"Không để các khó khăn là trở ngại của sự phát triển"

"Không để các khó khăn là trở ngại của sự phát triển"

(GD&TĐ) - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu ý kiến tại Hội nghị giao ban các Sở GD&ĐT vùng I lần thứ hai năm học 2010 – 2011, diễn ra sáng nay ngày 3/4/2011 tại thành phố Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn). Hội nghị có sự tham dự của ông Tô Hùng Khoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Trần Công Phong – Chủ tịch Công đoàn GD Việt Nam; lãnh đạo Văn phòng, các Vụ, Cục chức năng Bộ GD&ĐT; lãnh đạo Sở, đại diện các phòng, ban chức năng, Công đoàn GD của 15 Sở GD&ĐT thuộc vùng thi đua số I.

Khắc phục cơ bản tình trạng học ca 3

Năm học 2010 – 2011 diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng và suy giảm kinh tế thế giới diễn ra phức tạp và gay gắt, giá cả có nhiều biến động ảnh hưởng đến nền kinh tế và đời sống của nhân dân. Cả 15 tỉnh miền núi phía Bắc thuộc vùng thi đua số I còn bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, đặc biệt là đợt rét đậm rét hại kéo dài trước tết Tân Mão và đợt rét tháng 3 vừa qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều cơ sở GD; đặc biệt trong bối cảnh nhiều tỉnh trong vùng, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, các huyện, các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn còn nhiều.

Khắc phục các khó khăn đó, điều đáng ghi nhận là các Sở GD&ĐT trong vùng ngay từ đầu năm học đã có những định hướng chỉ đạo kịp thời để triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học phù hợp với đặc điểm của từng địa phương mình, trên cơ sở bám sát chủ đề “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, trong đó với đặc thù của vùng, công tác giáo dục tâm tộc được coi là trọng tâm và nhận được sự quan tâm đặc biệt ở tất cả các cấp, các ngành trong mỗi địa phương. Báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ học kỳ 1 và phương hướng học kỳ 2 năm học 2010 – 2011 do ông Bùi Đức Cường – Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên, đơn vị Trưởng vùng – cho biết một tín hiệu đáng mừng là mặc dù chịu sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới nhưng việc đầu tư cho GD&ĐT vẫn được Đảng và Chính phủ hết sức quan tâm, nhất là đối với các địa phương còn nhiều khó khăn như 15 tỉnh miền núi phía Bắc. Nhờ đó, hệ thống quy mô mạng lưới trường, lớp, quy mô học sinh tiếp tục phát triển đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để chuẩn bị cho năm học 2010 – 2011, các Sở GD&ĐT đã phối hợp với các ngành, các cấp chính quyền địa phương, các lực lượng xã hội tăng cường CSVC, trang thiết bị dạy học. Các cơ sở GD triển khai việc tu sửa CSVC, tăng cường xây dựng phòng học mới, sửa phòng học đã xuống cấp, bổ sung thiết bị, đồ dùng dạy học tập. Kết quả đến hết học kỳ 1, toàn vùng đã xây mới được 7.808 phòng học; sửa chữa được 6.145 phòng học. Nhìn chung cho đến thời điểm này, các tỉnh đã khắc phục được cơ bản tình trạng học ca 3.

Tuy nhiên ở một số tỉnh, trên địa bàn vùng sâu vùng xa vẫn chưa khắc phục được tình trạng thiếu phòng học (Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn...).

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Các cơ sở GD phải phát huy được quyền chủ động và vai trò tham mưu của mình.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Các cơ sở GD phải phát huy được quyền chủ động và vai trò tham mưu của mình.

