"Khát" phim truyền hình cho thiếu nhi

"Khát" phim truyền hình cho thiếu nhi

(GD&TĐ) - Vào mỗi dịp hè, học sinh nào cũng háo hức chờ đợi những bộ phim dành cho thiếu nhi được chiếu trên các kênh truyền hình. Tuy nhiên, hè năm nay, tình trạng nghèo nàn đến mức khan hiếm các bộ phim trong nước dành cho thiếu nhi vẫn tồn tại dai dẳng như một điệp khúc buồn.

Thiếu kịch bản hay

Hiện nay đa phần các hãng phim gần như chỉ tập trung làm các phim thuộc thể loại hình sự, phim tâm lý xã hội… mà “quên” đầu tư cho phim thiếu nhi. Lý giải về việc không mấy mặn mà với phim thiếu nhi, tác giả bộ phim Phiêu lưu mùa hè, Sơn ca không hát - đạo diễn Nguyễn Minh Cao cho biết, làm phim thiếu nhi thì lịch quay của đoàn hoàn toàn phụ thuộc vào lịch học của các em. Nhiều phim tranh thủ quay cả vào ban đêm để buổi sáng các em còn kịp giờ đến lớp nên dẫn đến trường hợp phụ huynh bắt con em bỏ phim giữa chừng với lý do sợ các em không theo nổi. Cả đoàn phim phải thuyết phục gia đình, các em mới có thể đi hết vai diễn.

 Theo đạo diễn Chu Thiện, đoàn làm phim “Gia đình phép thuật” phải dành nhiều tháng trời để “săn lùng” cho ra 12 diễn viên chính và hơn 30 diễn viên phụ 5 - 15 tuổi. Tìm được diễn viên, cả đoàn vẫn thấp thỏm lo trong 2 năm thực hiện, “diễn viên lớn vượt tiêu chuẩn” lại phải tìm người thay thế. Tình trạng diễn viên lớn quá nhanh từng xảy ra với ê-kíp diễn viên thực hiện series phim “Kính vạn hoa” trước đó.

Thêm nữa, mảng kịch bản phim thiếu nhi vừa thiếu lại vừa yếu. Hiện không có tác giả chuyên viết cho mảng này vì thế mà nhân vật thiếu nhi toàn nói ngôn ngữ của người lớn. Đó là lý do khiến khán giả thường xuyên bắt gặp những nhân vật trẻ con có tính cách bà già bởi lời thoại của chúng do tác giả áp đặt. Cũng vì thế mà chính khán giả thiếu nhi cũng không hứng thú vì thấy phim xa lạ với lứa tuổi của mình.

Nữ đạo diễn Mỹ Khanh - tác giả của phim thiếu nhi Lục lạc huyền bí cho rằng, để viết kịch bản cần phải hiểu tâm lí và tìm được tiếng nói chung với trẻ. Đôi khi có những kịch bản viết ra rất hay nhưng không thể dựng phim được vì thực tế không phù hợp với tư duy trẻ thơ. 

Phim Đi qua mùa nắng
Phim Đi qua mùa nắng
 

Đạo diễn không mặn mà

Nhiều đơn vị sản xuất cho biết, làm phim thiếu nhi chẳng khác nào tham gia một cuộc phiêu lưu vì thực tế rất khó tìm được nguồn tài trợ. Trong khi đó, các nhà đài cũng viện lý do kinh phí ít nên chọn giải pháp chiếu các phim nước ngoài vào dịp hè để các em xem.

Đạo diễn Đỗ Phú Hải cho rằng, khó khăn chính của việc làm phim thiếu nhi là thiếu… kinh phí. Chi phí thực hiện một phim thể loại này thường cao hơn các đề tài khác, bởi ngoài chi phí diễn viên, đoàn phải trả thêm khoản phát sinh chi cho phụ huynh. Trong khi đó, phim thiếu nhi khó kêu gọi nhà đầu tư, do khả năng thu hút quảng cáo thấp. 

Đạo diễn Mỹ Khanh cho rằng một nguyên nhân khác khiến các đạo diễn ngại làm phim thiếu nhi vì diễn viên của loại phim này hầu hết là nghiệp dư, đang ở độ tuổi đi học. Chọn được diễn viên hợp vai, có khả năng diễn xuất tốt  chưa chắc gia đình đồng ý; rồi còn phải tránh thời gian học tập... Làm phim thiếu nhi, lượng phim quay tốn gấp nhiều lần so với phim người lớn với diễn viên chuyên nghiệp, trong khi kinh phí  thì có hạn... Đạo diễn “ngại”, kịch bản lại chẳng có (dở cũng hiếm, đừng nói đến hay) nên  phim thiếu nhi “mất hút” là chuyện dễ hiểu.

Quan tâm tới phim thiếu nhi không thể chỉ trông chờ vào các nhà đầu tư hay sự nhiệt tình của các nhà biên kịch, đạo diễn điện ảnh mà cần hơn tới sự quan tâm của các cơ quan quản lý điện ảnh. Đây cũng là một phần không thể thiếu trong kịch mục của điện ảnh nước nhà cần được sự ủng hộ và đầu tư thỏa đáng vì tương lai thế hệ trẻ.

Phải chăng, chúng ta đang thiếu hụt một loại hình nghệ thuật có tính định hướng nhân cách hấp dẫn và hậu quả là các em đang phải đối mặt với một môi trường văn hóa đang ô tạp. Nào là phim đen, bạo lực, game sex, facebook dâm ô… tràn lan. Và chừng nào còn thiếu phim thiếu nhi, thiếu những đề tài phim hấp dẫn, mang tính giáo dục, thẩm mỹ cao, thì hàng triệu trẻ em nước ta vẫn sống trong tình trạng “khát phim”.

Hải Đăng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.