡng mộ. Nếu vì kết cục buồn mà khuyến khích lối sống tìm sự an toàn cho bản thân thì rất đáng lo ngại cho môi trường giáo dục, nhất là khi xã hội còn ngổn ngang những điều không đẹp, đầy rẫy những thờ ơ, vô cảm trước nỗi khổ của người khác. Tuy Nam đã ra đi rồi và kỳ thi tốt nghiệp cũng đã kết thúc.
Đã là suy nghĩ của mỗi người thì không nên áp đặt một khuôn làm gì. Đề mở cần có đáp án mở và cứ để thuận theo suy nghĩ của các em là hay hơn. Đáp án cần có độ mở cần thiết để có thể sát với thực tiễn bài làm rất phong phú của HS.
Tuy nhiên đề mở, đáp án mở phải dựa trên trền tảng của những chuẩn mực đạo đức, những giá trị nhân văn, truyền thống. Nên độ mở cũng có giới hạn, không thể thừa nhận những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực… Nhiều người cùng với quá nhiều ý kiến khác nhau sẽ làm cho những người chấm thi có thể bị “nhiễu”.
Quốc Ngữ ghi