"Thân cò" lặng lẽ...

"Thân cò" lặng lẽ...

(GD&TĐ) - Thức trọn một đêm, từ căn gác xép nhìn xuống, bao mảnh đời trôi theo cơm áo cứ đi về trước mắt tôi. Dù họ là những chị lao công, những phụ nữ xa xứ đi làm ca trong các nhà máy, xí nghiệp ở khu công nghiệp Điện Nam (Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam), hay những phụ nữ vớt rong câu ở Hội An, tất cả đều đang miệt mài kiếm sống, hy vọng đem lại một tương lai tốt đẹp cho con em của họ.

Ngày dài bên máy

Phơi rau câu
Phơi rau câu
 

Tiếng máy ù ù, chát chúa, xen lẫn tiếng hàng trăm con người đang nói chuyện, đang trao đổi, thậm chí cãi vã... là đặc trưng chung của môi trường làm việc ở các phân xưởng, các khu công nghiệp. Mồ hôi nhễ nhại trong bộ đồng phục của các nhà máy như muốn tan rã theo cùng cái nắng chói chang của buổi trưa, trong những phân xưởng ngột ngạt, thỉnh thoảng thải vài ba ngọn khói đen sì lên trời xanh, như những con quái vật khổng lồ. Vậy mà họ vẫn chịu đựng, vẫn gắng gượng làm việc, mong kiếm một ít vốn về quê buôn bán, cho con ăn học. Họ là những người phụ nữ đến từ khắp mọi nơi trên mảnh đất Quảng Nam, và một số vùng lân cận.

Sau gần 5 tiếng đồng hồ cho một buổi sáng làm việc, đến 12 giờ trưa, chuông reo báo hiệu giờ cơm và nghỉ ngơi, nhưng tất cả chỉ vỏn vẹn trong vòng nửa tiếng đồng hồ! Ăn xong, bạ đâu nằm đấy, khi đôi mắt vừa khép bờ mi thì tiếng chuông báo hiệu vào giờ làm réo vang, khiến những người công nhân giật nảy mình thức giấc.

Mải miết cho đến 6 giờ chiều, thì tiếng chuông báo hiệu giờ tan ca. Họ mệt mỏi, lam lũ quay về với căn phòng trọ ngột ngạt, u ám, với vài ba kẹp rau, gói mỳ cho qua bữa.

Đôi mắt thâm quầng, gương mặt khắc khổ và xanh xao, chị Võ Thị Xuân (32 tuổi, trú tại Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết: “Quê nghèo, phải nuôi năm miệng ăn, nên tôi ra khu công nghiệp Điện Nam, Điện Ngọc để mưu sinh, làm công nhân giày da Rieker. Cuộc sống vất vả lắm. Tôi đi làm cả ngày, tối về mệt bã người. Nhiều lúc nhắm mắt lại thì nhớ đứa út, cháu mới được 8 tháng, tôi gửi bà ngoại để đi làm. Đến cuối tuần tôi mới về thăm cháu được”.

Năm nay mới 18 tuổi, cùng trang lứa với bao bạn đang ngồi trên ghế nhà trường, nhưng Lê Thị Ánh Hồng (Bình Dương, Thăng Bình, Quảng Nam) đã làm mẹ của đứa trẻ đang còn lim dim ngủ trên tay. Hồng tâm sự: “Ở quê toàn là cát trắng, nên không trồng trọt được gì chị ạ. Gia đình em đông quá, nên em nghỉ học sớm đi lấy chồng. Vừa sinh bé được mấy tháng, là ông xã em đi sang Nhật để xuất khẩu lao động. Em đi làm cả ngày, và gửi bé ở nhà trẻ. Tối về hai mẹ con nằm trong căn nhà trọ, nhiều khi khóc thầm. Một phần vì cuộc sống quá vất vả, một phần vì lo cho anh ấy ở xứ người. Nghe động đất, sóng thần hoài, em cứ sợ...”

Chị Lê Thị Thương (27 tuổi, Thăng Bình, Quảng Nam) lại là một hoàn cảnh khác. Chị cho biết: “Tốt nghiệp đại học kế toán ra trường, nhưng không xin được việc làm, nên tôi đành ra khu công nghiệp Điện Nam, Điện Ngọc làm công nhân. Nhiều lúc cũng tủi thân và buồn lắm. Nhưng biết thế nào bây giờ, cơ hội không đến, thì mình phải chấp nhận thôi”.

