PV: Có thể nói, dù chưa có kết quả chính thức nhưng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay nhìn chung là những dãy số “đẹp”. Điều đó làm hài lòng các nhà trường và gia đình cũng như bản thân HS. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn không biết có phải do bệnh thành tích hoặc do tiêu cực trong thi cử không, hay nói cách khác, cuộc vận động “Hai không” có phải đã nhạt phai dần?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển |
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tôi khẳng định rằng, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng là kết quả của cuộc vận động “Hai không”, không thể nói rằng nó đã nhạt phai. Các nhà báo cùng với Ban chỉ đạo thi có điều kiện tiếp cận thực tế và đều thấy nhìn chung, kỳ thi diễn ra rất nghiêm túc, an toàn, cho dù lực lượng thanh tra thi đã giảm thiểu đáng kể. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao là mong muốn của chúng ta, là thể hiện nỗ lực lớn của rất nhiều lực lượng, trong đó có sự chỉ đạo của Bộ, của các cơ quan quản lý và các ban ngành, tất nhiên có cố gắng cao của thầy và trò các nhà trường phổ thông.
Tôi cho rằng, nguyên nhân quan trọng của kết quả kỳ thi năm nay là do chúng ta đã quan tâm nhiều hơn đến việc phụ đạo học sinh yếu trong suốt quá trình dạy học, đặc biệt là khi “nước rút” đã kèm cặp ôn tập, bồi dưỡng cho những đối tượng có nhiều nguy cơ trượt tốt nghiệp. Đây cũng là bài học kinh nghiệm được rút ra từ các địa phương, đặc biệt là ở những vùng khó khăn. Có một điều đáng lưu ý, tuy tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhưng vẫn có sự khác biệt trong từng môn thi và tỉ lệ đỗ loại khá giỏi lại không có đột biến (năm 2009 là 11,3%, năm 2010 là 10,02%), điều đó chứng tỏ không có sự thả lỏng về kỷ luật thi cũng như về mức độ yêu cầu của đề thi. Mặt khác, ta cũng thấy tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng dần qua các năm: 2007: 59,59% (lần 1), 2008: 75,41% (lần 1), 2009: 86,28% và năm nay: 92,57% (từ năm 2009 không còn kì thi lần 2). Qua dãy số này thấy rõ kết quả thi năm nay là hợp lý, không phải là một thay đổi đột biến.
Có ý kiến cho rằng, tỉ lệ đỗ bao nhiêu là do những người tổ chức thi quyết định. Đó là một nhận xét võ đoán. Bộ không chỉ đạo tỉ lệ tốt nghiệp, và cũng không thể làm ra được tỉ lệ tốt nghiệp.
PV: Những đánh giá về kỳ thi của Thứ trưởng có vẻ như chỉ đúng với hệ THPT, còn GDTX thì không hoàn toàn như vậy, trong khi kết quả thi tốt nghiệp năm nay vẫn cao, có trường hợp cao bất thường?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tôi cũng không né tránh để nói rằng, kỷ cương ở GDTX chưa được như ở phổ thông. Và chất lượng cũng có yếu kém hơn. Nhưng không có nghĩa là chúng ta buông lỏng quản lý dạy, học và thi. Với đặc điểm này, hệ GDTX đã được các cơ quan quản lý quan tâm nhiều hơn, ví dụ tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng GDTX, tăng cuờng bồi dưỡng HS yếu, hướng dẫn ôn tập kỹ hơn. Hai năm triển khai phong trào xâydựng THTT-HSTC cũng tạo ra hiệu ứng tốt do đòi hỏi quan tâm đến đối tượng HS yếu. Do tập trung phụ đạo cho học sinh yếu mà GDTX có nhiều học sinh yếu hơn nên cũng có thể nói là GDTX “được lợi” nhiều hơn từ chủ trương này.
PV: Vậy, đánh giá chất luợng GD cần phải căn cứ vào những tiêu chí nào? Nếu căn cứ như vậy, Thứ trưởng có thể nói gì về chất lượng GD phổ thông hiện nay, qua kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa diễn ra?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đánh giá chất lượng GD trước hết phải căn cứ vào mục tiêu GD, đối chiếu với những gì mà học sinh có được qua học tập, rèn luyện mà trước hết là những kiến thức, kỹ năng (KT-KN) mà HS nắm được. Chuẩn KT-KN là sự cụ thể hoá một phần mục tiêu GD ở từng môn, từng lớp, từng cấp học ở mức tối thiểu. Chuẩn KT-KN cũng là căn cứ để ra đề thi, đánh giá mức độ cần đạt của đa số HS. Năm nay, Bộ đã ban hành tài liệu Huớng dẫn dạy học theo chuẩn KT-KN, và việc dạy học được quán triệt là phải bám sát hướng dẫn này, tức là coi chuẩn là yêu cầu tối thiểu (chứ không phải bám sát chuẩn), đối với học sinh có năng lực khá giỏi thì cần có yêu cầu cao hơn vừa sức từng em. Với căn cứ như vậy, có thể nói tỉ lệ tốt nghiệp năm nay đã phản ánh sát chất luợng GD. Đánh giá tuyệt đối là khó, phải căn cứ vào cả quá trình.
