(GD&TĐ) - Chưa bao giờ chúng tôi thấy cô viết bất kỳ một cái gì liên quan đến văn bản. Mặc dầu là dân văn chương, cùng giảng dạy tại một trường phổ thông, nhưng cô lại tỏ ra khó chịu khi nhắc đến văn chương. Chuyện sáng tác, cô càng dị ứng. Cô cho rằng: Cái lũ dở hơi nó suốt ngày viết lách... Người ta thì đi làm kinh tế mà ăn, đằng này cứ mơ mộng hão huyền... Sốt cả ruột!
Tuy nhiên, cũng đến cái ngày mà cơ quan cô rủ nhau đi học ầm ầm. Mọi người rỉ tai nhau, phải học lên thạc sĩ, tiến sĩ thôi... Xã hội bây giờ chuộng bằng cấp. Đây là một trong những tiêu chí để bổ nhiệm đánh giá phẩm chất năng lực con người. Bởi khi xin việc hoặc bổ nhiệm, cơ quan nào cũng hỏi bằng cấp, và đây cũng là căn cứ đầu tiên để tuyển dụng, nên câu chuyện bằng cấp đang là cái mốt, như thể chiếc áo thời trang vậy.
Lại nói chuyện cô giáo dạy văn của trường tôi. Công bằng mà nói, cô là người dạy được. Được ở chỗ đủ và đúng kiến thức. Nếu dự giờ thăm lớp, dự tiết giảng của cô, mọi người đều thấy cô chuẩn y chang các bước lên lớp, từ kiểm tra bài cũ đến giảng bài mới, và củng cố bài... Không bước nào cô bỏ qua. Giáo án đúng như yêu cầu. Học sinh không thích nghe nhưng không mất trật tự. Câu hỏi phát vấn đặt ra học sinh trung bình trả lời được.
Thế là cô xếp loại khá. Như vậy là đủ rồi. Mục đích cô phấn đấu cũng chỉ có vậy.
Đùng một cái, thấy mọi người đâm đơn xin đi ôn để thi cao học, cô giật mình... Mình còn trẻ, gần 20 năm nữa mới nghỉ hưu. Năng lực được thừa nhận tuy không xuất sắc. Nếu gặp sếp hợp cạ và cùng chí hướng, biết đâu cô được bổ nhiệm lên Hiệu phó thì sao...
Nghĩ sao cô làm vậy ngay.
Cuối cùng cô cũng đỗ cao học.
Hai năm trôi qua. Rồi cũng đến ngày cô kết thúc kỳ học cao học. Trên đà thẳng tiến, cô quyết định thi nghiên cứu sinh.
Nhưng, hiềm một nỗi...khi cô đăng ký thi nghiên cứu sinh, thì vấp phải một việc quan trọng.
Số là cô chưa bao giờ chạm bút viết một dòng văn bản cho ra hồn nên giờ đây bảo cô viết đăng báo khoa học chuyên ngành (theo yêu cầu, quy định) thì cô... bó tay.
Đây là thủ tục, nhưng phải có, lưu trong hồ sơ, như một quy định bắt buộc. Không ai ngờ người ghét bỏ văn chương ấy giờ đây lại cần đến văn chương như thế nào.
Cô nghĩ suy mông lung lắm. Cô lo lắm. Cô ân hận vì mình chỉ mải mê thời trang, ăn uống, đàn đúm cùng bạn bè ngoài giờ lên lớp, chứ có bao giờ đọc một cuốn sách nào đâu. Viết thế nào cho ra một bài nghiên cứu khoa học được đây?
Kiến thức không có, văn chương đích thực cũng không...
Sắp đến ngày phải nộp bài viết cho tạp chí rồi...Cô hoảng lắm. Nghĩ ra 101 cách, cô chọn cách khả thi nhất: Thuê người viết, rồi mang ra gặp TBT tạp chí chuyên ngành in hộ 1 - 2 bài khoa học.
Cuối cùng cô cũng tìm được người viết thuê. Viết đúng như ý của cô và yêu cầu của thầy. Khi đã viết được, thì việc in ấn, quá giản đơn...
Cuối cùng, tạp chí chuyên ngành cũng có bài của cô. Cô mừng rỡ, thở phào: “Thế chứ, cơ chế bây giờ thoáng thật... Đồng tiền quyết định tất cả. Mình định viết tiểu thuyết, nếu cần, cũng có người viết thuê ngay... Học hành làm gì cho mệt”?
Như vậy, sau này cô có nhờ, hay thuê viết đi chăng nữa ai dám khẳng định luận án nghiên cứu sinh không là của cô?
Tôi không biết bao nhiêu người có siêu sáng kiến như cô. Chỉ buồn rằng, ở cương vị chuẩn bị làm tiến sĩ, mà lại rẻ rúng mình như vậy, thì buồn thay. Giá như có cuộc đối thoại hỏi về kiến thức của Hội đồng tuyển sinh với thí sinh thi xoay quanh đề tài, thì chắc chắn sẽ bớt đi những bài khoa học... rởm và tiến sĩ rởm trong tương lai. Những bài viết nghiên cứu không... chính chủ - cũng cần xử lý nghiêm minh. Nếu không, học chạy theo thành tích, trào lưu, coi bằng cấp như mốt thời trang khoe cho đủ số lượng... mà không chú ý đến năng lực thực chất thì những “tiến sĩ” kiểu ấy, thật đáng báo động!
Sa Mộc