Trong dây chuyền sản xuất giày
Trong dây chuyền sản xuất giày
 

“Củng cố đời con”

Tôi đến Cẩm Thanh, nằm cách trung tâm thành phố Hội An 3 km, vào một buổi sáng. Điều thu hút tôi nhiều nhất, là những người phụ nữ đang xắn quần, ngâm mình trong nước để vớt rong câu trong ánh bình minh vừa ló rạng.

Sự vất vả, lam lũ, mệt mỏi luôn hiện hữu trên khuôn mặt khắc khổ và đôi mắt thâm quầng của họ. Tấm lưng cong vồng lên như muốn thách thức với mưa gió cuộc đời trên mọi nẻo đường mưu sinh. Đôi tay của họ lúc nào cũng thoăn thoắt trong hồ nước đục ngầu, để vớt những đám rong còn bám sát vào lòng hồ.

Một ngày vớt rong câu thường bắt đầu khi tiếng gà còn eo óc gáy, kết thúc khi chiều tà buông xuống vành nón. Họ lặng lẽ ra về khi thân mình ướt sũng lạnh lẽo, chỉ mong về nhà thật nhanh để sưởi ấm bên ánh lửa bập bùng cháy trong bếp. 

Đa số những người phụ nữ vớt rong câu là người Cẩm Thanh, và một số phụ nữ ở vùng lân cận, vừa làm nông vừa tranh thủ làm thuê để kiếm thêm tiền trang trải trong gia đình.

Mỗi khi bắt đầu vào vụ tôm, rong câu thường mọc nhiều hơn. Từ một bụi nhỏ, sau đó chúng mọc nhanh lan tràn ra cả một vùng rộng lớn, trải dài từng đám. Cẩm Thanh là địa điểm du lịch sinh thái khá hấp dẫn. Nằm ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn, tiếp giáp với vùng biển Cửa Đại, nên từ lâu Cẩm Thanh thích hợp với việc nuôi trồng thủy sản, tạo nên những “ngã ba”, “ngã tư” thích hợp để rong câu phát triển, mang lại kế sinh nhai cho nhiều người.

Thông thường, 1 kg rong câu khô có giá từ 65 - 70 nghìn đồng. Nhìn những bánh rong câu khô đang phơi trên khạp tre, cụ Lê Thị Tần (62 tuổi) cho biết: Mỗi ngày, tôi thường tranh thủ vào buổi sáng sớm ra các hồ tôm để vớt vài cân rong câu về phơi. Sau đó chế biến thành món “Xa Xa” gánh đến chợ bán kiếm thêm tiền, mua quà cho mấy đứa cháu. Mặc dầu hơi vất vả, nhưng tôi coi đó là niềm vui của tuổi già.

Nghề vớt rong câu không phân biệt mùa mưa hay nắng. Có khi gió bấc về lạnh tê tái, có khi là những  đợt nắng hè chói chang rám cả mặt người, những người phụ nữ làm nghề này đều dầm mình dưới hồ tôm, để vớt từng bụi rong câu.

Chị Hà Thị Bé (36 tuổi) trú tại thôn 6, Cẩm Thanh cho biết: “Chồng chạy xe ôm, tôi vừa làm rau, vừa vớt rong thuê để kiếm tiền mua sách vở cho hai đứa con đang đi học. Làm thuê thì vất vả khỏi phải nói rồi, cả ngày phải dầm mình dưới mấy hồ nước nuôi tôm, nuôi cá, để vớt rong. Nước sạch thì không nói gì, chứ nước bẩn thì tối về ngứa ngáy không chịu nổi. Nhưng nhìn hai đứa con đang bi bô học bài, tôi vững dạ hẳn lên, và thầm nghĩ tôi quyết sẽ hi sinh đời bố mẹ để củng cố đời con. Tôi hi vọng những đứa con tôi sau này sẽ thành đạt chứ không lầm lũi, vất vả như phận làm thuê của tôi”.

Vừa tranh thủ cắn vội miếng bánh, chị Bé vừa tâm sự, ánh mắt nhìn ra hàng dừa Bảy Mẫu đang vi vu trong gió, như để kí thác những nỗi niềm xa xôi.  Mỗi ngày vớt rong thuê được trả từ 100.000 - 120.000 đồng. Đôi lúc, số tiền đó chẳng thấm tháp vào đâu so với mức chi tiêu của một người có đời sống khá giả, hay những người khách du lịch.  Nhưng với những người đàn bà làm thuê, những phận người quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì đó là niềm vui, sự an ủi mà công sức họ đã bỏ ra.

Chia tay những “thân cò” lặng lẽ, tôi thầm cầu mong cho họ có được một ngày tươi sáng, một ngày bình yên, bớt đi gánh nặng mưu sinh...

Thanh Trâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