"Vua ấm" và kho sách tại gia

"Vua ấm" và kho sách tại gia

(GD&TĐ) - Bỏ tiền mua về những cuốn sách quý, ông Lê Hạc đã lưu giữ bộ sưu tập với hơn 4.500 cuốn sách đủ thể loại. Ngoài sách, ông còn là chủ nhân của hơn 1000 chiếc ấm,  không chiếc nào giống chiếc nào.

Lưu giữ tri thức

Trong con hẻm nhỏ trên phố Quang Trung, TP Thanh Hoá, nhà ông Hạc là điểm đến của những người đam mê sách. Căn phòng nhỏ nằm tách biệt được ông Hạc dành riêng làm nơi lưu trữ sách. Ông Hạc bảo đến nay đã có hơn 4.500 cuốn sách, ban đầu mua sách về cũng chỉ nhằm phục vụ niềm đam mê đọc sách mà thôi. Hàng chục năm trôi qua, không nỡ bỏ những cuốn sách đã đọc, ông Hạc quyết định xây phòng, đóng tủ để lưu trữ sách và thế là số lượng sách cứ tăng dần theo năm tháng. Sau hàng chục năm sưu tập, lưu giữ, đến nay tủ sách lớn của ông Hạc có đầy đủ các thể loại từ truyện ngắn, tiểu thuyết, sách giáo khoa… Không coi tủ sách như một thứ “trang sức”, ông Hạc luôn khóa kín phòng sách. Người lạ đến nhà không thể biết rằng ông lão “đầu xù tóc rối” đó lại sở hữu một kho tri thức lớn đến như vậy. Ông Hạc bảo “tôi tâm đắc với quan điểm sách là tri thức, đọc sách cũng là học tập nên mua sách, đọc và lưu giữ lại thôi”. 

Ông Hạc bên bộ sưu tập hơn 1000 chiếc ấm không giống nhau
Ông Hạc bên bộ sưu tập hơn 1000 chiếc ấm không giống nhau

Tính khí khá cá biệt, được đọc, mượn sách của ông Hạc không dễ. Nhiều người bảo ông lão ấy khó tính. Ông Hạc cũng thừa nhận điểm này: “Có mấy người đến cứ hỏi mượn sách, họ bảo tìm ở các thư viện không có, nhưng tôi nhất quyết không cho mượn. Người không đàng hoàng thì mượn sách về cũng chỉ làm điều xằng bậy mà thôi. Cho họ mượn rồi họ mang về phô-tô, đem xào xáo thành các công trình nghiên cứu “độc quyền”, như thế thành ra mình tiếp tay cho cái xấu à, như thế là có lỗi với người viết ra cuốn sách ấy lắm. Họ mượn về không được thì kì kèo bảo cho em mượn ngồi tại nhà anh đọc, tôi bảo vậy tôi lại phải mất thì giờ trông anh và sách à?”. 

Xem ra cái tính “độc đoán” của ông Hạc cũng xuất phát từ việc yêu, quý sách, sợ mất những cuốn sách quý mà thôi.  

Nói mượn sách của ông Hạc không dễ là bởi vẫn có những trường hợp ông Hạc cho đọc sách thoải mái. Ông bảo “Sách để trong nhà mà không có ai đọc thì cũng chỉ là mớ giấy lộn vô giá trị mà thôi. Tôi không phải lưu giữ sách để khoe với thiên hạ mình là tri thức. Ai đến nhà thật lòng muốn đọc sách, thật lòng yêu sách, cần sách, coi sách như bạn tôi sẵn sàng cho đọc. Có khi gặp những người cùng chung niềm đam mê đọc sách, dù là học sinh hay cụ già, chúng tôi cảm thấy rất vui, có thể hàn huyên với nhau cả ngày”.  Hỏi ông Hạc cuốn sách nào trong tủ sách có giá trị nhất, ông bảo “Tôi coi những cuốn sách ở đây có giá trị như nhau, dù là sách giáo khoa hay công trình nghiên cứu, văn học nước ngoài hay văn học Việt Nam, sách của tác giả nổi tiếng hay một người vô danh... Một cuốn sách có thể quý báu với người này nhưng lại rất đỗi bình thường với người khác. Với tôi, mỗi cuốn có một giá trị nhất định”.

