"Tăng sức đề kháng" cho tâm hồn HSSV bằng văn học nghệ thuật

"Tăng sức đề kháng" cho tâm hồn HSSV bằng văn học nghệ thuật

(GD&TĐ)- “Khi đã ở cái tuổi mà dường như cả gia đình, nhà trường, xã hội và cuộc đời đã trang bị cho một phông nền tạm đủ để sẵn sàng tiếp cận và đón nhận những đổi thay của thời đại, đôi khi tôi vẫn còn cảm thấy hoang mang khi phải định danh một giá trị mới, một biểu hiện mới, một trào lưu mới trong xã hội hiện đại, thì các em nhỏ của chúng ta, những mầm non bấy bớt vốn hiếu động và thu nạp nhanh những điều mới lạ, các em chưa tích lũy đủ sức đề kháng trước tác động của những làn gió lạ thời hội nhập, thì lỗi cũng không hoàn toàn thuộc về các em” – Nhà văn Vũ Thanh Lịch - Phó Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật Ninh Bình tâm sự khi bàn về vai trò của Văn học nghệ thuật (VHNT) đối với sự hình thành tư tưởng, nhân cách, đạo đức của HSSV trong thời đại hiện nay.

HS Trường tiểu học Hạnh Sơn (Văn Chấn, Yên Bái) trong ngày hội đọc sách. Ảnh: gdtd.vn
HS Trường tiểu học Hạnh Sơn (Văn Chấn, Yên Bái) trong ngày hội đọc sách. Ảnh: gdtd.vn

“Bùng nổ” các sản phẩm ngoại nhập

PV. Theo chị, thực trạng đời sống văn học, nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay tác động đến việc hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào?

Nhà văn Vũ Thanh Lịch: Trong thời đại hiện nay, sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật khiến các phương tiện nghe nhìn hiện đại trở nên phổ biến cũng là lúc mà ngành công nghiệp văn hóa xuất hiện và phát triển vượt bậc, khiến các tác phẩm VHNT nhanh chóng trở thành loại hàng hóa đặc biệt, và tất nhiên, chúng không thể thoát ra khỏi quy luật khách quan của kinh tế thị trường.

Điểm qua thị trường những sản phẩm VHNT dành cho trẻ em (phổ biến là sách, phim ảnh) có thể thấy sự bùng nổ của các "sản phẩm" ngoại nhập.

Đầu tiên, nói đến lĩnh vực điện ảnh. Các loại phim dành cho trẻ em của chúng ta rất thiếu nếu không muốn nói là hầu như không có, phim truyện Việt Nam dành cho thiếu nhi hầu như vắng bóng tại các rạp hoặc là làm phim cho tuổi teen nhưng không thể chiếu cho các em xem được, ví dụ như phim "Tâm hồn của mẹ", đạo diễn Phạm Nhuệ Giang.

Ở thể loại phim hoạt hình, vấn đề cũng không sáng sủa hơn. Theo Báo giáo dục thành phố HCM thì tại hãng phim hoạt hình Việt Nam, mỗi năm hãng chỉ sản xuất được 250 phút phim hoạt hình, nếu chiếu mỗi ngày 10 phút thì lượng phim hoạt hình làm trong 1 năm chỉ đủ chiếu trong 1 tháng. Trong khi đó các kênh truyền hình như Cartoon Networks, Disney Cartoon, Disney thậm chí cả Bibi đều tràn ngập các phim hoạt hình nước ngoài dành cho thiếu nhi. Tại các rạp, những bộ phim dành cho lứa tuổi học trò đều là phim ngoại...

