"Người gàn dở" chơi đạo sắc phong

"Người gàn dở" chơi đạo sắc phong

(GD&TĐ) - Bạn bè trong Hội chơi sắc phong gọi anh là “thằng gàn dở” bởi bao nhiêu sắc phong quý anh dày công sức sưu tầm đều được mang đi… tặng. Với suy nghĩ, sưu tầm không phải để giữ cho mình mà trả về những nơi bản thân nó có thể phát huy hết giá trị lịch sử, thuận lợi cho nghiên cứu khoa học, anh đã mang tặng đa số các cổ vật, đạo sắc phong mình sưu tập được. Đó là anh Bùi Văn Quang, ở xã Mỹ Phúc ( Mỹ Lộc, Nam Định).

Thú chơi của kẻ... “ngoại đạo”

Anh Bùi Văn Quang hiện là cán bộ Công đoàn chuyên trách Sở Giao thông Vận tải Nam Định. Đến với thú chơi đạo sắc phong với anh là sự ngẫu nhiên, không có chút liên quan mật thiết nào trong công việc hiện tại anh đang làm, hay “nối nghề” của các vị tiền nhân.

Anh kể: “Nhân duyên giữa tôi và thú sưu tầm đổ cổ nói chung, đặc biệt là các đạo sắc phong nói riêng bắt nguồn từ cái Thạp cũ của gia đình còn sót lại ở quê. Quê tôi vốn ở xã Liên Minh, (Vụ Bản, Nam Định), sau khi về dọn dẹp lại nhà cũ, thấy có cái Thạp còn sót lại với những chữ ghi ở trên như chữ Nho. Tôi không biết đọc loại chữ này, nên thấy tò mò và mang đi hỏi một số người cao niên ở khắp nơi trong tỉnh. Quá trình đó giúp tôi tìm hiểu thêm được nhiều thứ, dần dà hình thành nên sở thích sưu tầm đồ cổ của tôi bây giờ”. 

Hiện, bộ sưu tập đồ cổ của anh Quang khá đa dạng bao gồm các hiện vật từ các nền văn hóa Việt Nam như Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, Chăm..., đồ ký kiểu (sành sứ) từ thời nhà Nguyễn, các di sản Hán Nôm... 

Anh đặc biệt quan tâm đến những chiếu chỉ, sắc phong của các triều vua Lê, vua Nguyễn. Đối với các đạo sắc phong của nhà vua các triều đại này, anh cho biết có hai loại: Loại phong cho bách thần (nhân thần và thiên thần). Loại thứ hai là phong tước cho bách quan. Tùy loại giấy, hoa văn, cách viết... in trên sắc phong để biết sắc phong thuộc triều đại vua nào, phong cho những cấp nào. Giấy được dùng để viết đạo sắc phong là loại giấy Long đằng ám họa rồng 5 móng... Để phân biệt được chừng ấy thứ, đối với một người luôn tự nhận mình ngoại đạo như anh Quang cũng không phải dễ dàng. 

"Người gàn dở" chơi đạo sắc phong ảnh 1
Anh Bùi Văn Quang đang giới thiệu một sắc phong thần thời vua Tự Đức

Vì không biết chữ Hán Nôm nên trong quá trình đi sưu tầm anh buộc phải dùng một phương thức khác để có thể phân biệt được chúng. Đó là tìm hiểu các “dấu hiệu” in trên các đạo sắc phong. Muốn làm được vậy, anh phải không ngừng tìm đọc sách vở, các tài liệu trên internet và nhờ bạn bè, những nhà nghiên cứu tại các trường, Viện Bảo tàng giúp đỡ thêm để có thể hiểu nội dung của các đạo sắc phong viết gì. Anh Quang cũng chia sẻ, bây giờ khi công nghệ thông tin đã phát triển, việc tìm mua các đạo sắc phong dễ dàng hơn trước rất nhiều. Bên cạnh đó, những người chơi đạo sắc phong trong cả nước hình thành nên Hội chơi sắc phong. Những người trong hội có mối liên kết chặt chẽ, khi tìm ra được một đạo sắc phong có thể thông báo trên mạng hoặc qua điện thoại. Thành viên nào có nhu cầu mua lại, đổi chác đều thuận tiện. Tuy vậy, cũng không hiếm các cổ vật, đạo sắc phong anh tìm được đòi hỏi công sức, thời gian sưu tầm kỳ công. Và cũng không hiếm những lần “mua nhầm”.

Góp phần tạo nên giá trị lịch sử

Ngày 12-4-2013, Đền Bảo Lộc, (Mỹ Phúc, Mỹ Lộc) tiếp nhận một đạo sắc phong cổ quý hiếm do vua Thiệu Trị triều Nguyễn ban cho vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn vào năm 1845. Về nội dung, đây là sắc phong cho Hưng Đạo thượng đẳng thần thêm 2 mỹ tự là “Vĩ liệt”. Sắc phong có hình chữ nhật, kích thước 121x50cm, được làm bằng chất liệu giấy dó mịn màu vàng đậm, ở riềm đã bị mối, mọt và rách. Mặt trước gồm 2 phần: riềm sắc phong rộng 4cm trang trí văn triện; mặt sắc phong vẽ hình rồng ẩn trong mây, kết hợp hoa văn sóng nước...”. Đây chỉ là một trong nhiều đạo sắc phong trong quá trình sưu tầm, anh Quang tìm được và hiến tặng lại khắp nơi. 