Bảo quản tài năng

Không chỉ lưu giữ kho sách quý, ông Hạc còn có bộ sưu tập ấm với hơn 1000 chiếc ấm không giống nhau. Ông Hạc bộc bạch: “Tôi sưu tầm ấm trước hết vì sở thích, với tôi chỉ có ấm mới có nhiều đường nét, nhiều hướng thể hiện và vì thế mới nói hết tài năng của người làm ấm. Còn những vật dụng khác như đĩa, chén, bát… thì có ít kiểu dáng và sự sáng tạo hơn.” Hiện tại ông Hạc lưu giữ số ấm này trong 9 chiếc tủ gỗ. 

Hơn 1000 chiếc ấm mà ông Hạc đã sưu tập được vô cùng độc đáo, không một chiếc ấm nào giống hoàn toàn chiếc nào. Nhất định chiếc ấm ông Hạc mang về nhà phải có điểm khác biệt với những ấm ông đã có. Những chiếc ấm có thể trùng nhau vài yếu tố như hình dáng, chất liệu, hoa văn nhưng nhất định phải có một điểm khác biệt, nếu trùng nhau hình dáng thì phải khác nhau hoa văn, trùng hoa văn thì khác nhau chất liệu, trùng nhau cả chất liệu và hoa văn thì nhất định phải khác nhau về kích thước… 

Hiện nay bộ sưu tập của ông Hạc đã có những chiếc ấm ở đầy đủ chất liệu như: Sứ, kim loại, thủy tinh, gỗ, nhựa… Kích thước phong phú, từ những chiếc ấm chỉ bằng ngón tay cái đến chiếc ấm to như chiếc thúng. Ông Hạc cho biết trong bộ sưu tập của mình có cả những chiếc ấm “ngoại quốc” được ông Hạc cất công xuất ngoại để mua về từ Trung Quốc, Nhật, Pháp… Ông Hạc có những chiếc ấm cổ và rất đắt tiền nhưng cũng sở hữu những chiếc ấm rất đời thường, trị giá khoảng vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Ông Hạc kể đôi khi để mua được những chiếc ấm mình thích ông Hạc phải bỏ cả tháng trời để thuyết phục những người có ấm bán cho mình. Bởi lẽ có những chiếc ấm tuy không quý xong lại là chiếc ấm mà ông chưa có, thấy ông ngỏ ý muốn mua chủ chiếc ấm lại tưởng đó là chiếc ấm quý giá nên nhất định không chịu bán, có người thì không bán vì chiếc ấm là vật gia truyền tổ tiên, là món quà được tặng… Có khi để mua được một chiếc ấm mình ưng ý, ông Hạc phải chờ đến cả chục năm. Ông kể: “Có lần tôi bắt gặp một chiếc ấm mà mình rất thích, người con đồng ý bán nhưng người cha nhất quyết không chịu, đến khi người cha qua đời thì người con gọi tôi đến mua chiếc ấm. Tuy nhiên, tôi cũng không bất chấp mua ấm bằng mọi giá, có khi tôi gặp và thích một chiếc ấm lắm nhưng do họ đòi giá quá cao vì thế tôi không mua. Là người sưu tập chứ không phải kinh doanh nên thấy giá cả hợp lý tôi mới mua. Nhiều lúc thích nhưng kinh tế không cho phép thì mình cũng phải chấp nhận thôi.” 

Ông Hạc cho biết cũng có nhiều người hỏi mua một vài chiếc ấm, một vài quyển sách nhưng ông nhất quyết không bán. Đơn giản thôi: “Bán là sẽ mất, tôi quyết giữ chúng lại và sẽ bàn giao lại cho con cái khi sức cùng lực kiệt.”

Hoàng Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