"Tiếp sức đến trường" gương vượt khó học tập

"Tiếp sức đến trường" gương vượt khó học tập
Những sinh viên vượt khó giao lưu tại lễ trao học bổng. Ảnh: gdtd.vn
Những sinh viên vượt khó giao lưu tại lễ trao học bổng. Ảnh: gdtd.vn

100 gương mặt được trao học bổng năm nay là 100 câu chuyện cảm động và đáng khâm phục về tinh thần và nghị lực vượt khó. Như sinh viên Phạm Văn Thịnh, trường ĐH Điện Lực. Sinh ra trong một gia đình nghèo có 2 anh em, bố mất sớm, một mình mẹ phải đi làm thuê nuôi 2 anh em. Nhưng, mẹ Thịnh cũng vừa qua đời vì bệnh tim. Hiện, 2 anh em Thịnh đang ở với chú ruột bị mù một mắt, cũng phải bươn trải làm thuê kiếm sống nuôi 2 cháu.

Giống như Thịnh, Nguyễn Thành Sơn (ĐH Thủy lợi) cũng là đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Em sống với ông và ngoại tuổi đều đã ngoài 70 thu nhập bằng làm ruộng. Ông bà tuổi cao sức yếu nên cuộc sống vô cùng vất vả, thiếu thốn. Sơn cho biết, em đang cố gắng học tập tốt với ước mơ trở thành một lập trình viên giỏi để có thể thoát khỏi cái nghèo, và quan trọng hơn là có thể báo hiếu với công lao nuôi dưỡng của ông bà.

Nguyễn Thành Trung, sinh viên ĐH Điện lực cũng có hoàn cảnh éo le. Bố mẹ ly dị từ khi em mới sinh ra. Người bố lấy vợ sinh được 2 con nên không có trách nhiệm gì với em. Mẹ em hiện đang điều trị tâm thần tại bệnh viện điều dưỡng người già và trẻ mồ côi Thụy An (Ba Vì, Hà Nội). Em sống với bà từ bé bằng số tiền trợ cấp ít ỏi của phường xã.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa trao học bổng cho các tân sinh viên. Ảnh: gdtd.vn
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa trao học bổng cho các tân sinh viên. Ảnh: gdtd.vn

Sinh viên Nguyễn Xuân Quyết (ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG Hà Nội) dù mới bước chân vào giảng đường ĐH đã phải bươn trải tự kiếm sống. Bố Quyết trước kia là bộ đội, bị chấn thương cột sống nên không làm được việc nặng. Mọi công việc nhà với hơn mẫu ruộng dồn lên vai người mẹ. Nhưng số tiền thu nhập của cả gia đình hiện cũng không đủ tiền chữa bệnh cho bố. Vậy mà Quyết lại còn một người anh cũng đang là sinh viên. Để có thể thực hiện ước mơ giảng đường, Quyết đã tìm việc làm thêm tại 1 công ty tiếp thị mỹ phẩm. Dù gia đình khó khăn như vậy nhưng Quyết vẫn có thành tích học tập đáng nể, em đã từng đoạt giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh, giải nhì Quốc gia và giiar 3 giải toán nhanh Casio quốc gia.

Cả gia đình sinh viên Nguyễn Thị Thanh (ĐH Khoa học xã hội & nhân văn sống dựa vào thu nhập từ 3 sào ruộng. Nhà có 5 anh chị em. Bố là thương binh, mẹ bị bệnh dạ dày. Bản thân Thanh cũng bị hen suyễn. Mặc dù sức khỏe yếu, nhưng vừa mới nhập học, Thanh đã phải đi làm thêm để tự kiếm sống. Dù không có điều kiện thuận lợi như nhiều bạn khác nhưng Thanh vẫn khiến các bạn nể phục với thành tích học tập. Em thi đỗ vào ĐH cũng với điểm số khá cao: 23,5 điểm... 

Chương trình học bổng tiếp sức đến trường năm 2010 của Báo Tuổi trẻ dự kiến trao 1100 suất học bổng, mỗi suất 5 triệu đồng. Học bổng được trao cho tân sinh viên ở khu vực Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, 5 tỉnh Tây Nguyên, 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long, 7 tỉnh thành miền Đông và các tỉnh miền Bắc.

Phát biểu tại Lễ trao học bổng tiếp sức đến trường năm 2010, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ: Với truyền thống hiếu học, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm, nhiều em sinh viên nghèo đã có cơ hội đến trường.

Chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” có một ý nghĩa hết sức to lớn không chỉ về vật chất mà còn về mặt tinh thần. Nó là nguồn động lức giúp các em tân sinh viên vượt lên khó khăn trên con đường dài lập nghiệp phía trước. Đây là một sáng kiến, một nghĩa cử đẹp cần nhân rộng.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa hy vọng chương trình tiếp tục nhận được nhiều sự giúp đỡ của nhiều tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm để ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên nghèo nhận được học bổng, để không có em nào học giỏi vì hoàn cảnh gia đình mà phải dừng việc học.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa mong mỗi sinh viên nhận được học bổng hôm nay tiếp tục vượt qua khó khăn, nuôi khát vọng để khẳng định mình, tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới. Đó cũng là để tri ân cho gia đình, cho các tổ chức, nhà hảo tâm đã “tiếp sức” cho các em đến trường.

Hiếu Nguyễn