Hiệu quả từ những sự đầu tư đúng hướng

Để tăng cường các nguồn lực xây dựng CSVC cho GD, các Sở GD&ĐT được triển khai Dự án THCS vùng khó khăn nhất đã đầu tư xây dựng phòng học, thí nghiệm, thư viện, phòng ở bán trú cho HS, giáo viên và công trình phụ trợ khác. Các Sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 – 2012, chương trình mục tiêu quốc gia về GD&ĐT. Trong số ngày, Quảng Ninh đã đi đầu trong 15 tỉnh miền núi phía Bắc khi hoàn thành kế hoạch trước 2 năm so với Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 – 2012 theo Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, 70% trường, lớp học trên địa bàn tỉnh đã được kiên cố hóa. Ngoài ra, các tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ... cũng được đánh giá là những tỉnh triển khai tốt Đề án.

Các Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo đầu tư để mua sắm thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập ngay từ đầu năm học từ cấp mầm non trở đi; bên cạnh đó thực hiện cung ứng sách phát cho giáo viên, HS thuộc diện chính sách và HS thuộc xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, sách cho thư viện trường phổ thông, sách đổi mới chương trình GD mầm non.

Bên cạnh việc tăng cường đầu tư CSVC, thiết bị trường học, các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn cũng được các Sở GD&ĐT đẩy mạnh. Đặc biệt phải kể đến cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và phong trào “3 đủ” đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng GD, thu hút HS đến lớp, khắc phục và giảm thiểu tình trạng HS bỏ học (số HS phổ thông trong toàn vùng bỏ học học kỳ 1 so với đầu năm học là 8792/186.978, chiếm 0,4%, giảm 0,11% nếu so với cùng kỳ năm học 2009 – 2010 có tỷ lệ HS bỏ học là 0,51%). Học kỳ 1 năm học 2010 – 2011 cũng ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực của GD 15 tỉnh thuộc vùng thi đua số I như chất lượng GD ngày càng được củng cố, tỷ lệ HSG ngày càng tăng, đặc biệt kết quả kỳ thi chọn HSG quốc gia lớp 12 năm học này của cả vùng có 398 HS đạt giải HSG quốc gia, các tỉnh không thường xuyên xuất hiện trên danh sách các tỉnh có HSG quốc gia như Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La cũng có HS đoạt giải HSG quốc gia trong kỳ thi vừa qua. Đó là sự khẳng định không thể tốt hơn về chất lượng GD mà các tỉnh trong vùng đã và đang đạt được.

Trường bán trú và HS bán trú – Một trong những vấn đề “nóng”  

Thực hiện đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, cung ứng SGK và TBDH, xây dựng trường bán trú, chế độ cho HS bán trú, chế độ và định mức trong đề án dạy học 2 buổi/ ngày, Đề án thí điểm dạy tiếng Anh ở tiểu học, phổ cập GD mầm non 5 tuổi, xúc tiến thành lập phòng GD Dân tộc, chế độ chính sách thu hút cho giáo viên tình nguyện ở lại vùng sâu vùng xa sau 5 năm... là những vấn đề được đại diện các Sở GD&ĐT nêu ra trong nội dung thảo luận của Hội nghị. Trong đó, với đặc thù của vùng (về dân cư, về đại bàn), vấn đề trường bán trú và HS bán trú một trong những vấn đề tập trung các ý kiến kiến nghị nhất. Hầu hết các ý kiến kiến nghị, đề xuất đã được đại diện các Vụ, Cục chức năng của Bộ GD&ĐT giải đáp thỏa đáng hoặc ghi nhận ngay tại Hội nghị.

Ghi nhận tại Hội nghị cho thấy hầu hết các ý kiến đều đề xuất Bộ GD&ĐT nghiên cứu, bổ sung Quy chế hoạt động của trường phổ thông bán trú theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02/8/2010: đưa học sinh THPT vào đối tượng được hưởng chế độ bán trú để tạo điều kiện cho những HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn có điều kiện tiếp tục theo học.

Về chế độ HS bán trú, theo Quyết định 85/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ HS bán trú: “đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ: HS bán trú đang học tại các trường phổ thông DT bán trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các trường tiểu học, trường THCS công lập khác ở vùng này do nhà ở xa trường, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày”. Ý kiến của đa số lãnh đạo các Sở GD&ĐT cho biết học sinh TTGDTX và THPT ở các vùng này không được hưởng chế độ như các đối tượng trên; do đó đề nghị thêm đối tượng được thụ hưởng chế độ chính sách HS bán trú các trường THPT, học viên bán trú các TTGDTX.

