Nguyên An
Thầy Lê Anh Hiền |
Lâu nay, khi nhớ, nghĩ về công việc dạy trẻ và những thầy giáo cô giáo, người ta hay dùng hình ảnh con đò và người lái đò. Kể cũng có lý có sự làm căn nguyên. Nhưng tôi không thú vị lắm, hay nói thực lòng, tôi không muốn dùng lại hình ảnh ấy vào lúc này, khi nhớ nghĩ về nhiều thầy giáo, cô giáo mà tôi hằng kính trọng, biết ơn. Với các thầy các cô, như thầy Lê Anh Hiền, tôi muốn được ghi nhận: Thầy là người chuẩn bị cho chúng tôi.
Thầy Lê Anh Hiền dạy chúng tôi không nhiều, vì thời gian đó, môn Ngôn Ngữ học, mà hẹp hơn, là Tiếng Việt, chưa phải là một môn dạy - học đẳng lập với các môn khác như Văn học Việt Nam hay Lý luận Văn học trong Khoa Văn Trường ĐHSP Hà Nội. Tuy vậy, chỉ riêng việc thỉnh thoảng gặp nhau, cánh giáo viên Văn cấp III lại hỏi bạn: "Đằng ấy có gặp thầy Lê Anh Hiền, thầy Đỗ Hữu Châu... không?", thì đủ biết là bên cạnh các thầy dạy Văn được hâm mộ, như Lê Trí Viễn, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Văn Hạnh..., thì thầy Lê Anh HIền cũng để lại trong anh em chúng tôi những ấn tượng đẹp.
Dạy Ngôn Ngữ học, dạy Tiếng Việt, cái môn mà đã nhiều khi được gọi là phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam, thầy Lê Anh Hiền không có lợi thế về phát âm như các vị khác. Quê thầy ở Quảng Nam, tập kết ra Bắc, đi tu nghiệp ở nước ngoài về, bôn ba thế, từ khi chưa đầy tuổi 20, vậy mà khi đứng trên bục giảng đại học, ông vẫn nói và đọc đặc ngữ âm nơi chôn nhau cắt rốn. Thoạt mấy tiết đầu, nhiều bạn nghe không rõ được lời thầy. Nhưng thấy thầy nghiêm trang và hồn hậu, âu yếm và say sưa, nên cả lớp vẫn chăm chú. Tôi còn nhớ, thầy giảng và đọc đại ý:
"Cũng nói về cái chết, mỗi nhà thơ Việt Nam ta có một cách diễn đạt riêng ( ...).
Gãy cành thiên hương là cái chết của kẻ giang hồ; trâm gãy bình rơi là cái chết yểu của cô gái; thôi, đã thôi rồi là cái chết để lại sự tiếc nuối, đau đớn; từ giã cõi hôm nay, vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay là cái chết của vĩ nhân có phẩm cách thanh cao... Hơn thế nữa, với cách dùng các cụm từ này, ta cũng thấy được thái độ, cảm tình của tác giả được bộc lộ một cách khéo léo, tinh tế thế nào...".
Thầy Lê Anh Hiền chưa cho chúng tôi tất cả, nhưng là một học trò của thầy, về sau, lại là nhà văn chuyên viết phê bình và dựng chân dung các văn thi gia, tôi có thể nói rằng những gì thầy đã cho chúng tôi, cho tôi, là rất cơ bản và thường có ý nghĩa lâu bền, mà lúc còn trẻ, chúng tôi chưa ý thức hết được, rồi khi nhớ thầy, tìm đọc lại những trang mình ghi được lời thầy, mới càng thấy như thầy đã biết trước là mình sẽ là một người viết văn nên mới lưu ý mình rằng:
"Ca dao Việt Nam thường lấy những hình ảnh quen thuộc của cuộc sống làng quê làm ẩn dụ, như: thuyền, bến, mận, đào, tre non, cau non... Những ẩn dụ ấy thường mộc mạc, chân chất nhưng thấm đượm nhân tình.
Vì thế, người sử dụng ẩn dụ phải có ý thức làm cho ẩn dụ của mình có phong cách riêng. Còn người đi tìm cái đặc sắc của một nhà văn cụ thể, hay phong cách của một thời đại văn chương thì cũng nên chú ý đến những biện pháp tu từ như ẩn dụ, so sánh... mà nhà văn quen dùng".
Tôi may mắn hơn một số nhà văn khác, như Trần Đăng Suyền, Trần Đăng Thao... là sau khi học thầy Hiền dạo ấy, thì ít lâu sau, lại được làm việc với thầy ở Nhà xuất bản Giáo dục. Ngày ấy, thầy là Trưởng Ban biên tập sách Đại học và Cao đẳng, là Phó Tổng biên tập Nxb Giáo dục, là người khởi xướng việc nghiên cứu các vấn đề về ngôn ngữ trẻ em và ngôn ngữ trong nhà trường, trong sách giáo khoa...
