"Vi phạm quy chế thi tại Hà Nội không có dấu hiệu tiêu cực"

"Vi phạm quy chế thi tại Hà Nội không có dấu hiệu tiêu cực"

(GD&TĐ) - Đó nhận định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển xung quanh vụ việc vi phạm quy chế thi tại Hội đồng thi Trường THPT Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) được thông tin trên báo chí ngày 13/6.

Thẳng thắn nhìn nhận, chia sẻ chân tình, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã có cuộc trò chuyện với phóng viên về các quyết định của Bộ GD&ĐT trong xử lý vi phạm quy chế thi, những kế hoạch đã, đang và sẽ triển khai trong thời gian tới với việc nâng cao ý thức trách nhiệm của giáo viên và học sinh, xây dựng đề thi, đổi mới kiểm tra đánh giá… để có được những kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng nghiêm túc hơn.

B
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

Không xử lý các thí sinh vi phạm quy chế thi

* Trong bản kết luận của Sở GD&ĐT Hà Nội về vụ việc vi phạm quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2013 có dự kiến hình thức xử lý vi phạm của Chủ tịch hội đồng, giám thị, thanh tra nhưng chưa đề cập đến nội dung thí sinh có bị xử lý không, và nếu có thì xử lý như thế nào? Xin Thứ trưởng cho biết ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về vấn đề này?

- Bộ GD&ĐT cho rằng Hà Nội đã xử lý kịp thời, nghiêm túc, đúng người, đúng lỗi với các cá nhân có liên quan đến vi phạm quy chế thi. Sở GD&ĐT Hà Nội đã khẩn trương triệu tập tất cả Hội đồng thi, các giám thị ở phòng khi khác đến tường trình, viết cam đoan… Để ra kết quả thanh tra là có một phòng thi vi phạm quy chế ở 2 môn Toán và Ngoại ngữ.

Về việc có xử lý thí sinh hay không, Bộ GD&ĐT thống nhất với Sở GD&ĐT Hà Nội là không xử lý. Các em có lỗi vi phạm Quy chế, nhưng vì giáo viên không nhắc nhở, dung túng sai trái của học sinh, nên các em có điều kiện thực hiện những việc không đúng.

Nếu giáo viên làm việc đúng trách nhiệm thì có hai khả năng xảy ra: Thứ nhất, học sinh vi phạm bị xử lý ngay tại Hội đồng. Thứ hai, các em sẽ có ý thức trách nhiệm không vi phạm quy chế. Trong sự việc này, tôi cho rằng giáo viên phải chịu trách nhiệm chính.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhà trường, các thầy cô giáo cần nâng cao hơn nữa việc giáo dục ý thức cho học sinh, để các em học thật, thi thật, nghiêm túc thực hiện Quy chế thi. Đồng thời, tăng cường ý thức trách nhiệm cho giáo viên - những người quyết định đến sự nghiêm túc của cả một kỳ thi.

* Thứ trưởng có nhận định gì về tính chất, mức độ của vụ việc?

- Vụ việc xác định là vi phạm kỷ luật phòng thi. Đây là hành động thiếu trách nhiệm của từng cá nhân, không phải hoạt động có tổ chức, không thấy có dấu hiệu tiêu cực.

Tại đa số các Hội đồng thi đều giữ nghiêm kỷ luật phòng thi
Tại đa số các Hội đồng thi đều giữ nghiêm kỷ luật phòng thi

* Hà Nội trước nay là lá cờ đầu của cả nước trong lĩnh vực giáo dục. Nay lại xảy ra vụ việc đáng tiếc, liệu niềm tin vào thành tích giáo dục của Hà Nội có bị lung lay, thưa Thứ trưởng?

- Từ “đứng đầu” ở đây là nói về việc Hà Nội có nhiều học sinh giỏi.

Còn nếu đánh giá tổng thể về giáo dục của một địa phương thì với sự cố gắng của nhân dân, của phụ huynh học sinh, của học sinh, của các thầy cô giáo… thì khó có thể đong đếm để nói địa phương nào là đứng đầu.

Nhưng không phải vì việc “con sâu bỏ rầu nồi canh” mà nói rằng mất hết cả niềm tin vào giáo dục của Hà Nội.

* Được biết từ năm 2007, Bộ GD&ĐT đã bỏ tiêu chí kết quả thi tốt nghiệp để đánh giá thành tích thi đua của các địa phương. Nhưng dường như áp lực về thành tích vẫn đè nặng lên các Sở. Có thể lý giải điều này như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Đúng là một vài nơi còn có hiện tượng chính quyền địa phương muốn con số đẹp, muốn có thành tích từ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Áp lực này đã chi phối ít nhiều lên chính các Sở trong việc tổ chức thi, xử lý tình huống. Để thấy rằng tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế cần có sự phối hợp của nhiều ban ngành, cần có sự chung sức của toàn xã hội.

Có thể vẫn còn hiện tượng vi phạm chưa được phát hiện

* Theo Thứ trưởng, vụ việc ở trường THPT Quang Trung là một hiện tượng cá biệt hay ở đâu đó vẫn xảy ra vi phạm mà chưa được phát hiện?

