Người lao động nào cũng mong muốn được đóng bảo hiểu xã hội. |
Theo Nghị định, người sử dụng lao động nếu không đóng BHXH cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì bị phạt từ 1-30 triệu đồng (quy định cũ là từ 100 nghìn đến 20 triệu đồng), xét theo mức độ vi phạm với từ 1 - 501 lao động trở lên, đồng thời phải truy nộp số tiền BHXH chưa đóng.
Đồng thời người sử dụng lao động có hành vi vi phạm trên còn bị buộc đóng số tiền lãi của số tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH trong năm trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt.
Nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể thấp hơn nhưng không được dưới mức thấp nhất của khung phạt tiền đã được quy định; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể cao hơn nhưng không vượt quá mức cao nhất của khung phạt tiền đã được quy định.
Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH là 30 triệu đồng.
Với người lao động, nếu có hành vi làm giả hồ sơ để hưởng chế độ BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 1-5 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu hồ sơ giả và phương tiện, công cụ sử dụng để làm giả hồ sơ. Theo quy định cũ, với hành vi này, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đến 1 triệu đồng.
Người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 300 nghìn đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc truy nộp số tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày giao quyết định xử phạt; buộc đóng số tiền lãi của số tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH trong năm trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt.
Tổ chức BHXH và cơ quan, tổ chức khác có hành vi quản lý, sử dụng quỹ BHXH bắt buộc, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ BHXH tự nguyện không đúng quy định bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng (quy định cũ 1 - 5 triệu nếu vi phạm lần 1,5 - 10 triệu nếu vi phạm lần 2).
Những đối tượng này nếu có hành vi chi trả không đúng mức hoặc chi trả không đúng thời hạn chế độ BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tự nguyện bị phạt tiền từ 3 - 6 triệu đồng (quy định cũ 100 nghìn đến 1 triệu đồng) và buộc giải quyết đúng chế độ cho người lao động trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt.
Nghị định mới có hiệu lực thi hành từ 1/10/2010 và không áp dụng đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm mang tính kinh doanh.
Anh Thư