(GD&TĐ) - Nếu coi việc tuyển sinh theo phương án xét tuyển của 4 trường đại học ngoài công lập là tạo một cánh cửa chắc chắn vừa vặn cho các trường đại học trong mùa tuyển sinh năm nay, thì nhiều bạn đọc của báo GD&TĐ lại chỉ ra những “khe nứt” trên sản phẩm tưởng chừng đã hoàn thiện này.
Thiếu sót về đối tượng
Nhiều học sinh đã tốt nghiệp THPT nhưng thi trượt đại học, hay bạn đọc không có điều kiện để theo học nâng cao kiến thức, nay có nguyện vọng được vào học trong giảng đường đại học băn khoăn không biết mình có phải đối tượng xét tuyển của các trường đại học trên hay không? Và nếu đã xét tuyển, thì với bậc cao học, tiến sĩ tại các trường này thì như thế nào?
Bạn đọc Lê Thị Thúy Hạnh (lehan...@gmail.com) chia sẻ: “Đọc phương án tuyển sinh của 4 trường trên mà thấy hoang mang. Tôi thi trượt đại học 3 năm rồi, và năm nay vẫn muốn thi tiếp để thử sức. Vậy tôi phải làm thế nào để có thể đáp ứng được tiêu chí xét tuyển của các trường trên? Trong thực tế, chương trình học và cách thi cử qua mỗi năm, mỗi thời kỳ đều không giống nhau. Chẳng lẽ các trường lại bố trí thêm một kỳ thi xét tuyển dành cho những đối tượng như tôi?”.
Bạn Vi Thị Hoa (vihoa...@gmail.com) đề xuất: “Nên có nhiều kỳ xét tuyển trong năm để phù hợp với nhiều đối tượng. Ví dụ như xét tuyển tháng 7 với đối tượng vừa tốt nghiệp THPT. Xét tuyển vào tháng 11, tháng 3 với các đối tượng khác. Hình thức xét tuyển cũng cần phong phú hơn, như: Trình độ học vấn căn bản, khả năng tiếp thu, có thời gian biểu phù hợp với thời gian đi học, có đủ khả năng tài chính để theo suốt khóa học và thêm một vài tiêu chí khác...”
Áp thước đo nào?
Theo nhiều bạn đọc, dù là thi tuyển hay xét tuyển cũng đều cần một mốc đo, Bạn đọc Mai Hạnh (tranmai@...vn) chỉ rõ: “Có một điểm còn thiếu sót trong các phương án này. Mà đây lại là chìa khóa để chốt chất lượng. Đó là tiêu chí lấy từ trên xuống. Tôi nghiên cứu giáo dục nhiều năm, cũng làm công tác quản lý, tôi chưa thấy một thước đo nào mà không có chuẩn. Dường như các trường đưa ra phương án xét tuyển mới chỉ quan tâm đến số lượng thí sinh vào học mà chưa chú ý đến chất lượng người học”.
Còn bạn đọc Nguyễn Hùng Cường (hungcuong...@vnn.vn) cho rằng “chỉ bỏ kì thi tuyển đại học khi nào có một mối tương quan chặt chẽ giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đại học. Vấn đề chính hiện nay là chúng ta không có dữ liệu đầy đủ về mối tương quan giữa hai kì thi tốt nghiệp trung học và thi tuyển đại học”.
Lấy thước đo kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển thí sinh vào đại học là khập khiễng. “Mục đích của kỳ thi tuyển sinh ĐH là để chọn người có năng lực học tập vào học ở bậc cao. Còn kỳ thi tốt nghiệp THPT là để công nhận kết quả của một quá trình học tập. Do đó, nếu có ý định thay đổi mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT thì ta phải có lộ trình để xây dựng lại đề thi, cách làm bài, tiêu chí đánh giá… Không thể đùng một cái là đòi áp dụng ngay được” – Bạn Trịnh Hoài Nam (nam.hoaitr...@vnn.vn) kết luận.
Gia Hân (tổng hợp)