"Thủy tặc" trên phá Tam Giang

"Thủy tặc" trên phá Tam Giang

(GD&TĐ) - Hàng tỷ đồng tiền vốn bỏ ra đầu tư để nuôi trồng thủy sản  của bà con các xã ven phá Tam Giang tỉnh Thừa Thiên Huế trong phút chốc đã bị “thủy tặc” bao vây, cướp phá. Thậm chí khi các cơ quan chức năng phát hiện tiến hành vây bắt, đám thủy tặc còn dở thói côn đồ chống trả người thi hành công vụ, cắt xén tất cả  ngư cụ để trả thù.

Dai dẳng  nạn “thủy tặc”

Có mặt tại thôn Mai Dương xã Quảng Phước (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) trong  một ngày giữa tháng 7, chúng tôi không khỏi xót xa khi nhìn thấy nhiều ngư lưới cụ của bà con trong thôn bị thủy tặc phá hỏng. Thậm chí những trộ chuông nuôi cá của bà con mặc dù đã được vây rất kỹ nhưng lưới vẫn bị cắt. Một số bà con vì lo sợ “thủy tặc” đến cướp phá phải bán tháo tôm non.

Toàn thôn Mai Dương, xã Quảng Phước có 286 hộ trong đó có đến hơn 200 hộ gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản ven phá Tam Giang. Do địa hình của thôn nằm cuối hạ lưu sông Bồ lại sát nách phá Tam Giang - bên trong khu vực hồ nuôi có nhiều luồng lạch nên rất thuận lợi cho các đối tượng trộm cắp hoạt động. Thậm chí khi các cơ quan tổ chức vây bắt thì bọn chúng vẫn rất dễ dàng tẩu thoát

. Ông Nguyễn Chi ở khu vực xóm phá thôn Mai Dương, xã Quảng Phước bức xúc kể: “Gia đình tui nuôi trồng thủy sản ở cạnh phá Tam Giang đã gần 20 năm nay nhưng không có năm mô khổ như năm ni. Năm nào cũng đầu tư cả trăm triệu đồng vào hồ tôm nhưng hễ đến mùa thu hoạch là cả nhà phải thay nhau canh chừng hồ. Nhiều lúc mới trở thuyền để vô nhà ăn cơm đến khi quay ra đã thấy bọn chúng đem lưới và xung điện vô tư bắt cá. Khi người nhà đến có ý kiến thì bọn chúng ngang ngược xông vào ẩu đả thậm chí còn đòi chạy vào đốt nhà chúng tôi”.

Rất nhiều ngư dân khi tiếp xúc với chúng tôi cũng đều tỏ ra bất bình với “lũ quân ăn cướp” mồ hôi, công sức của bà con. Ông Trần Trọng, một trong những nạn nhân vừa bị thủy tặc cướp hồ tôm, trên phá Tam Giang kể: “Dân tôi ở đây đã quen “ăn với sóng, nói với gió” vậy mà lúc nào cũng đau đầu nghĩ cách đối phó với bọn cướp biển, cướp phá. Đội hải tặc chuyên cướp bóc này thường chia thành một tốp gồm hai hoặc 3 đò, thường đi vào ban đêm và giả dạng là người đi rà cá. Khi phát hiện thì dùng di động báo cho nhóm bạn đến giải vây. Nếu không thoát được thì cho thuyền vào phá hồ tôm và cắt lưới thả cá ngư dân trôi ra ngoài phá”.