Bạn bè trong hội chơi sắc phong của anh Quang đôi khi gọi đùa anh là “thằng gàn dở” bởi bao nhiêu sắc phong quý anh bõ công sức sưu tầm đều được mang đi tặng. Với suy nghĩ, sưu tầm không phải để giữ cho mình mà trả về những nơi bản thân nó có thể phát huy hết giá trị lịch sử, thuận lợi cho nghiên cứu khoa học, anh Quang gần như mang tặng đa số các cổ vật, đạo sắc phong. Anh Quang tâm sự, không nhớ hết mình đã sưu tầm được bao nhiêu chiếu chỉ, sắc phong, tặng cho bao nhiêu nơi. Còn chưa kể đến số lượng hiện vật cổ quý giá anh tìm được trong nhiều năm rồi cũng mang đi... tặng. 

Một số cổ vật quý hiếm anh mang tặng có thể kể đến như viên gạch thời Lý có ghi dòng chữ Lý Gia Đệ Tam Đế Chương Thánh Gia Khánh thất niên tạo, có niên đại 1065. Hiện vật thứ hai là tờ địa bạ liên quan đến đất đai, có niên đại 1937 cho bảo tàng Nhân học. Anh cũng tặng Bảo tàng Đà Nẵng (nằm trong khuôn viên di tích quốc gia thành Điện Hải) bản sắc phong chức cho một vị quan trấn giữ thành Điện Hải. Năm 2011, anh tặng Bảo tàng Nam Định một bức sắc phong thời Hậu Lê niên hiệu Đức Long thứ 4 (1632), để lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị... Ngoài ra các bảo tàng khác như Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Hưng Yên, nhiều dòng họ trong cả nước cũng gửi lời cảm ơn đến anh Quang vì những cổ vật mà anh mang hiến tặng. Cho đến nay, anh đã hiến tặng được 60 đạo sắc phong trên phạm vi cả nước.

Có người bảo anh, đồ quý như vậy, sao không mang đi bán. Bán một trong những thứ ấy có thể mua được nhà, được xe ô tô đẹp. Nghe xong anh cũng chỉ biết… cười, bởi cái tâm chơi đồ cổ của anh chỉ luôn mong mọi người cùng được chiêm ngưỡng, nghiên cứu và qua đó có thể hiểu rõ được những giai đoạn lịch sử nước nhà. 

Thú chơi cổ vật và sắc phong, theo anh Quang khá tốn kém. Để phục vụ cho niềm đam mê chơi cổ vật, có nhiều khi mấy tháng lương liền anh không đưa được cho vợ con đồng nào. Với đồng lương viên chức hàng tháng, anh Quang nói thêm, không đủ để mua được một đạo sắc phong. Nhưng nhiều khi do “nhân duyên”, có cái được bạn bè tặng “không” hoặc đổi bằng những thứ mình đang có, bộ sưu tập cổ vật của anh và những nơi anh hiến tặng cũng dày thêm. Có người bảo anh, đồ quý như vậy, sao không mang đi bán. Bán một trong những thứ ấy có thể mua được nhà, được xe ô tô đẹp. Nghe xong anh cũng chỉ biết... cười, bởi cái tâm chơi đồ cổ của anh chỉ luôn mong mọi người cùng được chiêm ngưỡng, nghiên cứu và qua đó có thể hiểu rõ được những giai đoạn lịch sử nước nhà. Không ít lần, anh mang tặng cổ vật, sắc phong mà bị hiểu nhầm, nghi ngờ.

Có mối liên hệ với nhiều người chơi cổ vật, anh còn vận động họ có những cổ vật gì liên quan đến Nam Định thì “ưu tiên” lại. Năm 2011, anh vận động anh Lâm Dũ Xênh (thị trấn Châu Ổ, Bình Sơn, Quảng Ngãi), một người chơi đồ cổ, sắc phong có tiếng, tặng cho Bảo tàng Nam Định nhiều tư liệu về Nam Định, đặc biệt là bức sắc phong của vua Khải Định năm 1924 cho Tản Viên Sơn Tam Vị Quốc Chủ Thượng đẳng thần tại thôn Sung Lư Sưa, huyện Phong Doanh, tỉnh Nam Định (nay là làng Sưa, xã Yên Minh, huyện Ý Yên). Theo đánh giá của các chuyên gia, việc ban sắc phong cho thôn Sung Lư Sưa được thờ phụng Tản Viên Sơn Tam Vị Quốc Chủ Thượng đẳng thần mang nhiều ý nghĩa, tôn vinh những công lao của các vị anh hùng có công cứu nước giúp dân. Vì vậy, sắc phong này mang các giá trị lịch sử, văn hóa cần được tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu.

Minh Thứ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