Từ các cương vị quản lý và nghiên cứu khoa học trên, dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Nguyễn Đức Nam (Giám đốc - Tổng biên tập Nxb Giáo dục), thầy Lê Anh Hiền đã trực tiếp thực hiện một sự chuẩn bị nữa cho sự phát triển của bộ môn Tiếng Việt trong Trường ĐHSP và cả hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay, đó là thành lập Ban Biên tập sách Tiếng Việt (và ngôn ngữ). Theo đó, từ giữa những năm 1980, lần đầu tiên ở nước ta, các bộ sách giáo khoa tiếng Việt ở bậc học phổ thông và một số bộ giáo trình ngôn ngữ học ở bậc đại học và cao đẳng được tổ chức biên soạn để phục vụ cho cải cách giáo dục.
Đã ngót 1/4 thế kỷ trôi qua, thực tế học tập, nghiên cứu ngữ văn học trong và ngoài nhà trường đã cho thấy rằng đó là những bộ sách đã góp phần tạo ra một cơ sở học thuật khả dĩ cho những bước đi tiếp theo của liên ngành khoa học này.
Khi cơ quan giao cho tôi tổ chức biên soạn và biên tập các cuốn như Từ điền thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên), Đại cương ngôn ngữ học (Đỗ Hữu Châu - Bùi Minh Toán), Tiếng Việt lớp 11..., soát xét lại Đề cương sách, thầy Lê Anh Hiền dặn: "Đây là các cuốn mở đầu, nên động viên các tác giả viết hết sức, đừng câu nệ dài ngắn...". Còn nhớ, vào những năm 1986-1991 ấy, tiết kiệm trang in là một yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh ngành xuất bản - giáo dục và cả xã hội còn rất thiếu thốn khó khăn, tôi nghe lời thầy mà vẫn băn khoăn lo lắng. Rồi khi sách in ra, đến tay người đọc, được họ khen ngợi, trầm trồ, tôi mới thấy lời dặn ấy là sáng suốt, có tầm nhìn xa thế nào. Sau này, khi làm Giám đốc Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, tôi đã tiếp tục làm theo ý thầy là: Đối với các nhà khoa học chính danh vốn giàu lòng tự trọng, thì hãy để họ được thoải mái nghĩ và viết, phát huy cho hết trách nhiệm và năng lực nghiên cứu của mình...
Thầy Lê Anh Hiền là người từng trải qua các công việc và cương vị, thầy cũng nhiều lần đi công tác và tu nghiệp ở nước ngoài... Từng trải thế, nhưng hầu như chúng tôi chưa bao giờ thấy thầy cao giọng một điều gì. Lời nói và bài giảng của thầy thường được bắt đầu và tiếp tục một cách giản dị, tự nhiên. Yêu đời yêu cuộc sống tận đáy lòng, nên thầy như chẳng bao giờ đòi hỏi, hay cho là mình bị thiệt thòi gì. Lại là người rất tin mến yêu quý trẻ, nên tự nhiên, với kiến thức chắc chắn của mình, thầy đã làm những cuộc chuẩn bị thật tinh diệu cho nhiều học trò và con cháu trong gia đình. Nhà văn Lê Anh Hoài viết vững mà hoạt bút, lại còn biết sắp xếp mọi việc như thế, chắc là do đã chịu ảnh hưởng tốt từ thầy nữa đấy, phải không?
Nhà giáo, nhà ngôn ngữ học Lê Hiền, sinh năm 1922, quê quán Đại Hoà, Đại Lộc, Quảng Nam, đó tạ thế vào hồi 12h 45 ngày 5-4-2011 tại Hà Nội. Ông thuộc lớp trí thức miền Nam đầu tiên được đào tạo tại miền Bắc XHCN ngay sau khi tập kết năm 1954. Ông đi sâu vào ngành Ngôn ngữ phong cách học, đó được cử đi giảng dạy về ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam tại ĐH Lô mô nô xốp (Liên xô cũ). Về nước, ông giảng dạy ngôn ngữ tại ĐH Sư phạm I Hà Nội, sau đó, chuyển sang NXB Giáo dục, giữ cương vị Phó Tổng biên tập đến khi nghỉ hưu. Ông có nhiều công trỡnh nghiờn cứu về ngụn ngữ, in thành sỏch và in trong cỏc tạp chớ khoa học chuyờn ngành. Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến hạng II. Nhà giáo, nhà ngôn ngữ học Lê Anh Hiền đã tạ thế vào hồi 12h 45p ngày 5-4-2011 tại Hà Nội; Tang lễ được cử hành tại Nhà tang lễ BV Bạch Mai, Hà Nội, từ 7h30 đến 9h30 thứ sáu, ngày 8-4-2011 |
NA