"Nhiều kết quả tích cực trong giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số"

"Nhiều kết quả tích cực trong giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số"

(GD&TĐ) - Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc đánh giá và triển khai thực hiện chính sách vùng dân tộc và miền núi, diễn ra tại Hà Nội ngày 11/4, do Ủy ban Dân tộc tổ chức.

Trên 54.770 tỷ đồng đầu tư cho vùng dân tộc và miền núi

Vùng dân tộc và miền núi hiện chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên, địa bàn sinh sống của 54 dân tộc; trong đó 53 dân tộc thiểu số với gần 12,3 triệu người, chiếm 14,27% dân số cả nước.

Học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang thực hành thí nghiệm Ảnh: Bắc Việt
 Học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang thực hành thí nghiệm       Ảnh: Bắc Việt

Giai đoạn 2006 - 2012 ngân sách nhà nước đã bố trí cho các chương trình, chính sách vùng dân tộc và miền núi với tổng kinh phí trên 54.770 tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn này, các chính sách đối với địa bàn vùng dân tộc và miền núi được thể chế hóa qua gần 160 văn bản quy phạm pháp luật gồm 14 Nghị định của Chính phủ; 40 Quyết định của Thủ tướng; 27 văn bản phê duyệt các đề án;…

Ngoài ra, trên cơ sở tình hình thực tế, các địa phương đã chủ động xây dựng và ban hành nhiều chính sách thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi. Trong đó nổi bật nhất là Chương trình 135 giai đoạn I. Chương trình này đã giải quyết được những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất, tạo đà cho khu vực dân tộc và miền núi, nhất là đầu tư hạ tầng cho các thôn bản đặc biệt khó khăn. Cùng với đó là Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện nghèo; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất; chính sách hỗ trợ định canh định cư…

Vùng khó đang chuyển mình

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách cho vùng miền núi và dân tộc, đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi: Sản xuất đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, cơ sở hạ tầng được nâng lên….

Giáo dục vùng cao đang chuyển mình mạnh mẽ Ảnh: Xuân Nam
Giáo dục vùng cao đang chuyển mình mạnh mẽ      Ảnh: Xuân Nam

Công tác giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số đạt nhiều kết quả tích cực, 99,5% số xã có trường tiểu học, 93,2% số xã có trường THCS, 12,9% số xã có trường THPT.

Mạng lưới y tế phát triển nhanh, hệ thống bệnh viện tỉnh, huyện và trạm y tế xã được quan tâm đầu tư, 99,39% xã có trạm y tế, 77,8% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đến năm 2011, có 94,2% số thôn đã có cán bộ y tế.

Văn hóa dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát huy. Hạ tầng kỹ thuật phát thanh truyền hình, thông tin liên lạc được quan tâm, hiện phủ sóng phát thanh trên 90% và phủ sóng truyền hình gần 80%, 98,7% số xã có bưu điện văn hóa.

Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật có chuyển biến tích cực, hệ thống chính trị được củng cố và ngày càng phát triển, nhất là hệ thống chính trị cơ sở.

Nhờ đó, tình hình chính trị - xã hội ổn định, an ninh - quốc phòng được giữ vững. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Để giải quyết cơ bản vấn đề đói nghèo, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, bố trí sắp xếp dân cư, thực hiện phát triển sản xuất bền vững. Trong đó, tập trung giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giải quyết tình trạng di dân tự do. Đảm bảo nguồn lực đầu tư cho các chính sách đã được ban hành, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí. Điều chỉnh lại cơ chế quản lý thực hiện chính sách dân tộc theo hướng xây dựng chương trình, chính sách tổng hợp, đa mục tiêu, dài hạn; khẩn trương bổ sung, sửa đổi chính sách chưa phù hợp, đặc biệt đề xuất chính sách nhằm giảm nhanh hộ nghèo theo hướng nhanh và bền vững.

 Như Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