"Người Việt dùng hàng Việt": Thách thức trên sân nhà

"Người Việt dùng hàng Việt": Thách thức trên sân nhà

(GD&TĐ) - Nhiều năm qua, có một thực tế là năng lực sản xuất và cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa còn không ít yếu kém, thể hiện qua việc thị trường trong nước bị chi phối gần như hoàn toàn bởi hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, “ưu tiên dùng hàng Việt” đã thực sự là một xu hướng lựa chọn của ngày càng nhiều người dân.

Hàng Việt dần khẳng định vị thế

Đề cập đến kết quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” khi phát biểu khai mạc Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao 2013 mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa (Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động) đã nhận xét rằng: Mặc dù có rất nhiều khó khăn do kinh tế thế giới khủng hoảng, nhưng nhờ sự chỉ đạo đồng bộ, kịp thời của Đảng và Nhà nước, cùng sự phối hợp hiệu quả, tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, các Hội, Hiệp hội, đặc biệt nhờ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được toàn thể nhân dân Việt Nam hưởng ứng, thị trường trong nước đã giữ được tăng trưởng, cung - cầu các hàng hoá thiết yếu được đảm bảo.

"Người Việt dùng hàng Việt": Thách thức trên sân nhà ảnh 1
Hàng may mặc Việt Nam đang “lấy lòng” người tiêu dùng trên “sân nhà”

Các con số thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội năm 2012 đạt 2.324 nghìn tỷ đồng, tăng 16,0% so với năm 2011. Xu hướng tiêu dùng ”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng được củng cố, với tỷ lệ ấn tượng 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Có thể nói đây là minh chứng rõ ràng nhất do nhận định thương mại nội địa đã thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho hàng hóa Việt Nam, thúc đẩy sản xuất trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Thách thức đứng vững trên “sân nhà”

Nếu như hơn 4 năm trước, câu nói “doanh nghiệp Việt thua cả trên sân nhà” mặc nhiên được thừa nhận thì bây giờ tình hình đã khác. Với xu hướng tiêu dùng mới của người dân, cộng thêm việc hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc mất chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng do chất lượng kém và nhiều chất độc hại, đã nhanh chóng trao quyền kiểm soát thị trường vào tay doanh nghiệp nội địa.

Tiêu dùng thì vẫn không thể “đừng”, không thể “nhịn”, nên có lẽ vì một bộ phận người dân đã và đang dần tẩy chay với hàng hoá kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, nên hàng Việt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mới được lựa chọn nhiều hơn.

Thế nhưng, xu hướng tiêu dùng bao giờ cũng bị tác động của số đông và chỉ mang tính giai đoạn chứ không bền vững. Nếu không tiếp tục củng cố chất lượng sản phẩm, điều chỉnh giá hợp lý và có chiến lược tiếp cận thị trường, quyền kiểm soát thị trường chưa chắc đã giữ được lâu. Hiện Cuộc vận động vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn. Việc xây dựng và phát triển mở rộng hệ thống phân phối đòi hỏi phải có chiến lược bài bản và vốn đầu tư khá lớn, điều này gây trở ngại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam trong việc xúc tiến mở rộng thị trường. Vẫn còn một bộ phận người dân sính hàng ngoại; tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, các chương trình hành động của địa phương vẫn còn mang tính riêng lẻ, độc lập, chưa gắn kết nên chưa phát huy hết sức mạnh của các địa phương lân cận.

Để thấy rằng, bên cạnh những chỉ đạo đúng đắn, bên cạnh nỗ lực cạnh tranh của doanh nghiệp, dù gì, chính người tiêu dùng Việt cũng góp phần quan trọng để tạo nên sức mạnh cho các thương hiệu Việt.

Bắc Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