Thảo luận sau khi làm bài tốt nghiệp (ảnh: Internet) |
PV: Nhân bàn về thi, xin được nhắc lại về đánh giá ở cấp tiểu học. Có ý kiến cho rằng một số nơi có hiện tượng “phổ cập học sinh giỏi”. Ý kiến này liệu có phiến diện không?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Chắc chắn là phiến diện, bởi đó chỉ là kết quả xếp loại ở một trường hay một lớp nào đó mà thôi. Thống kê về xếp loại GD tiểu học năm học 2009-2010 đã cho thấy không có sự bùng phát HSG tiểu học. Hà Nội là địa phương phát triển về GD tiểu học mà tỉ lệ HS xếp loại giỏi chỉ là 50,64%; Hải Dương là tỉnh mạnh của GD vùng đồng bằng sông Hồng có 36% HSG, còn các tỉnh miền núi khó khăn thì tỉ lệ HSG ít hơn, cũng là điều dễ hiểu (Cao Bằng 15%, Đăk Nông 19%). Việc đánh giá ở tiểu học vẫn phải theo hướng chung là lấy chuẩn KT-KN làm căn cứ. Đó là một thách thức lớn với HS vùng khó, nhưng là yêu cầu khá dễ với HS vùng thuận lợi, đặc biệt là nơi học 2 buổi/ngày, hoặc với HS ở thành phố nơi có GV giỏi, HS khá và gia đình quan tâm đầu tư nhiều.
Nguyên nhân của ý kiến mà nhà báo vừa nêu có thể là do người đánh giá thiếu thông tin, có thể họ không hiểu hết về đổi mới đánh giá ở tiểu học năm nay (do mới ban hành nên không dễ được tiếp nhận rộng rãi, hoặc cố tình không hiểu?). Quan điểm chung về đánh giá ở tiểu học là lấy động viên là chính, không tạo áp lực cạnh tranh, ganh đua; coi trọng sự tiến bộ và năng lực thực tế của các em (làm được gì, có học tiếp được không?). Đó là một quan điểm nhân văn, tích cực, tiến bộ. Vì thế mới lấy đánh giá cuối năm để xếp loại. Và để không thiệt thòi cho HS khi kết quả cuối năm bị thấp bất thường thì sẽ tổ chức cho các em được kiểm tra lại.
Phụ huynh cần hiểu đúng khái niệm HS giỏi ở tiểu học để không quá kỳ vọng ở con và gây sức ép căng thẳng cho con em mình.
PV: Việc đổi mới thi kiểm tra, đánh giá trong suốt quá trình dạy-học đã được tiến hành như thế nào và tác động ra sao đến đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng GD? Trong năm học tới, chắc Bộ sẽ tiếp tục có những cải tiến trong đánh giá để phát huy hiệu quả tích cực này, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: 2 năm học triển khai phong trào thi đua xây dựng THTT-HSTC đồng thời cũng là 2 năm đẩy mạnh hơn bao giờ hết việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá (KT-ĐG). Nhiều hội thảo sâu về vấn đề này đã được tổ chức, có tác dụng tốt đến nâng cao chất lượng dạy và học. Hướng chỉ đạo chung của đổi mới KT-ĐG là thông qua KT-ĐG để phát hiện, động viên tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS, cũng tức là đánh giá sự sáng tạo của GV. Đề thi, kiểm tra đã giảm những câu chỉ đòi hỏi học thuộc lòng, tăng dần câu hỏi yêu cầu khả năng phân tích, tổng hợp, so sánh, đánh giá của HS. Riêng với các môn KHXH, đề thi, kiểm tra đã ra theo hướng “mở” để các em có cơ hội bộc lộ suy nghĩ riêng của mình, thể hiện sự hiểu biết của mình một cách sáng tạo. Trong KT-ĐG cũng có kết hợp đánh giá của người dạy với tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau của nguời học, có nghĩa là HS cũng phải phát triển kỹ năng tự đánh giá, qua đó tăng cường khả năng tự học.
Tuy nhiên, việc đổi mới KT-ĐG cũng còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, trong những năm học tới đây, Bộ sẽ tiếp tục thúc đẩy việc đổi mới KT-ĐG ở mỗi nhà trường, tăng cường tập huấn năng lực KT-ĐG cho GV, từ đó tác động trở lại với quá trình đổi mới phương pháp dạy - học, nâng cao chất luợng GD.
Trong thời gian tới, Bộ cũng dự kiến phục hồi Trung tâm đánh giá kết quả học tập thuộc Viện KHGD Việt Nam. Việc chỉ đạo đánh giá HS định kỳ trên phạm vi toàn quốc (đánh giá ngoài) sẽ được triển khai, những năm qua công việc này đã được triển khai trong khuôn khổ một số dự án trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, Bộ cũng đang tích cực chuẩn bị tham gia vào quá trình đánh giá quốc tế với một số tổ chức như Đánh giá HS tiểu học các nước nói tiếng Pháp, tham gia Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA…
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.
Nguyễn Thị Trâm (Thực hiện)