“Bộ GD&ĐT trân trọng cảm ơn báo chí đã phản ánh kịp thời, khách quan về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013. Theo quy chế mới, với việc tiếp nhận các thông tin phản ánh về kỳ thi, báo chí đã phối hợp rất tốt với Bộ GD&ĐT thực hiện đúng quy định của Bộ cũng như mong muốn của ngành, xử lý vụ việc trên tinh thần kịp thời, nghiêm túc. Có thể thấy, quy định mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi đã phát huy tác dụng tốt nếu được sử dụng với mục đích trong sáng.”

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

- Theo tôi, nơi này nơi khác vẫn có hiện tượng vi phạm quy chế thi mà chưa được phát hiện. Vì vậy phát hiện đến đâu thì xử lý đến đấy. Về mặt quản lý chung, từ những vụ việc được phát hiện, cần xử lý nghiêm khắc. Việc xử lý như vậy có tác dụng làm gương cho những nơi khác, có tính chất giáo dục, phòng ngừa để ngăn chặn tiêu cực có thể xảy ra.

. Giải pháp có thể là: Giáo dục, rèn luyện tính trung thực cho học sinh trong quá trình học; Nâng cao chất lượng giáo dục; Tạo điều kiện cho nhiều người, nhiều lực lượng tham gia giám sát kỳ thi, phản ánh các hiện tượng tiêu cực trong kỳ thi đến các cơ quan quản lý để có hướng xử lý kịp thời và nghiêm túc… Những điều này sẽ làm cho các kỳ thi ngày càng nghiêm túc hơn.

Quan trọng là chính những người làm giáo dục phải tự giác, phải tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Phải hiểu rằng không ai làm thay các thầy các cô, không ai làm thay các em học sinh được.

* Được biết, chuẩn bị cho kỳ thi này, ngành giáo dục đã tập huấn sát sao về quy chế thi cho giám thị, cùng đó là quy chế mới cho phép mang thiết bị vào phòng thi, như một tấm lưới vô hình kiểm soát công tác thi. Vậy nhưng vẫn xảy ra hiện tượng vi phạm quy chế tại Hà Nội. Vụ việc này đặt ra những vấn đề gì cho công tác tổ chức cho một kỳ thi, thưa Thứ trưởng?

- Kỳ thi năm nay đã nghiêm túc hơn kỳ thi tốt nghiệp năm 2012.

Nguyên tắc, quy chế đã rất chặt chẽ. Nhưng không phải lúc nào cũng có thể túc trực giám sát, kiểm tra được. Vậy nên phải phát huy trách nhiệm của từng cá nhân. Ai nhận nhiệm vụ gì thì phải làm cho tròn trách nhiệm. Nếu không sẽ nghiêm khắc xử lý.

Tôi cho rằng có một chuỗi các sự việc như những sợi dây ngày càng thắt chặt hơn kỷ luật trường thi. Việc xử lý nghiêm túc vụ Đồi Ngô năm 2012, cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm ghi hình không có chế độ phát vào phòng thi năm 2013, việc xử lý nghiêm túc của Hà Nội về vi phạm quy chế thi…, nếu tiếp tục kiên trì, quyết tâm theo hướng lập lại trật tự kỷ cương trong thi cử, chắc chắn những kỳ thi năm sau sẽ nghiêm túc hơn năm nay.

* Thưa Thứ trưởng, ngành giáo dục có những hành động cụ thể nào để củng cố lại niềm tin của xã hội vào kỳ thi tốt nghiệp THPT?

- Theo tôi, không gì thiết thực hơn, mạnh mẽ hơn bằng việc mỗi nhà trường, mỗi thầy cô và các em học sinh phải tiến hành học thật tốt, dạy thật tốt, đánh giá nghiêm túc những bài kiểm tra, bài thi thường xuyên ở lớp học, trong nhà trường. Nghĩa là phải có một quá trình kiểm tra đánh giá nghiêm túc, nền nếp. Có như vậy thì kỳ thi quốc gia mới nghiêm túc được.

Bộ GD&ĐT trong những năm qua đã tạo điều kiện cho giám sát xã hội song hành với các kỳ thi, trong đó có sự tham gia của lực lượng báo chí. Ngay cả học sinh cũng có điều kiện giám sát các thầy, các cô. Cơ chế này góp phần thúc đẩy công tác thi nghiêm túc hơn, cùng đó nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Việc báo chí phát hiện, tin cậy Bộ GD&ĐT để gửi thông tin, và Bộ chỉ đạo khẩn trương xử lý nghiêm cũng chính là điều mang lại niềm tin cho người dân về một kỳ thi ngày càng nghiêm túc hơn.

Đề thi trắc nghiệm sẽ không chỉ là tráo câu

* Việc các thí sinh vi phạm quy chế thi lại khơi lên câu hỏi về đề thi, hình thức thi. Nếu trong phòng thi không nghiêm túc, lại thi theo hình thức trắc nghiệm thì các em trao đổi, chép bài của nhau rất nhanh. Vậy ngành giáo dục có nghiên cứu gì về cách thức ra đề, hình thức thi… để làm sao có thể đánh giá thực chất học sinh qua một kỳ thi, thưa Thứ trưởng?

