(GD&TĐ) - Không có tên trong bảng lương một trường nào nhưng những người tình nguyện dạy các lớp tình thương vẫn nêu cao đạo làm thầy. Với họ, hạnh phúc của trẻ nghèo chính là hạnh phúc của chính mình.
“Trái tim tôi dành cho trẻ thơ…”
Ngày thầy mới đến với lớp, những đứa học trò đen nhẻm cứ tròn xoe đôi mắt ngước nhìn thầy. Với vóc dáng hơi gù, khuôn mặt như một “gã giang hồ”, bởi một bên mắt đã không còn, cùng với vết sẹo dài thâm mờ trên má trái, thầy đã khiến lũ trẻ sợ sệt ngồi im. Tuy nhiên chẳng mấy chốc, lớp học đã rôm rả tiếng học trò hỏi bài thầy, tiếng thầy căn dặn từng trò một. Và lớp học tình thương ở chùa Phước Thiện (phường Tân Quy, Q.7,TP.HCM) như một “mái nhà” của thầy giáo Phan Anh Tuấn cùng lũ học trò chân đất 3 không (không giấy khai sinh, không ba mẹ, không hộ khẩu).
Lớp học của thầy giáo Kiệt |
Học trò ở đây vẫn thường gọi thầy là thầy Kiệt. Trước khi đến với lớp học ở chùa Phước Thiện, thầy từng giảng dạy nhiều lớp học tình thương hơn mười năm qua ở quận 6, quận 7 và huyện Nhà Bè (TP.HCM). Và giữa dòng đời xuôi ngược, đã có lúc vì cơm áo gạo tiền, người thầy tưởng như bế tắc với cuộc sống, cuối cùng lại tìm được tình yêu, khát vọng sống từ bục giảng. “Trái tim tôi dành cho trẻ thơ...”, triết lý sống giản dị ấy luôn khắc sâu trong tâm hồn người thầy mồ côi của những học trò nghèo.
Khi mới tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm TP.HCM, thầy Kiệt được phân công là Tổng phụ trách Đội trường tiểu học Nguyễn Huệ 1 (quận 4, TP.HCM). Tuy nhiên, khi niềm vui “gõ đầu trẻ” chỉ mới bắt đầu thì tai họa ập lên gia đình thầy. Người chị gái mắc chứng trầm cảm một thời gian dài, thi thoảng lại lên cơn đập phá mọi thứ trong gia đình. Giữa lúc cuộc sống đang chênh vênh về vật chất thì vợ thầy Kiệt bỏ đi, để lại cô con gái chưa tròn 1 tuổi. Vượt lên bao nỗi khó khăn, thầy vẫn đứng lớp và sự gắn bó với những “học trò hư hỏng” của thầy bắt đầu từ khi thầy được giao phụ trách thêm lớp phổ cập ban đêm ở trường.
Đó là những “học trò lớn” vừa quậy phá vừa nghèo khó. Rồi trong một đêm dưới ánh đèn đường vàng nhạt, tình cờ thầy Kiệt gặp bốn mẹ con cậu học trò đang bán bánh canh từ chập tối tới khuya. Bàn tay cậu học trò học lớp phổ cập khi đó chai sần vì đêm nào cũng ngồi vo bò viên cho mẹ. Thầy Kiệt thấy tình cảnh thương cảm đã xin bà mẹ nghèo để dạy cho cả ba đứa trẻ học chữ. Công dạy học của thầy là một... tô bánh canh mỗi khuya. Thương thầy giáo trẻ nhiệt tình, bà mẹ nghèo còn cho thầy mượn chiếc xe đạp đi dạy. Có lẽ, vốn cảm nhận được sự thiệt thòi khi mình bị mồ côi, nên sau này, mỗi khi đến với học trò, thầy luôn nhắc nhớ và chú ý hơn đến những em bị mồ côi.
Lớp học thầy giáo Tổng tại chùa Liên Hoa |
Những tiết học dưới chân cầu
Băng qua chiếc cầu Nhị Thiên Đường (quận 8,TP.HCM), men theo con đường Tạ Quang Bửu, nằm ẩn mình ở một góc chùa Liên Hoa là lớp học tình thương do ông giáo già Nguyễn Văn Tổng đứng lớp. Sống ở khu vực dưới chân cầu Nhị Thiên Đường, những đứa trẻ hầu hết là con dân nhập cư, không có tiền và không có hộ khẩu để được học đàng hoàng, chính quy như những đứa trẻ khác. Thương lũ trẻ, sư Thích Thiện Quý mở lớp học tình thương vào năm 2006. Hai căn phòng vốn là nơi ở của các tăng được trưng dụng để làm phòng học. Tiếp theo đó, các Phật tử đi đến từng nhà vận động trẻ con đi học. Chỉ sau một thời gian ngắn, lớp học tình thương đã khai giảng với 30 trẻ em nghèo.
