(GD&TĐ) - Năm nay Ngày Thơ có chủ đề Mùa xuân đất nước, nhằm kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (1911 - 2011) và 70 năm ngày Bác về nước (1941 - 2011) lãnh đạo cách mạng đưa đất nước đến độc lập, thống nhất và từng bước cường thịnh như hôm nay.
>>>Ngày hội của những người yêu thơ Thái Nguyên
>>>Ngày Thơ Việt Nam tại Nghệ An
>>>Tự sự trước thềm Ngày Thơ Việt Nam
Với chủ đề như vậy, nên trước hết Hội đã tuyển chọn và in tập thơ "Người đi tìm hình của nước" gồm các tác giả trong và ngoài nước viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời cử Phó chủ tịch Hội Nguyễn Quang Thiều lên Cao Bằng xin nước từ suối nguồn Pac Pó, Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh vào Nghệ An xin đất trong vườn Bác ở Kim Liên đem về làm vật linh cho Ngày Thơ, nhằm khơi dậy tình yêu và trách nhiệm chủ quyền Đất nước cho các nhà thơ và công chúng yêu thơ.
Nhà thơ Bùi Tuyết Mai đọc thơ |
Ngày Thơ lần thứ IX đã diễn ra ở 4 điểm: Ngoài Hà Nội, TP Hồ Chí Minh như thường lệ, Ngày Thơ còn diễn ra ở Cao Bằng và Nghệ An. Ở Nghệ An sẽ dâng hương tưởng niệm thi hào dân tộc Nguyễn Du vào chiều 11 âm lịch; tối 11 đã công chiếu phim "Vượt qua bến Thượng Hải"; sáng 12 dâng hương ở nhà lưu niệm Kim Liên, xin đất vườn nhà Bác; khai mạc Ngày thơ ở CLB Công nhân; đêm 12 biểu diễn nghệ thuật với chương trình ca múa nhạc ngâm thơ đặc sắc tại quảng trường Hồ Chí Minh TP Vinh.
Tại Hà Nội, Ngày Thơ đã khai mạc từ sáng (đúng ngày Rằm tháng Giêng) với 4 sân thơ: Sân Thơ Thiếu nhi ở Hồ Văn, sân Thơ chính ở Văn Miếu, Sân Thơ hiện đại 2011 và gần 30 Câu lạc bộ Thơ quần chúng. . Đặc biệt Ngày Thơ năm nay có Triển lãm Thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các bản dịch tiếng nước ngoài và Triển lãm Vườn tượng các nhà văn nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT.
Từ sáng sớm, mặc dầu trời mưa lạnh, nhưng từng đoàn người yêu thơ vẫn nườm nượp đổ về sân thơ Văn Miếu . Các hoạt động cho ngày lễ hội tôn vinh thơ vẫn diễn ra trang trọng, ấm áp và gần gũi trong một không gian thơ ở nơi cửa Khổng sân Trình.
Ngâm thơ, đọc thơ, tặng thơ, bán thơ, viết thi pháp ...và gặp gỡ bạn thơ-đó là niềm vui thanh cao và bất tận của những người biết nâng niu và quý trọng từng con chữ thơ ca.
Một quán thơ Lục bát đủ thấy hồn thơ dân tộc sống mãi, một chiếu thơ được bày ra trên thảm cỏ để giới thiệu thơ cho công chúng, những lưu bút để lại trong ngày thơ Văn Miếu, những câu thơ hay trả về với bầu trời theo gió bay đi, chút bâng khuâng trầm mặc trong những nét bút ông đồ...Với thơ ca-mọi khoảng cách về thời gian, tuổi tác và chức phận đều bị xóa nhòa ranh giới. Đó là một minh triết trong văn hóa Việt nói riêng và văn hóa cộng đồng nói chung.
Muôn vẻ của ngày hội thi ca đã sống dậy sự khao khát hướng về cái đẹp và cái cao cả đích thực của văn chương-cũng chính là của tâm hồn và sự cao cả con người.
Đây là ngày tôn vinh thơ và tôn vinh cái đẹp vĩnh cửu của tâm hồn.
Xin trân trọng gửi tới độc giả một số hình ảnh về Ngày thơ Việt Nam mà chúng tôi vừa ghi lại được:
Triển lãm thư pháp Nhật ký trong tù của Hồ Chủ Tịch |
Một câu thơ hay được thả lên trời |
Tượng nhà văn Nguyễn Tuân |
Quán thơ Lục Bát |
Tặng sách bạn bè |
Sân thơ Văn Miếu |
Linh Sơn