- Năm nay, Bộ sẽ tiếp tục chấm thẩm định và sẽ mở rộng ra hơn nữa. Đồng thời, sẽ công khai kết quả thẩm định này.

Nếu học sinh trao đổi, chép bài của nhau thì với bài tự luận sẽ dễ phát hiện hơn là bài trắc nghiệm. Thi trắc nghiệm mới được ứng dụng vào Việt Nam, nhìn chung chất lượng câu hỏi chưa tốt. Ta chưa có điều kiện và thời gian để trong thời gian ngắn mà xử lý được những đề thi khác nhau với chất lượng ngang nhau khiến cho học sinh không thể trao đổi được với nhau. 

Nhưng đây cũng là hướng đi của Bộ GD&ĐT trong thời gian tới, để đề thi không phải chỉ là tráo vị trí câu hỏi như hiện nay, mà sẽ khác nhau nhưng vẫn tương đương.

* Đổi mới kiểm tra đánh giá đang được đặt ra bức thiết với giáo dục Việt Nam, không chỉ ở các kỳ thi như tốt nghiệp THPT mà còn ngay trong các giờ học trên lớp, giờ kiểm tra, làm sao để các em đi thi mà không còn tâm lý quay cóp, trao đổi. Công việc này đang được Bộ GD&ĐT triển khai như thế nào, thưa ông?

- Mỗi một hoạt động thi và kiểm tra đánh giá có một ý nghĩa khác nhau, nhưng nó có tác dụng hỗ trợ liên quan đến nhau để đánh giá chất lượng giáo dục và quay trở lại tác động vào quá trình dạy và học.

Những đợt kiểm tra thông thường có tác dụng nhanh và tác động trở lại quá trình dạy – học hơn là kỳ thi tốt nghiệp. Nhưng kỳ thi tốt nghiệp lại đánh giá được mặt bằng chung và giống như lần nghiệm thu cuối cùng để học sinh đủ tư cách tốt nghiệp hệ thống giáo dục phổ thông. Nó cũng có tác động trở lại với quá trình dạy - học, nhưng điều chỉnh không tức thời mà có ý nghĩa về mặt chính sách nhiều hơn là những công việc cụ thể trong quá trình dạy học.

Vấn đề là cần phải phối hợp tốt các kỳ thi đó với nhau. Hiện hệ thống kiểm tra đánh giá của ta đang yếu và nhiều lạc hậu. Ngân hàng Thế giới chia ra 4 mức phát triển của hệ thống kiểm tra đánh giá, Việt Nam ta đang ở mức 2 - mức đang hình thành hệ thống kiểm tra đánh giá. Vì vậy ta cần phải cố gắng rất nhiều.

Hiện ngành giáo dục đang triển khai đổi mới kiểm tra đánh giá. Bộ khuyến khích giáo viên phải có nhận xét trong các bài kiểm tra (Báo GD&TĐ thời gian qua đã có loạt bài về vấn đề này). Hay ra đề theo hướng mở, để học sinh có mang tài liệu cũng không thể chép được…

Còn nói riêng về kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, sẽ đổi mới theo hướng gọn nhẹ - hiệu quả - tin cậy hơn do trung thực hơn, khoa học hơn.

Muốn gọn nhẹ thì trong quá trình dạy học sẽ đánh giá dần học sinh qua mỗi môn học, mỗi học phần. Bên cạnh đó, cần có thêm hình thức đánh giá khác để không chỉ qua thi cử mới đánh giá được học sinh. Học sinh có thể nộp hồ sơ, bài nghiên cứu về một vấn đề nào đó, có kết quả lấy thay cho điểm thi của mình…

* Gần đây, nhiều ý kiến có đặt ra vấn đề nên nhìn nhận thế nào về tầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp. Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

- Tôi được biết ngày càng có nhiều nước trên thế giới quan tâm đến kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngay cả ở Mỹ, thời gian gần đây, số bang thi tốt nghiệp THPT ngày càng tăng.

Các chuyên gia quốc tế cho rằng thi tốt nghiệp THPT một cách khách quan, chính xác, sẽ có tác dụng đánh giá lại hiệu quả của việc đầu tư cho giáo dục phổ thông như thế nào, thông qua đó rút kinh nghiệm cho quá trình dạy và học.

Hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT của ta chưa đạt được những mong muốn như vậy. Nhưng không phải vì thấy chưa làm được, không quản được thì bỏ. Vấn đề là xem xét xem còn những khiếm khuyết gì, có thể khắc phục được không, có thể vươn tới những gì tốt đẹp hay không.

Tôi cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT rất quan trọng, cần cố gắng để tổ chức tốt một kỳ thi. Tôi không tán thành bỏ kỳ thi tốt nghiệp.

Xin cảm ơn Thứ trưởng.

PV

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