Ở các kênh chuyên về phim hoạt hình ngoại như CN, Disney... hầu hết là phim phụ đề, trong khi đối tượng xem các phim này phần lớn là các em mẫu giáo hoặc tiểu học, các em chưa biết chữ, hoặc đọc chữ phụ đề chưa theo kịp với tốc độ hiển thị của chữ trên màn hình, lời thoại thì bằng tiếng nước ngoài. Kết quả là con em của chúng ta chỉ nhìn thấy những cảnh bay lượn, phá hủy, bắn giết … mà không biết hoặc không thể phân biệt được thiện ác, đúng sai trong mỗi hành động của các nhân vật, dẫn đến trong đầu các em coi những hành động chiến đấu, đánh đấm, đập phá đó là bình thường hoặc đó là cách thể hiện bản lĩnh iêng hùng rồi bắt chước, làm theo. Đó là chưa nói đến ảnh hưởng của các phim hoạt hình trên truyền hình khiến ngành công nghiệp đồ chơi cũng có thêm cơ hội kiếm tiền khi họ sản xuất đủ loại trò chơi từ những hình dán, hình lắp ghép đến các món đồ chơi như đao, kiếm, súng... là vũ khí chiến đấu của các nhân vật hoạt hình, thậm chí in trên quần áo, bìa vở, nhãn vở, hộp bút, vỏ bút ... và cuộc sống của các em nhỏ của chúng ta luôn luôn ngập tràn trong thế giới ảo và thật của những nhân vật hoạt hình phi thường, bạo lực. Với tâm lý lứa tuổi các em thì hiện thực ấy khiến các em có suy nghĩ và hành động bạo lực cũng là điều dễ hiểu.

PV. Phải chăng, do những ưu thế đặc biệt của các phương tiện nghe nhìn hiện đại mà học sinh thời nay dường như xa lạ với văn hóa đọc?

Nhà văn Vũ Thanh Lịch
Nhà văn Vũ Thanh Lịch

Nhà văn Vũ Thanh Lịch: Đúng vậy, tác động nhanh chóng, mạnh mẽ, tức thì tới tư duy và cảm xúc từ các phương tiện nghe nhìn khiến các em không cần phải động não suy nghĩ, từ đó dẫn đến sự xa cách với lối tư duy sâu, xa cách với tư duy tưởng tượng, sáng tạo, những kỹ năng chỉ có được khi các em đọc sách, nói cách khác, dường như phim ảnh đã khiến các em trở nên xa lạ với văn hóa đọc.

Đã có rất nhiều diễn đàn của Hội Nhà văn Việt Nam bàn về sách cho thiếu nhi và thị trường sách cho thiếu nhi. Cũng không ít các nhà văn, các nhà văn hóa lên tiếng về thực trạng văn hóa đọc ở học đường. Một điều dễ thấy là khi nhắc đến truyện, các em thích truyện tranh hơn truyện giấy. Một số quốc gia phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc đã thực hiện chuyên môn hóa việc sáng tác truyện tranh khiến các câu chuyện của họ có sức hút đặc biệt với giới trẻ, điển hình như bộ truyện tranh Đô-rê-mon, Thám tử Co-nan, Siêu quậy Tép-pi...

Ở Việt Nam, những bộ truyện tranh này ban đầu được xuất bản định kỳ hàng tuần, số lượng không dưới 1 vạn bản cho mỗi tập truyện, và được tái bản nhiều lần. Nói như thế để thấy rằng các độc giả nhỏ tuổi của chúng ta được bày sẵn những món ăn tinh thần vô cùng hấp dẫn, nhưng các em thiếu những cuốn sách thật sự có giá trị hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn, khát vọng và rèn tập khả năng tư duy sâu...

Bên cạnh đó, sách của các nhà văn Việt Nam mang vóc dáng của dân tộc, của thời đại thì thực sự hiếm hoi. Một số truyện tranh cổ tích Việt Nam khi được in mới lại lược bỏ những đoạn hay, những đoạn quan trọng để các em nhận biết được những giá trị nền tảng đạo đức, những hiểu biết về phong tục, tập quán của dân tộc để các em học làm người. Các tác phẩm văn học kinh điển trong nước và trên thế giới dành cho thiếu nhi vẫn được tái bản tuy nhiên số lượng mỗi lần tái bản không nhiều.

