"Phu vai" cảng cá

"Phu vai" cảng cá

Quên mình là phận nữ nhi

Bến cá Lạch Vạn (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) tấp nập cả ngày. Trưa đứng bóng, khi các tàu đánh bắt xa bờ cập bến cũng là lúc hàng chục phụ nữ gồng gánh túa ra. Tiếng gọi nhau í ới của các chị vang cả một góc cảng cá. Một tàu cá buông neo, lần lượt từng thúng cá được các chị mang vác đưa lên bờ. Rồi hơn chục chị nữa đứng chờ sẵn để phân loại, cho cá vào từng thùng ướp đá lạnh để xe tải chở đi.

Trên bến cá, chị em buôn thúng bán bưng, lấy cá tỏa về các chợ trong vùng. Trưa nắng, ai nấy nhễ nhại mồ hôi, mặt đỏ bừng. Xếp từng con cá vào khay, mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt rám nắng, chị Nguyễn Thị Hường (40 tuổi, ở xóm Trung Lộc, Diễn Ngọc) cho biết: Mỗi ngày có khoảng 20 chị em túc trực nơi bến cá Lạch Vạn. Tàu về, người ta thuê làm gì thì các chị làm nấy. Đã kiếm kế sinh nhai ở cảng cá thì công việc nào cũng nặng nhọc, nhưng phần đông những người lao động ở đây lại là phụ nữ. Ngay cả việc khuân vác, bốc xếp hàng hay chuyển các cây nước đá cũng do phụ nữ đảm nhiệm.

Cách đó không xa, cơ sở chế biến cá của anh Nguyễn Văn Hùng (xóm Đồng Lộc, Diễn Ngọc) có gần 100 chị em đang miệt mài với hàng tấn cá. Các chị thật sự vất vả bởi cả ngày quần quật với những công việc cần sự tỉ mỉ và cũng tốn không ít sức lực. Những chiếc quạt trần chạy vù vù, quạt hết công suất vẫn không xua đi được cái nóng hầm hập từ mái tôn đổ xuống, ai nấy mồ hôi ướt đẫm cả áo bảo hộ lao động đang mặc. Nắng nóng là vậy, nhưng tay của các chị vẫn tím bầm, nhăn nheo vì tiếp xúc lâu với đá lạnh. Anh Nguyễn Văn Hùng, chủ cơ sở sơ chế cho biết: “Mỗi ngày, xưởng sơ chế khoảng 10 tấn cá nguyên liệu, xuất ra khoảng 4 tấn cá thành phẩm, tạo việc làm cho trên 100 lao động địa phương.

Lao động của xưởng chủ yếu là nữ, công việc chính là róc cá, rửa cá và đóng gói. Lương được tính theo sản phẩm, 1kg cá thành phẩm được trả công 2.500 đồng đến 4.000 đồng, tùy theo loại cá, làm ngày nào thanh toán ngày đó”.

Công việc róc cá tưởng chừng đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo, nhanh tay, tỉ mỉ. Những con cá ướp lạnh, được rã đông, rửa sạch, công việc của các chị là róc thịt cá ra khỏi xương và đầu. “Những ngày đầu, làm chưa quen, xương cá đâm vào tay, chảy máu. Dùng găng tay thì đỡ bị xương cá đâm, đỡ buốt lạnh nhưng sẽ giảm năng suất, nên chị em thường làm bằng tay không. Mỗi ngày, mỗi người róc được khoảng 20kg cá thành phẩm, được nhận từ 50.000 đồng đến 80.000đ tiền công” – một chị cho biết. Với họ, có một công việc để làm, có tiền đong gạo nuôi con đã là một hạnh phúc.

Nhiều học sinh tranh thủ nghỉ hè xin vào sơ chế cá để kiếm thêm tiền giúp cha mẹ
Nhiều học sinh tranh thủ nghỉ hè xin vào sơ chế cá để kiếm thêm tiền giúp cha mẹ
 

Một mình bươn chải

Chị Nguyễn Thị Lan (công nhân của doanh nghiệp thu mua, chế biến hải sản Phương Danh (xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu) đang loay hoay với những con cá vừa được xẻ thịt. Bên cạnh chị, vài phụ nữ khác đang sắp những con cá nhỏ vào khay đá. Chị Lan làm ở đây đã lâu cho biết: “Công việc của tôi tùy theo mùa. Mùa nào tàu thuyền về nhiều thì việc nhiều, mùa mưa bão thì ít việc. Làm mùa này còn sướng, đến mùa mưa lạnh mới thật vất vả”.

Trước đây, chị cũng là chủ tàu đánh cá, nhưng rồi trong một chuyến ra khơi, sóng biển đã cướp đi sinh mạng của chồng chị, còn tàu thì hư hỏng nặng. Một mình với 4 đứa con, cha mẹ chồng lại già yếu, khó khăn chồng chất, chị tưởng như mình không đủ sức để vượt qua. Nhưng rồi cuộc sống buộc chị phải nỗ lực, phải bươn chải để gánh vác trách nhiệm gia đình thay chồng. Đã 5 năm nay, chị làm công nhân sơ chế cá, những ngày rảnh việc thì đạp xe đi bán cá hoặc nhận gánh cá thuê.

Ở làng biển, những trường hợp như chị Lan không phải là hiếm. Người chồng ra khơi, gặp sóng to gió lớn, bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đại dương hung hãn đánh chìm tàu thuyền, cuốn theo những người chồng, những trụ cột gia đình, để lại trên bờ nỗi đau và bao lo toan của người vợ. Lúc đó, cuộc sống buộc những người vợ phải cứng cỏi vươn lên, bươn chải mưu sinh để lo cho tương lai của con cái. Họ không còn tựa cửa đợi chồng sau chuyến ra khơi, mà chủ động tìm việc làm, chủ động gây dựng điều kiện sống cho mình và các con.

Nơi cửa biển, hàng ngày vẫn có nhiều phụ nữ vất vả mưu sinh. Mỗi khi những con tàu từ biển khơi trở về sẽ mang theo về cho họ niềm vui. Họ vui vì có cá để kịp phiên chợ; vui vì sẽ có việc để làm… Những người phụ nữ ở đây  dường như quên đi phận chân yếu tay mềm để bước vào cuộc mưu sinh. Họ không quản vất vả, sẵn sàng làm những công việc nặng nhọc vì gia đình, vì con cái.

Minh Thanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