Liên quan đến tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú,  một số ý kiến cũng đề nghị cần quy định rõ định mức biên chế nhân viên nuôi dưỡng HS, với đề xuất điều chỉnh bổ sung định mức 1 nhân viên nuôi dưỡng trên 50 HS...

Các cơ sở GD phải phát huy được quyền chủ động của mình


Phát biểu kết luận Hội nghị, bên cạnh việc ghi nhận các kết quả đạt được của GD&ĐT 15 tỉnh vùng 1 cũng như những ý kiến đề xuất, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã trao đổi về các vấn đề nổi cộm như: việc thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, chế độ chính sách cho giáo viên vùng khó, việc đánh giá giáo viên và cán bộ quản lý, biên chế giáo viên cho các trung tâm học tập cộng đồng, vấn đề trường bán trú, xây dựng điểm trường... Thứ trưởng lưu ý chủ động vẫn là ở các địa phương với sự tham mưu của các cơ sở GD, tùy theo tình hình và điều kiện địa phương mình.

Về vấn đề kiên cố hóa trường lớp học đã đạt được một số kết quả ban đầu nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng hết yêu cầu. Về vốn đầu tư, các địa phương cũng phải có sự chủ động trên cơ sở kinh phí Trung ương cấp và khả năng có thể của địa phương để phục vụ nhu cầu GD. Việc luân chuyển giáo viên ở vùng khó cũng phải có sự chủ động của các địa phương, nhưng tinh thần vẫn là ổn định hơn luân chuyển. “Ổn định đội ngũ là giải pháp trước hết, bên cạnh việc bảo đảm chính sách cho giáo viên công tác. Các Sở GD&ĐT phải nghiên cứu cụ thể về vấn đề biên chế, về nhu cầu công tác của giáo viên để giữ vững được sự ổn định của cơ sở GD, nhưng phải bảo đảm được việc công bằng trong luân chuyển và chế độ chính sách cho giáo viên vùng khó”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lưu ý.

Đối với đề án dạy học ngoại ngữ, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ giảng dạy đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh cho tiểu học. Đây là vấn đề khó khăn chung của cả nước, nhưng Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương bằng mọi cách khắc phục khó khăn, cố gắng thúc đẩy nhanh việc đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai hiệu quả đề án, với mục tiêu đưa năng lực ngoại ngữ của HS nói riêng, người Việt Nam nói chung sớm đạt được tầm khu vực, hướng tới mục tiêu 2020 thanh niên Việt Nam có thể nói và viết được tiếng Anh. Chuẩn giáo viên, chuẩn chương trình đã có, Thứ trưởng yêu cầu địa phương nào đáp ứng được các “chuẩn” này, nhất là về chuẩn đội ngũ giáo viên, mới tiến hành triển khai; đặc biệt không nóng vội, không đốt cháy giai đoạn trong triển khai dạy học ngoại ngữ.

Về bố trí giáo viên phục vụ đề án, cũng như một số chương trình GD khác (như dạy học 2 buổi/ngày), Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng nêu rõ quyền chủ động cũng thuộc về cơ sở GD và phòng GD địa phương, trên cơ sở khả năng và điều kiện sẵn có của mình để triển khai hiệu quả.

Tính hết học kỳ 1 năm học 2010 – 2011, toàn vùng I có 2.156/9.074 trường mầm non và trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia (đạt 23,76%). Tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên là 2 tỉnh có tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia cao nhất vùng với tỷ lệ đạt trên 50%. 2 tỉnh có số trường đạt chuẩn quốc gia trên 30% là Quảng Ninh và Phú Thọ. Các tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia là: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu.

Nhất Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.