Trong khi đó, tiếp cận những tác phẩm văn học thông qua ngôn ngữ thuần túy là con đường tối ưu để các em phát huy, phát triển trí tưởng tượng. Ngôn ngữ văn học vốn giàu tính biểu cảm, hình tượng văn học vốn giàu giá trị nhân văn, vì vậy, thông qua đó, chúng ta có thể gieo vào nhận thức non nớt của các em những bài học bổ ích, những ấn tượng tốt đẹp về giá trị cuộc sống một cách tự nhiên nhất, dễ dàng nhất, đồng thời khơi thức được vẻ đẹp vốn có trong tâm hồn các em.

Một thực tế nữa ở thị trường sách là bên cạnh sự sôi động của truyện tranh, sự thưa vắng của truyện chữ thì một số lượng lớn các tác phẩm văn học nước ngoài mới xuất bản với chủ đề tình cảm tuổi teen cũng được các nhà làm sách lựa chọn vì dễ bán, nhanh thu được lợi nhuận. Một số nhà xuất bản có xu hướng lựa chọn những tác phẩm có cách kể chuyện lôi cuốn, mang tính giải trí cao và tình cảm ủy mị vì những kiểu sách này được độc giả "nhí" vô cùng hứng thú, tuy nhiên giá trị nghệ thuật cũng như giá trị nhân văn mà các tác phẩm ấy mang lại chỉ ở một mức độ khiêm tốn.

Tất cả những điều đó cho thấy rằng dường như văn hóa đọc của học sinh chúng ta đang dần bị lãng quên, trong khi đó việc trẻ em được tiếp xúc với tinh hoa văn học từ nhỏ là cách dễ dàng nhất để các em sớm hình thành thói quen đọc sách, hình thành thói quen và khả năng tiếp thu tri thức một cách độc lập, chủ động, giúp các em phát triển năng lực tư duy, năng lực tưởng tượng, có sức liên tưởng phong phú, và nhất là bồi dưỡng tình cảm đạo đức, ý chí, khát vọng, lý tưởng, giúp các em sớm có một thế giới tâm hồn trong sáng và thánh thiện, làm cơ sở cho việc hình thành những nhân cách văn hóa sau này.

Ở các lĩnh vực khác như âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu... tình hình cũng không khả quan hơn.

Cần có những quy định chặt chẽ đối với thị trường VHNT

PV. Vậy phải làm thế nào để khai thác những tác động tích cực của văn học - nghệ thuật đến việc hình thành tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, theo chị?

Nhà văn Vũ Thanh Lịch: Chủ trương cũng như biện pháp thực hiện phối hợp gia đình, nhà trường, xã hội trong công tác giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên của Bộ GD&ĐT trong thời gian vừa qua là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, đáp ứng yêu cầu mới của công tác giáo dục nền tảng đạo đức cho xã hội, giáo dục nền tảng văn hóa cho thế hệ tương lai của dân tộc.

Là một lĩnh vực đặc biệt tinh tế và nhạy cảm của văn hóa, mang đặc điểm là môt hình thái ý thức xã hội đặc thù, văn học nghệ thuật chưa bao giờ đứng bên ngoài công cuộc ấy, thậm chí còn mang trên mình một thiên chức làm nhân văn hóa con người, nhân đạo hóa xã hội. Chính vì vậy, tìm tòi nghiên cứu để phát huy những hiệu ứng tích cực của văn học nghệ thuật đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ cao cả của những người hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Giải pháp, trước hết theo tôi cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội nói chung, của những người làm công tác giáo dục nói riêng về vai trò quan trọng của văn học nghệ thuật trong việc giáo dục, hình thành tư tưởng, đạo đức, lối sống, thắp sáng ước mơ và khát vọng cho trẻ em ngay từ lứa tuổi mầm non. Đặc biệt nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng chính quyền từ trung ương đến địa phương về vai trò của văn học nghệ thuật trong đời sống văn hóa xã hội nói chung, trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho thế hệ tương lai nói riêng.

