(GD&TĐ) - Họ xuất hiện đầy nóng bỏng và hấp dẫn trên các tấm áp phích treo quanh các trung tâm mua sắm, trên thân xe buýt. Họ không phải là những ngôi sao điện ảnh hay người mẫu thời trang: Họ là những "vua" và "hậu" trong danh sách "A" những gia sư nổi tiếng ở Hong Kong.
Khác với nhiều xã hội có "nền học thêm" nở rộ ở châu Á mà gia sư là một công việc âm thầm, tại Hong Kong gia sư tự đánh bóng và tiếp thị mình như trong ngành công nghiệp giải trí. Nhìn ở một khía cạnh nào đó thì gia sư giống như người bán hàng, muốn có nhiều khách thì phải tô điểm cửa hiệu và phục trang của mình. Để thu hút "khách hàng" nhất là giới trẻ thì người "bán hàng" cũng phải trẻ trung xinh đẹp. "Nếu bạn muốn trở thành một gia sư hàng đầu, điều cốt yếu là bạn phải trẻ trung và hấp dẫn. Học sinh nhìn vào bề ngoài của bạn" - Kelly Mok, 26 tuổi, một "nữ hoàng gia sư" tại trung tâm King’s Glory cho biết. King’s Glory là một trong những trung tâm gia sư lớn nhất tại Hong Kong. Tuy nhiên, Kelly Mok cũng khẳng định rằng để giữ chân học sinh là phải giúp các em nâng cao điểm số ở môn cô dạy là Anh ngữ.
"Nam vương" Richard Eng |
Nếu không có lợi thế sắc đẹp như phái nữ thì các thầy giáo gia sư phải tìm tới hình ảnh của những ngôi sao showbiz. Richard Eng vốn được coi là người đầu tiên mở ra trào lưu "gia sư ngôi sao" tại Hong Kong. Vốn là một thầy giáo trường cấp 2, Eng vụt trở thành một gia sư hút khách nhờ các chiêu câu "fan". Đăng hình quảng cáo với trang phục thời trang chứ không đạo mạo như hình ảnh người thầy đạo mạo đã đóng đinh trong đầu học sinh, Eng mở hẳn trang web giao lưu với học sinh và lập ra "fan club" với những buổi gặp gỡ tặng quà, tặng các mách nước để đạt kết quả cao trong thi cử...
Hiện tượng "gia sư ngôi sao" được coi là kết quả tất yếu của sự tăng trưởng chóng mặt ngành công nghiệp dạy thêm tại châu Á. Mà ngành công nghiệp dạy thêm này lại là sản phẩm của hệ thống thi cử nhiều sức ép và tham vọng của phụ huynh muốn con cái thi đậu vào những trường trung học hoặc đại học hàng đầu.
Hình ảnh quảng cáo của nữ gia sư Kelly Mok |
Ngành công nghiệp dạy thêm, hay "giáo dục trong bóng tối" như cách gọi của ADB, đã lan rộng tại châu Á nhờ vào sự nở rộ trường đại học và tăng vọt tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông học tiếp lên đại học. Không chỉ Hong Kong, gia sư đã lan rộng tại châu Á và ngày càng thương mại hóa. Tại Hàn Quốc, 90% học sinh tiểu học học các lớp học thêm như vậy.
Tại Hàn Quốc, Thái Lan, Sri Lanka và Ấn Độ, các trường dạy thêm cũng sử dụng "gia sư ngôi sao" để thu hút học viên. Tại Trung Quốc, nơi các trường tư còn là "bí mật" cho tới khi kinh tế mở cửa những năm 1990, New Oriental Education and Technology tăng trưởng trở thành một trong những trường dạy thêm lớn nhất châu Á với khoảng 2,4 triệu học sinh năm 2012. Cơ sở này tuyển 17.600 giáo viên tại 49 thành phố và mạng trực tuyến với hơn 7,8 triệu người sử dụng. Được niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2006, người sáng lập Michael Yu đã trở thành một triệu phú với gốc gác chỉ là một gia sư.
Hong Kong gần đây chuyển đổi từ hệ thống thi tương tự như GCSE và A-level thường được áp dụng tại Anh sang kì thi duy nhất cho học sinh 17 tuổi - càng khiến tình trạng học thêm bùng nổ. Một kì thi có ý nghĩa quyết định đỗ đại học đương nhiên tạo sức ép lên học sinh lớn hơn nhiều.
Bảo Chi (Tổng hợp)