(GD&TĐ) - Chiều nay (1/11), Tổng cục VIII, Bộ Công an tổ chức tổng kết cuộc thi viết: “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” trong phạm nhân và trại viên năm 2011 và công bố Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 16/11/2011.
Đến dự Hội nghị có Trung tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ tư pháp cùng đông đảo các đại biểu, đại diện đơn vị trại giam về dự.
Các bài dự thi thu hút sự quan tâm rộng rãi |
Đây là lần đầu tiên các đơn vị trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng tổ chức cuộc thi đặc biệt này. Việc tổ chức cuộc thi nhằm khơi dạy, phát huy những khả năng, nguồn lực sáng tạo trong phạm nhân, trại viên, có tác động giáo dục, cảm hóa đối với chính họ và tạo sự cảm thông của cộng đồng. Cuộc thi thu hút hầu hết các trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dương tham gia với đông đảo phạm nhân, trại viên ngày đêm thực hiện bài viết.
Qua tổng hợp của 99 trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng đã có tới hơn 23 nghìn phạm nhân tham gia viết bài với khoảng 150 nghìn trang viết. Có những phạm nhân tham gia viết với nghị lực rất cao như phạm nhân Đặng Văn Thế ở trại giam số 6. Mặc dù bị dị tật ở tay phải từ nhỏ và mới học hết lớp 4 nhưng phạm nhân Thế đã tập viết bằng tay trái đầy khó khăn và thành công. Hay như phạm nhân Trần Thị Hoàng Mai ở trại giam Thanh Xuân, bị nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối đã kiên cường chống chọi với bệnh tật, quyết tâm hoàn thành bài thi viết…
Với mỗi cuộc đời, với từng cách diễn đạt khác nhau, các phạm nhân, trại viên đã viết ra nhiều mẩu chuyện ấn tượng có tính giáo dục về quá khứ lầm lỗi của mình bằng lối viết chân thực, cảm động. Dù trong vòng lao lý họ vẫn tràn đầy tình yêu thương, mong ước có được cuộc sống hạnh phúc. Đồng thời qua các bài viết cũng đã tôn vinh những hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát trại giam.
Trong các bài tham gia dự thi, đáng chú ý có những “nhân vật nổi tiếng” như phạm nhân Lê Quang Hưng, sinh năm 1977, có tới 2 bằng đại học chính qui loại giỏi, đã làm xong Luận án Tiến sỹ về lĩnh vực tài chính. Hay phạm nhân Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc, sinh năm 1977, tốt nghiệp Học viện quan hệ quốc tế, sử dụng thành thạo Tiếng Anh, làm biên tập viên truyền hình và từng nổi danh trong làng người mẫu…
Trong tổng số 422 bài thi ở vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã chọn được 64 bài với nội dung tốt lọt vào vòng chung khảo. Kết quả về giải cá nhân có 2 giải nhất, 4 giải nhì, 8 giải ba, 15 giải khuyến khích. Về giải tập thể có 4 đơn vị được trao giải.
Công bố Nghị định 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Lễ ký kết giữa Tổng cục VIII với Hội LHTN Việt Nam về giáo dục phạm nhân, trại viên trong độ tuổi thanh niên.
Nhân dịp này, Tổng cục VIII đã chính thức công bố Nghị định 80/CP Quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Nghị định gồm 5 Chương, 33 Điều và có hiệu lực từ ngày 16/11/2011. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp các ngành triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, phân định rõ trách nhiệm cũng như cơ chế phối hợp của các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện công tác này.
Nghị định có 2 điểm mới, đó là kinh phí bảo đảm cho hoạt động tái hòa nhập cộng đồng và việc cho phép Bộ Công an thành lập và qui định cụ thể về tổ chức, hoạt động của các cơ sở sản xuất để tổ chức cuộc sống và việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có nơi cư trú nhất định, nhằm hạn chế tái phạm tội đối với họ.
Ký kết Kế hoạch phối hợp về giáo dục cải tạo phạm nhân, trại viên trong độ tuổi thanh thiếu niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng |
Cũng trong buổi tổng kết hội thi, Tổng cục VIII và Hội LHTN Việt Nam đã ký kết Kế hoạch phối hợp về giáo dục cải tạo phạm nhân, trại viên trong độ tuổi thanh thiếu niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. Trung tướng Cao Ngọc Oánh, Tổng cục trưởng Tổng cục VIII và ông Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam đánh giá rất cao tầm quan trọng của kế hoạch này trong việc giáo dục cải tạo phạm nhân, trại viên ở độ tuổi thanh thiếu niên và giúp họ tái hòa nhập cộng đồng khi chấp hành xong án phạt tù và các quyết định giáo dục cải tạo cưỡng chế khác.
Mục đích của Kế hoạch nhằm huy động các nguồn lực của thanh niên tham gia tích cực vào công tác giáo dục phạm nhân, trại viên nói chung và trong độ tuổi thanh niên nói giêng, giúp họ trở thành người có ích cho xã hội. Kế hoạch cũng là cơ sở để phát huy trách nhiệm của các cấp bộ hội, các tổ chức thành viên của Hội LHTN Việt Nam và của tuổi trẻ cả nước cùng quan tâm, chia sẻ, phối hợp chặt chẽ với các trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng để cải tạo, hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức cai nghiện ma túy cho phạm nhân, trại viên, tạo điều kiện giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.
Lâm Bách