(GD&TĐ- “Người nào tìm sự nhàn hạ trong nghề nghiệp thì xin đừng làm báo. Nếu tìm đến với nghề báo vì thích nổi tiếng hay để kiếm được nhiều tiền thì bạn không có cơ hội trở thành nhà báo thực sự. Bạn sẽ bị đào thải” - Đó là những chia sẻ chân thành của nhà báo Hữu Thọ với các bạn sinh viên trong chương trình Giao lưu nghệ thuật “ Thắp sáng ước mơ nghề báo lần thứ nhất - năm 2011”.
Tối 18/6, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật “Thắp sáng ước mơ nghề báo lần thứ nhất- năm 2011”. Chương trình được tổ chức nhân kỷ niệm 86 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2011), đưa đến cơ hội tương tác và giao lưu giữa sinh viên với thế hệ nhà báo đi trước. Hơn 800 bạn trẻ đến tham dự chương trình.
Nhà báo Hữu Thọ và Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ những câu chuyện thú vị trong đời làm báo. |
Buổi giao lưu có sự tham gia của hai nhà báo uy tín và kỳ cựu trong làng báo Việt Nam là nhà báo Hữu Thọ và cây phóng sự Đỗ Doãn Hoàng với hai chủ đề: “Nghề báo và dấu mốc thế hệ” và “Nghề báo và người trẻ”. Hai nhà báo ở hai thế hệ khác nhau cùng chia sẻ những kinh nghiệm, những câu chuyện thú vị trong quá trình tác nghiệp, đưa ra lời khuyên chân thành cho các bạn trẻ có ước mơ trở thành nhà báo.
Nhà báo Hữu Thọ chia sẻ: “Nghề báo là một nghề thực sự, ai cũng có thể thích thú nhưng không phải ai cũng làm được vì nó là nghề của năng khiếu. Năng khiếu đầu tiên của một nhà báo đó là phải thích thú và say mê với cái mới, thích bàn luận về các vấn đề. Người nào tìm sự nhàn hạ trong nghề nghiệp thì xin đừng làm báo. Nếu tìm đến với nghề báo vì thích nổi tiếng hay kiếm được nhiều tiền thì bạn không có cơ hội trở thành nhà báo thực sự. Bạn sẽ bị đào thải”.
Đánh giá về sinh viên báo chí hiện nay Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết: “Ngày càng có nhiều bạn sinh viên xuất sắc. Tuy nhiên các bạn có quá nhiều vấn đề cần quan tâm nên phân tán lòng yêu nghề báo của các bạn. Muốn thành công trong nghề các bạn cần định hướng rõ ràng, phải biết mình có năng lực gì. Phải yêu nghề và hiểu rõ năng lực bản thân. Các bạn hãy tập nhìn bằng con mắt của người cận thị - nhìn gần nhưng rõ ràng và chắc chắn…”
Những câu chuyện về quá trình tác nghiệp, những trải nghiệm thú vị mà hai nhà báo tên tuổi, uy tín chia sẻ khiến các sinh viên báo chí vô cùng xúc động, thích thú và hào hứng.
“Phiên phỏng vấn giả định” với nhân vật được phỏng vấn là nhà báo Hữu Thọ và Đỗ Doãn Hoàng và người phỏng vấn chính là các bạn sinh viên đã khiến không khí chương trình trở nên sôi động. Nhiều sinh viên đã thể hiện được khả năng phỏng vấn và năng khiếu làm báo với các câu hỏi vô cùng thú vị. Những câu hỏi phỏng vấn đều nhằm mục đích tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Học như thế nào và thực hành nghề như thế nào để thành công với nghề báo.
Hình ảnh ngòi bút đứng thẳng thể hiện “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” |
Không chỉ được lắng nghe ý kiến của các nhà báo lão làng, sinh viên tham dự chương trình còn được chia sẻ những kinh nghiệm từ chính các bạn sinh viên báo chí sớm rèn nghề và có thành tích tốt. Những khó khăn trong quá trình tác nghiệp, những vấp váp đầu tiên mắc phải đều được chia sẻ rất chân thành để cùng nhau rút kinh nghiệm, cùng nhau có được nhiều tác phẩm tốt hơn đáp ứng được yêu cầu mà xã hội đòi hỏi ở báo chí.
Chương trình giao lưu là dịp để sinh viên báo chí nhìn lại chặng đường 86 năm phát triển vẻ vang nhưng cũng đầy chông gai và thử thách của Báo chí cách mạng Việt Nam, giúp các bạn định hướng tốt hơn trong sự nghiệp. Rồi đây con đường các bạn đã chọn sẽ phải trải qua những khó khăn, gian khổ nhưng tin rằng thế hệ nhà báo trẻ Việt Nam sẽ ngày càng tiến lên, làm rạng danh nền báo chí cách mạng nước nhà. Xin nhắc lại một câu nói nổi tiếng để thể hiện quyết tâm của những nhà báo trẻ tương lai: “Sống trong nhung lụa chỉ sinh ra âm mưu. Muốn sinh ra bản lĩnh phải đổ mồ hôi, nước mắt”.
Lê Huế - Năm Châu