Bên cạnh đó cần nâng cao ý thức trách nhiệm của những người hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh các sản phẩm hàng hóa văn học nghệ thuật, có những quy định chặt chẽ đối với thị trường văn học nghệ thuật nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của thị trường đến học đường và để những sản phẩm văn học nghệ thuật đến với các em vừa thỏa mãn nhu cầu lứa tuổi vừa có giá trị nhân văn sâu sắc, giúp các em tiếp cận được những tác phẩm văn học nghệ thuật tinh hoa, từ đó nâng cao nhu cầu, thị hiếu và lý tưởng thẩm mỹ cho các em.

Thứ hai, tăng cường công tác chỉ đạo phối kết hợp giữa ngành giáo dục với các cơ quan văn hóa, các tổ chức hội, đoàn văn học nghệ thuật, các cơ quan truyền thông nhằm tuyên truyền quảng bá và đưa những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị đến được với các em học sinh. Định hướng, giúp đỡ cho các em cách tiếp cận và cảm thụ, khai thác giá trị nhân văn từ các tác phẩm văn học nghệ thuật giá trị (ở đây không đơn thuần là cho các em xem một vở diễn, một bộ phim hay bảo các em hãy đọc cuốn sách này cuốn sách kia mà có cách giới thiệu, hướng dẫn để các em tiếp cận được tác phẩm, chẳng hạn như sau khi xem biểu diễn nghệ thuật hoặc xem phim có thể dành ít thời gian tọa đàm, bàn luận về tác phẩm, đối với việc đọc sách văn học cũng vậy...)

Thứ ba, chú trọng đến tính đặc thù của các môn nghệ thuật trong nhà trường, đặc biệt lưu ý phương pháp tiếp cận và giảng dạy môn ngữ văn. Nâng cao năng lực giảng dạy cũng như vốn hiểu biết của giáo viên ngữ văn về chính môn học mà mình đảm nhiệm, xác định đây là một môn học kết hợp tinh tế giữa khoa học và nghệ thuật, có khả năng phát triển đồng thời cả tư duy và cảm xúc trong đó trí tuệ cảm xúc giữ vai trò chủ đạo, là kích thích tố cho lý trí phát triển.

Thứ tư, coi trọng đúng mức các sinh hoạt văn hóa văn nghệ, đảm bảo các hoạt động không chỉ mang tính phong trào bề nổi với những chương trình ca múa nhạc thông thường, mà hướng đến những hoạt động có chiều sâu. Cần đa dạng hóa các hoạt động ngoại khóa, như tổ chức các ngày hội sách, các hoạt động tôn vinh văn hóa đọc, các cuộc trao đổi thảo luận về một vài cuốn sách hoặc một vài bộ phim hay, tạo điều kiện để các em học sinh được tiếp cận, giao lưu với các văn nghệ sĩ, tạo nên sự gần gũi, gắn bó giữa nghệ sĩ và công chúng, bồi dưỡng niềm say mê thích thú cho các em khi tiếp cận với VHNT.

Thứ năm, tăng cường phối hợp giữa ngành giáo dục với các tổ chức hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, (như Hội nhà văn, Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam...) giữa các nhà trường với các Hội VHNT địa phương, đây cũng là một trong số những tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp có vai trò nhất định trong xã hội và đương nhiên việc đưa các tổ chức này tham gia phối hợp giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh là cần thiết, nhất là trong việc phát huy chức năng giáo dục của VHNT trong việc hình thành nhân cách, lối sống cho học sinh, góp phần quan trọng trong việc nuôi dưỡng và phát triển thế giới tâm hồn, cảm xúc cho thế hệ tương lai của dân tộc.

Gần đây, Bộ GD&ĐT và Hội Nhà văn Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp "Phát triển văn học trong nhà trường và nhà trường với văn học giai đoạn 2013-2010", đây có thể coi là bước khởi đầu cho quá trình chung vai gánh vác trách nhiệm giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh sinh viên giai đoạn hiện nay của Hội Nhà văn với Bộ Giáo dục, đề cao yêu cầu và trách nhiệm của nhà văn, của những người cầm bút đối với thế hệ trẻ.

Xin cảm ơn chị!

Hiếu Nguyễn (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