"Nhái" hoa quả, hàng hiệu

"Nhái" hoa quả, hàng hiệu

Gần đây, nhiều loại đặc sản Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ bị làm nhái, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng và danh tiếng. Không chỉ “làm nhái” hàng Việt, hàng Trung Quốc fake hàng hiệu cũng đang “hút khách”.

 

Đặc sản Việt bị “làm nhái”

Ngay khi nhãn lồng Hưng Yên sắp hết mùa thì tại Hà Nội vẫn tràn ngập loại đặc sản này. Tại các chợ đầu mối như chợ Long Biên, chợ Ngã Tư Sở không khó để bắt gặp những đại lí bán hoa quả treo biển bán nhãn lồng Hưng Yên. Về giá cả, 1 kg nhãn lồng Hưng Yên có giá bán tại vườn là 40 - 50 nghìn đồng/kg, nhưng trong các sạp hàng, gánh hàng rong tại Hà Nội, loại nhãn này chỉ có giá 25 - 40 nghìn đồng/kg.

Theo một số chủ kinh doanh hoa quả tại đây, hiện nay trên thị trường ngoài thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên còn có các loại nhãn của miền Nam, nhãn của các tỉnh miền núi phía Bắc (Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Bắc Giang…) và đặc biệt là nhãn Trung Quốc.

Nhãn Trung Quốc phải vận chuyển xa nên thường phải sử dụng các loại hóa chất để bảo quản nên vỏ quả mỏng, có màu sáng bóng, trái rất to, mọng. Nếu nhìn bằng mắt thường bên ngoài thì các bà nội trợ rất khó có thể phát hiện được nhãn nào là nhãn Trung Quốc và nhãn nào là nhãn Hưng Yên “xịn”. Do đó, nếu nhãn chỉ có giá khoảng 30 nghìn đồng/kg thì chắc chắn đó là nhãn “nhái”.

Trên thị trường hiện nay cũng đang xuất hiện một loại cam xuất xứ Trung Quốc, có kiểu dáng, kích thước và màu sắc giống hệt cam Canh. Loại cam nhái giống cam Canh đến mức, ngay cả những người bán hoa quả lâu năm cũng khó phân biệt.

“Canh nhái trông không khác gì cam Canh xịn, cũng có kích thước nhỏ vừa, vỏ mỏng, múi mọng và màu đỏ au. Chỉ khi bóc ra ăn mới phân biệt được vì loại cam Trung Quốc này có vị chua chứ không ngọt như cam Canh”- Một chủ đầu mối hoa quả tại chợ Long Biên cho biết.

Gạo Tám Xoan Hải Hậu, gạo Điện Biên là một trong những đặc sản nhiều người tiêu dùng biết đến. Thế nhưng,  không ít các bà nội trợ lại gặp phải tình trạng khi mua các loại gạo đặc sản như Tám Xoan, Điện Biên… thì hạt gạo có mùi rất thơm nhưng khi về nấu thì không còn giữ được mùi thơm hoặc để cất trong thùng vài ngày thì mùi thơm bị mất dần. Nhiều người tiêu dùng phản ánh, muốn mua được đúng loại gạo “chính hãng” rất khó.

Lí giải về tình trạng này, chủ một đại lí gạo ở chợ Long Biên cho rằng: Việc mua một loại gạo đặc sản ở cùng một đại lí nhưng chất lượng nấu lên không hề giống nhau rất có thể là do các chủ cửa hàng đã lợi dụng lòng tin của khách quen để pha trộn các loại gạo thường vào gạo đặc sản. Chính việc làm này đã làm mất đi thương hiệu của gạo Việt Nam và đẩy nhiều người tiêu dùng đến việc lựa chọn mua gạo Thái Lan tại các siêu thị.

Hàng hiệu ế, hàng fake lên ngôi

Một số thương hiệu thời trang lớn trên thế giới như: Moschino, LV, Hermes, Prada, CK, Dolce & Gabbana, Chanel, Christian Dior, Fendi… đến các thương hiệu “bình dân” H&M, Charles & Keith, Nine West, Zara, Mango… đều có chi nhánh phân phối và góp mặt trong các trung tâm thương mại lớn ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời kì “thắt lưng buộc bụng”, nhiều showroom hay trung tâm thương mại lớn đều ế ẩm.

Sau nhiều vụ việc, các showroom chính hãng cũng có tình trạng “vàng thau lẫn lộn” bán hàng fake cùng với hàng hiệu “xịn” càng khiến người tiêu dùng mất lòng tin. Tuy nhiên, tại các cửa hàng xách tay, hàng fake vẫn đắt khách bởi nhiều người “biết hàng fake vẫn… xài”.

