Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu. |
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu: Mục tiêu của chính sách tiền tệ là ổn định giá trị tiền đồng và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống thanh toán, góp phần phát triển kinh tế.
Thế nên, việc ban hành Thông tư 13 là nhằm đáp ứng quá trình hội nhập đi từ thấp tới cao, tiến dần lên mức cao hơn. Do đó, người có lợi trực tiếp là tổ chức tín dụng, tiếp đến là toàn xã hội.
Theo quy định, khi làm thông tư sẽ lấy ý kiến của các tổ chức tín dụng, chúng tôi đã lấy ý kiến rồi và hoàn thiện theo thông lệ quốc tế. Một số chuyên gia còn phê bình NHNN một số tiêu chuẩn còn quá thấp. Do vậy, tôi khẳng định Thông tư 13 không phải quy định các tỷ lệ an toàn cao; dần dần thực hiện và từ ngày 1/1/2011 sẽ còn cao nữa.
Tôi khẳng định, ban hành Thống tư 13 là từng bước xây dựng hệ thống ngân hàng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Một số tổ chức tín dụng thắc mắc về Thông tư 13, tôi lý giải như sau:
Thứ nhất là thời gian hiệu lực nhanh quá, tôi nghĩ không nhanh, một văn bản pháp lý dự thảo hàng năm nay, ban hành từ ngày 20/5, tới 1/10 mới có hiệu lực. Trong khi các văn bản quy phạm pháp luật tối thiểu là 45 ngày, còn đây tới 130 ngày.
Trong thông tư cũng chỉ đạo rõ ràng tới 30/6, tất cả các tổ chức tín dụng chạy thử theo các tỉ lệ an toàn mới xem có xuất hiện điều gì khó khăn không. Hiện tại, có ngân hàng đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện Thông tư 13.
Người ta cam kết lúc nào cũng để trên tài khoản 3.000 tỷ đồng với lãi suất thấp, rõ ràng đây là tiền thừa muốn gửi có kỳ hạn nhưng vì lý do gì đó, chứ không phải quy định sai. Tiền gửi không kỳ hạn có thể mất thanh khoản bất cứ lúc nào. Tiền gửi thanh toán cũng vậy, ngày trước không để trên tài khoản nhiều, giám đốc tài chính doanh nghiệp sử dụng triệt để, phần đó có thể đọng lại 5 - 7% trên tài khoản nhưng phần đó không bao giờ tính vào tỉ lệ an toàn.
Thứ hai, có ngân hàng phản ánh nhóm cam kết ngoại bản nên bỏ ra. Cam kết ngoại bản nằm trong tài khoản có rủi ro làm sao bỏ ra được. Ví dụ, một số tập đoàn có bảo lãnh bên ngoài, cái đó là rủi ro, tất cả các bảo lãnh ngân hàng thì bỏ ra là không hợp lý, đây là điều mà quy định cũ không lường hết.
Thứ ba, có ngân hàng thắc mắc tại sao không quy định nguồn vốn tự có và nguồn vốn huy động, nay mai tôi sửa, ngoài nguồn vốn tự có và nguồn vốn huy động. Ai cấm sử dụng vốn tự có để kinh doanh?
Thứ tư, về tiền gửi, ngay từ đầu làm thông tư chúng tôi cũng phân vân lắm. Theo quy định, tiền gửi kho bạc mở tại NHNN, nếu không thuận tiện thì gửi ngân hàng thương mại, bởi như thế là cơ động. Trong luật mới, tiền gửi kho bạc phải mở tại NHNN, còn trong trường hợp không thuận tiện sẽ do NHNN quy định.
Hiện nay có 56.000 tỷ đồng gửi tại ngân hàng thương mại, so với đầu năm tăng 8.000 tỷ đồng, tăng khá đột biến nhưng không ổn định, vì nếu giải ngân nhanh sẽ giảm xuống ngay. Dứt khoát các dòng tiền này phải được quản lý chặt chẽ. Tết vừa rồi kho bạc rút nhanh 20.000 tỷ đồng, ngân hàng mất thanh khoản, NHNN không xử lý nhanh thì nguy hiểm…
Trung Dũng