Đến với lớp học tình thương này, chứng kiến lũ trẻ lang thang nhưng ham học, ông giáo về hữu Nguyễn Văn Tổng xúc động: “Tụi trẻ nghèo, cơ nhỡ nhưng rất tội nghiệp vì không được đến trường nên khi về hưu tôi về đây với tụi nó”. Lớp học ở đây, trò đến lớp không mất tiền, và thầy đi dạy cũng không tính công. Và những thầy cô giáo ở đây toàn là những người đã lớn tuổi. Thầy cô tìm thấy niềm vui ở công việc này khi mang lại hạnh phúc được học chữ của lũ nhỏ. Ngoài thầy Tổng đã 67 tuổi, còn có cô Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, 68 tuổi. Trước đây cô Tuyết là giáo viên trường tiểu học Bông Sao, phường 5, quận 8. Cô giáo Tuyết gắn bó với lớp học tình thương ngay từ những ngày đầu tiên đến nay.
Lớp học ra đời, với sự nhiệt tình giảng dạy của những giáo viên về hưu đã giúp nhiều trẻ em biết đến con chữ. Trẻ em ngày học một buổi, buổi còn lại phụ ba mẹ làm lụng. Dẫu đã được rèn lễ phép rất nhiều, nhưng những khuôn mặt già trước tuổi, những cái cau mày, quắc mắt vẫn cho thấy một cuộc sống thật khốc liệt của các em. Có những đứa trẻ như bé Lê Thị Kim Ngân, buổi sáng đi học, buổi chiều về phụ bán vé số với người cha bị tật đôi chân. “Ở khu vực này còn nhiều lắm những đứa trẻ nghèo. Đứa nào cũng nghèo, cũng bệnh. Có em thì bị lé, bị cận thị... Hy vọng những việc làm nhỏ của chúng tôi sẽ giúp lũ nhỏ mai sau lớn lên có thể tự thay đổi số phận cuộc đời mình” - thầy Tổng tâm sự.
Bà Lữ Thị Lệ Nương tới thăm lớp học tình thương |
Bà giáo già vác tù và hàng tổng
Từ lâu hình ảnh một bà lão tóc bạc phơ, hằng ngày đạp xe lặn lội đến từng ngõ ngách, vào từng chiếc ghe cũ kỹ để động viên trẻ em đến lớp đã trở nên quen thuộc với người dân sống quanh khu vực cầu Tân Thuận (Q.7,TP.HCM).
Nằm nép mình dưới chân cầu Tân Thuận (đoạn bắc qua kênh Tẻ, lớp học tình thương của bà Lữ Thị Lệ Nương hằng ngày vẫn có trên 50 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 cần mẫn đánh đu với con chữ. Hầu hết các em là con của dân vạn đò sống trên ghe thuyền rày đây mai đó, hoặc là trẻ bụi đời tha phương cầu thực. Ngoài những giờ học trên lớp, chúng phải tự bươn chải kiếm sống bằng đủ mọi nghề như bán vé số, nhặt ve chai, xin ăn... Chứng kiến cảnh những đứa trẻ bụi đời, hành khất, bán vé số ước ao được đi học nhưng không có điều kiện đến trường, bà Nương động lòng thương, đã gom các em về nhà mình và tổ chức dạy chữ cho chúng. Từ đó đến nay đã 11 năm trôi qua, hàng nghìn trẻ mồ côi, lang thang hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn đã được bà cụ 70 tuổi dạy cho biết đọc, biết viết. Cảm động trước tấm lòng yêu trẻ của bà, nhiều giáo viên, sinh viên cũng tình nguyện đến giúp dạy học cho các em để chung tay với bà trong công tác “trồng người”.
Dù không là người trong ngành nhưng hơn mười năm nay, bà Nương chẳng ngại khó khăn và bỏ ngoài tai những lời gièm pha “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, bà đã tốn không ít công sức gây dựng và duy trì lớp học tình thương này. Hơn mười năm, bao nhiêu đứa trẻ từng theo học ở đây, bà đều nhớ hết. Đứa nào mồ côi cha, đứa nào không còn mẹ, đứa sống bên vỉa hè bằng nghề đánh giày, bán vé số…, mỗi đứa một hoàn cảnh, một tâm tính, đều được bà nhớ rõ như con cháu ruột thịt của mình.
Hơn mười năm thầm lặng “đưa đò”, bà đã giúp hàng ngàn trẻ em nghèo biết đọc biết viết, trong số đó, có em hiện đang học lớp 11 tại một trung tâm giáo dục thường xuyên của quận. Với bà, như vậy đã là hạnh phúc lớn, bởi bà chỉ mong giúp trẻ em xóm nghèo nhặt từng con chữ để chúng có thêm điều hay lẽ phải vững vàng bước vào đời.
Thái Khuê