Từ vài năm trở lại đây, con phố Nguyễn Sơn đã được mệnh danh là “thiên đường hàng hiệu”. Phố Nguyễn Sơn lại có lợi thế khi nằm ngay cạnh nhiều cơ quan của Hàng không Việt Nam và trung tâm của đoàn tiếp viên hàng không. Do đó, dễ hiểu vì sao hàng “xách tay” lại qui tụ nhiều nhất ở đây.

Nhiều “khách sộp” mua sắm tại phố Nguyễn Sơn cũng tỏ ra nghi ngờ chất lượng của hàng “xịn” bán tại đây vì nhiều chiếc túi, giầy dép “xịn” có đính nhãn mác LV, Chanel với giá bán hàng chục triệu đồng còn lộ rõ đường chỉ thừa, mác đính lệch… Bỏ ra vài triệu đồng mua một chiếc túi nhưng chất liệu da lại “na ná” hàng Trung Quốc rẻ tiền. Đến khi đem đến showroom chính hãng để “đọ” thì khác nhau một trời một vực.

Tuy nhiên, không ít cửa hàng bán đồ xách tay vẫn công khai bán các loại hàng fake từ “giống đến 99%” với mức giá vài triệu đồng cho đến loại “bình dân” chỉ vài trăm nghìn đồng. Người bán hàng đều quảng cáo hàng fake có xuất xứ từ Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc… nhưng theo “bật mí” của chị Thanh Hà - Chủ cửa hàng quần áo, mĩ phẩm xách tay đã giải nghệ, không phải hàng xách tay nào cũng có nguồn gốc từ Mỹ, Pháp, Singapore, Thái Lan…

Nhiều cửa hàng muốn kiếm lợi nhuận cao thường móc nối với các đầu mối chuyên đổ buôn hàng từ Quảng Châu (Trung Quốc). Hàng nhái sẽ được bán cùng với các mặt hàng “xịn” do tiếp viên hàng không mang về. Tại những khu chợ thương mại của Quảng Châu có rất nhiều các gian hàng chuyên buôn bán và sản xuất hàng mĩ phẩm, hàng thời trang “nhái” các hãng nổi tiếng Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu.

Ngay khi các thương hiệu thời trang có tiếng ra mắt dòng sản phẩm mới, bộ sưu tập mới thì trên thị trường cũng xuất hiện hàng nhái có mẫu mã y hệt. Nhiều xưởng gia công tại Quảng Châu chuyên “chế” các loại mác, tag sắt, mác giấy giống y hệt các hãng thời trang LV, Mango, Zara… Thậm chí, cả qui trình dập mác, đóng mã số logo hay đính mác sườn.. của các hãng “xịn” thế nào, hàng “nhái” cũng bắt chước y hệt.

Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng Việt Nam lại có tâm lí sính ngoại đến mức sẵn sàng bỏ ra gần 1 triệu đồng để mua một chiếc quần bò D&G, Just Cavalli dù biết “fake mười mươi”. Họ bất chấp xuất xứ của chiếc quần bò này từ một cơ sở may mặc gia công Trung Quốc và có chứa hóa chất gây hại cho cơ thể hay không trong khi, chỉ với mức giá 300 – 400 nghìn đồng là có thể mua được một chiếc quần bò “made in Vietnam” của các hãng Việt Nam xuất khẩu hay các thương hiệu Việt như Genova có chất lượng đảm bảo hơn.

Phát biểu tại buổi tọa đàm giữa Hải quan Việt Nam với các doanh nghiệp của Nhật Bản, một lãnh đạo cấp cao của Bộ Tài chính cũng thừa nhận, các cửa hàng kinh doanh hàng xách tay xuất hiện rất nhiều ở Hà Nội và Tp HCM trong khi không có bất cứ cơ quan chức năng nào tiến hành kiểm tra các sản phẩm này có đảm bảo là hàng nhập khẩu xách tay chính hãng hay không?

Trong khi cả nước oằn mình chống lạm phát, quản lí thị trường ngoại tệ, chống nhập siêu với những mặt hàng xa xỉ, hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thì hàng xách tay lộng hành sẽ ảnh hưởng tới các chính sách của Nhà nước và làm tha hóa một bộ phận cán bộ nhân viên hàng không, ảnh hưởng xấu đến an toàn bay, ảnh hưởng tới thương hiệu của chính các hãng hàng không... Chưa kể đến việc các sản phẩm nhái được gắn mác “xách tay” đang làm nguy hại đến quyền lợi của nhiều người tiêu dùng “sính ngoại”.

Theo VietQ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