(GD&TĐ) - Giảm giá, khuyến mại, rồi lại… giảm giá (kèm luôn khuyến mại); thị trường bất động sản (BĐS) vẫn cứ tụt ngày càng sâu xuống vực thẳm của cơn khủng hoảng mà không ai biết “đáy” ở đâu và cái gì đang chờ đợi ở đó. Những diễn biến thị trường thời gian gần đây cho thấy làn sóng giảm giá vẫn sẽ còn tiếp tục với những khung mới liên tiếp được thiết lập, trung bình thấp hơn hồi đầu năm khoảng 30% giá trị mỗi sản phẩm, từ bình dân cho tới cao cấp. Không còn hy vọng về các gói giải cứu và sức chống đỡ cũng đã đến hồi cạn kiệt, các doanh nghiệp BĐS dường như đang có những bước chuyển biến thực sự trong tư duy. Giảm giá đến mức phá giá là giải pháp sống còn trong thời điểm hiện tại.
Bối cảnh thị trường đã bắt buộc các đơn vị trong lĩnh vực này phải thay đổi tư duy kinh doanh để tồn tại, thậm chí chấp nhận thua lỗ nặng để giải phóng hàng tồn, thay vì cố thủ như trước đó với lòng tham lợi nhuận cao hay chí ít cũng vớt vát được chút nào hay chút ấy. Động thái này đương nhiên là cực chẳng đã của các doanh nghiệp, nhưng hoàn toàn nằm trong dự đoán của các chuyên gia cũng như giới truyền thông trước đó.
BĐS giai đoạn trước đây “sống” được vì những khoản lợi nhuận cao ngất ngưởng từ nguồn vốn đi vay, nay “lâm trọng bệnh” cũng vì những mức giá ngất ngưởng mà thị trường tự đặt ra cho mình, trong khi nguồn vốn vay dồi dào để đầu tư đã không còn nữa, nợ cũ thì bị thúc hàng ngày với mức lãi suất dù giảm nhiều so với hồi đầu năm nhưng vẫn còn khá lớn. Việc các doanh nghiệp BĐS giảm giá và sẽ tiếp tục giảm giá là tất yếu bởi sức chịu đựng của các chủ đầu tư đều đã không còn. Việc cố tình trì hoãn không giảm giá cũng không còn được bao lâu bởi với các khoản nợ cho mỗi dự án khoảng vài trăm tỷ thì lãi vài chục tỷ/tháng khiến doanh nghiệp không thể chịu nổi.
Ảnh MH (nguồn Internet) |
Còn nhớ trước đây, mà nói rõ ra là chỉ từ đầu năm 2011 trở về trước, khi thị trường sôi động, có những dự án găm hàng, không bán ra ồ ạt mà bán nhỏ giọt, trước tiên luôn dành mức ưu tiên các suất ưu đãi cho cán bộ nhân viên trong đơn vị đầu tư. Đây là tầng đầu cơ thứ nhất, sau đó mới ra đến các sàn giao dịch, qua tay các nhà đầu tư nhỏ lẻ rồi cuối cùng mới đến tay người có nhu cầu thực.
Qua mỗi tầng trung gian, giá lại đội lên một lần, cao thấp tùy độ khan hàng (hầu hết là giả tạo) của thị trường, hay độ “hot” của dự án. Nay thì hoàn toàn ngược lại, các doanh nghiệp phải tìm đến người tiêu dùng, tiếp xúc trực tiếp khách hàng với hàng loạt ưu đãi cùng mức giá hứa hẹn hấp dẫn, nhưng vẫn không bán được hàng, bởi lẽ đơn giản: dù đã giảm nhiều, nhưng thực tế mặt bằng BĐS vẫn ở mức giá quá cao, trong khi phần lớn người có nhu cầu thực chỉ có thể đáp ứng khả năng tài chính trên dưới 2 tỷ đồng cho một căn hộ nhỏ (từ 70m2 trở lại) - một phân khúc mà suốt thời gian dài bị các nhà đầu tư BĐS bỏ qua bởi cho rằng phân khúc này mang lại lợi nhuận thấp.
Không giảm giá mạnh tay hoặc chuyển đổi dự án sang mô hình căn hộ diện tích nhỏ, trong khi các thời hạn thanh khoản ngân hàng đã trở nên cấp bách, cùng với mức lãi suất dù đã giảm nhưng vẫn quá cao ở nước ta, nhà đầu tư chỉ có nước chấp nhận phá sản mà thôi. Khi đó, không chỉ toàn bộ các dự án đầu tư từ nguồn vốn vay sẽ phải “gán nợ” cho ngân hàng mà chắc chắn pháp luật cũng sẽ không bỏ qua. Giữa 2 cái thiệt: mất phần lợi nhuận quan trọng và mất… tất, đương nhiên cái thiệt đầu tiên vẫn còn nhiều “cửa sống” hơn cho các nhà đầu tư trong bối cảnh ảm đạm hiện nay của thị trường.
Thực tế như đã nói ở trên, việc giảm giá và xu hướng bán tháo căn hộ gần đây đã được rất nhiều chuyên gia cũng như giới truyền thông dự báo từ trước, đồng thời cũng nhận định đó là điều hết sức bình thường theo quy luật thị trường. Trong bối cảnh các ngân hàng vẫn đang quay cuồng với đống nợ xấu cao ngất, tiếp tục siết chặt cho vay BĐS thì chuyện doanh nghiệp BĐS níu giữ giá cao, để lãi nhiều sẽ không thể kéo dài được lâu. Thị trường sẽ buộc giá các sản phẩm BĐS trở về đúng với quy luật cung - cầu, chứ không phải cung định hướng cho cầu như lâu nay chúng ta vẫn thấy trên thị trường BĐS nước nhà.
Nhất Nguyên