Đã ăn cướp còn đòi trả thù ngư dân

Các phương tiện phục vụ việc trộm cắp hải sản đã được cơ quan chức năng thu giữ
Các phương tiện phục vụ việc trộm cắp hải sản đã được cơ quan chức năng thu giữ

Theo tìm hiểu của chúng tôi hiện nay, việc chống lại thủy tặc của bà con thôn Mai Dương nói chung và các xã ven phá Tam Giang rất khó khăn, từ trang thiết bị là ghe đò đến các lực lượng chức năng còn mỏng. Thậm chí ngư dân ở đây thường đối diện với sự trả thù của “ngư tặc” khi  đánh bắt cá trên phá. Trong lúc đó các đối tượng trộm cắp thường đi theo tập thể rất thông thạo địa hình, lại sử dụng thuyền đuôi tôm nên việc vây bắt rất khó khăn. Điển hình vào đêm ngày 26/6/2013 mặc dù chi hội nghề cá làng Mai Dương đã tổ chức túc trực tại khu vực hồ và huy động hơn 60 người nhưng trong một phút sơ hở các hồ của gia đình ông Đặng Phước Dĩnh, Hoàng Đạo, Nguyễn Thành với  diện tích gần 4 ha đã bị các đối tượng này dùng xung điện đánh bắt hết tôm gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng, trong lúc đó về phía thôn không có thuyền lớn chạy nhanh để truy bắt thủy tặc.

Không chỉ ở thôn Mai Dương mà các thôn khác như Hà Đồ, Phước Lâm, Phước Lý, thị trấn Sịa cũng bị ngư tặc dùng xung điện vào đánh bắt thủy sản khi phát hiện thì cắt lưới thả cá tôm ra ngoài.

Mới đây nhất là vào ngày 7/7, Công an huyện Quảng Điền cùng cán bộ phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, Công an xã Quảng Phước đã phục kích dùng ca nô tiến hành truy bắt 2 đối tượng chuyên cướp phá thủy sản của bà con đó là Trần Quốc Phong (SN 1980) ở tại thôn Thủy Phú, xã Hương Vinh và một đối tượng đã có tiền án, tiền sự về tội trộm cắt, hải sản là Hùynh Cháu (SN 1978 có hộ khẩu thường trú tại thôn Thủy Tú, xã Hương Vinh.

Ông Nguyễn Khôi trưởng thôn Mai Dương cho biết: “Chính quyền phải xử lý thật mạnh tay đối với các đối tượng cướp bóc hồ tôm và trộ chuông của bà con. Ở địa phương do khó khăn về phương tiện đánh bắt nhiều lúc chúng tôi đành bất lực khi nhìn thấy kẻ trộm cướp mất đi công sức được làm bởi hồ hôi, nước mắt của bà con. Mới đây để trả thù những người nằm trong tổ bảo vệ chi hội nghề cá thôn Mai Dương, bọn chúng đã tập hợp 2 đò lớn với hơn 15 thanh niên đến đập phá, xẻ lưới cướp đi 3 trộ cá  được  nuôi bằng phương pháp chắn lưới với giá trị ước đạt trên 50 triệu đồng”, ông Khôi buồn bã kể.

Theo lời ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho biết: Thời gian vừa qua về phía cơ quan đã kết hợp với cán bộ Công an huyện Quảng Điền, cán bộ Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế  tiến hành bắt giữ 9 ngư tặc cướp bóc hồ tôm của các hộ nuôi tôm sát phá Tam Giang, tuy nhiên chúng tôi mới chỉ tiến hành xử phạt hành chính rồi cho về. Điều lạ là các đối tượng này chủ yếu là người dân ở vạn chài sông Đào, một số “ngư tặc” khác  khai đang sinh sống ở Bao Vinh (xã  Hương Vinh). Đáng sợ nhất là các đối tượng này rất manh động, thường tụ tập nhiều thuyền đi cùng nhau để hỗ trợ. Thời gian bọn chúng thực hiện hành vi cướp hồ tôm thường diễn ra vào ban đêm. Đặc biệt, sẵn sàng chống trả chủ hồ và kể cả người đang thi hành nhiệm vụ”.  

Mặc dù Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế có mạng lưới “tình báo” ở các địa phương và mỗi lần “xuất quân” đều bí mật như làm “chuyên án”, nhưng không hiểu sao khi về tới nơi thì... chẳng thấy thủy tặc nào cướp bóc cả.

Minh Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