(GD&TĐ) - Trong khi các nhà quản lý, nhà quy hoạch của Thủ đô đang ngày ngày phải đối mặt với bài toán làm thế nào để bảo tồn được di sản phố cổ, thì có một họa sĩ đã tìm ra một hướng đi riêng mà vẫn lưu giữ những hồn phố, hồn người, bằng cách “hóa thạch” những ngôi nhà, những con phố, cả cây cầu Long Biên lịch sử trong một dự án dài hơi mang tên “Hóa thạch sống”. Đó là họa sĩ Vương Văn Thạo, người vừa nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - tình yêu Hà Nội.
Đau đáu với ý tưởng bảo tồn phố cổ
Trong các câu chuyện của Thạo về mỹ thuật, luôn ẩn chứa một nỗi niềm đau đáu về phố cổ và những giá trị văn hóa của Hà Nội đang ngày bị mất đi. Còn nhớ năm 2006, có lần đang lang thang cùng anh quanh phố cổ, anh bảo: “Anh sẽ làm cái gì đó để lưu giữ lại những kiến trúc cổ đó”. Tưởng anh chỉ nói chơi, ai ngờ 8 tháng sau được anh mời đến dự buổi triển lãm mang tên “Hóa thạch sống” ở L’éspace, Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội. Ba mươi sáu ngôi nhà cổ bọc trong composite vẫn giữ nguyên được kiến trúc tổng thể cũng như dáng vẻ, sự rêu phong, cũ kỹ... đã thu hút rất đông công chúng đến xem. Đến với triển lãm này, người xem như được gặp, được hiện diện, được gần gũi với những biểu tượng văn hóa, những chứng tích lịch sử và những biểu trưng cho vẻ đẹp của con người Hà Nội xưa.
Thạo tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật năm 1995. Lúc mới ra trường, anh chuyên làm sắp đặt và vẽ tranh giấy dó. Năm 2001, triển lãm sắp đặt đầu tay của Thạo mang tên “Đất và nước” đã đoạt giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Được một thời gian, anh lại thích vẽ body trên sơn dầu. Nhưng dường như những thành công trên con đường nghệ thuật chưa làm anh hài lòng. Là một họa sĩ sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, trong anh luôn khát khao phải làm một cái gì đó để tri ân mảnh đất mình sinh ra. Vương Thạo ấp ủ ý tưởng “hóa thạch sống” những di sản văn hóa của Hà Nội bắt đầu từ năm 2004, nhưng dự án táo bạo đó cũng phải đợi đến 2 năm sau mới hoàn thành được. Những tháng ngày đó, người ta thấy anh chăm vẽ hơn, miệt mài lúc bên khung toan, lúc lại say sưa với giấy dó. Để thực hiện ước mơ, ngoài giờ vẽ, ngày ngày trên chiếc xe phân khối lớn lỉnh kỉnh đồ nghề, anh đi khắp các ngóc ngách của khu 36 phố phường để chụp ảnh. Gặp được ngôi nhà có kiến trúc lạ, anh chụp lại, có lúc cao hứng mang cả giấy ra phác thảo bằng chì. Mất mấy tháng trời đi và chụp, trong xưởng tranh của anh lúc này không biết cơ man nào là ảnh những ngôi nhà ống, mái nâu, cái thì cặp trên dây, cái để mặt bàn. Đến thăm thấy nhiều quá, tò mò hỏi anh chụp làm gì mà nhiều thế, anh chỉ tủm tỉm cười bảo đang biến ước mơ thành hiện thực. Bẵng đi vài tuần, thấy anh rủ sang Bát Tràng mua đất sét lại hỏi, anh cũng chỉ đáp lại bằng nụ cười thường trực trên môi. Trên đường về, anh mới tiết lộ mua đất về để làm khuôn đúc, anh bảo sẽ chọn trong hàng trăm bức ảnh lấy một số ngôi nhà có kiến trúc độc đáo nhất rồi nặn lại bằng đất, làm khuôn silicon rồi tô màu, trang trí đắp nặn sao cho giống y như nguyên mẫu cuối cùng, đổ trùm composite “trong suốt” lên để bao bọc lấy, tạo cảm giác như một khối hóa thạch, hay nói cho đúng hơn là “nhốt” những ngôi nhà cổ trong khối màu hổ phách với hai màu chủ đạo vàng, đỏ tuyệt đẹp. Mẻ đầu tiên anh làm 4 cái thì hỏng mất 3. Ngồi cà phê với anh, đã có lúc tôi bảo “anh như dã tràng xe cát”. Lúc đó, anh chỉ im lặng hút thuốc mắt dõi theo từng vòng khói, trong đầu nghĩ điều gì lung lắm. Lần thử nghiệm sau, anh gọi điện với giọng vui mừng, khoe đã tìm ra phương pháp làm “bật lên” được ý đồ của mình. Hỏi ý đồ gì, anh bảo: tại lần trước pha chế composite chưa chuẩn nên bị hỏng, các khối hổ phách bị mờ không trong như ý tưởng ban đầu. Anh còn bảo làm như vậy, những ngôi nhà thật có bị hư hại do thời tiết hay do con người cũng không sợ vì đây sẽ là một bản sao, chủ nhân của nó có thể nhìn vào đó để thiết kế lại.
Họa sĩ Vương Văn Thạo (trái), nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái |
Sau thành công của ngôi nhà ở phố Hàng Bạc, Thạo bắt tay vào việc “hóa thạch” 36 ngôi nhà cổ, đại diện cho 36 phố phường Hà Nội, cùng hóa thạch cầu Long Biên. Tiếp theo tháng 5 vừa qua, anh làm tiếp hóa thạch 36 cổng làng, đình, ngõ thuộc Hà Nội, gần là các cổng làng, ngõ dọc phố Thụy Khuê ven hồ Tây, xa là ở các vùng Nghĩa Đô, Hoàng Mai, Đông Anh, Hà Đông... Nhìn những ngôi nhà, cột điện gắn biển báo tên phố hoặc đánh số nhà nằm trong khối hổ phách với chi chít vết rạn, đem thắc mắc hỏi Thạo, anh bảo: Thực ra là anh cố ý đổ hóa chất nhằm tạo ra như vậy để lột tả rõ sự mâu thuẫn trong công cuộc phát triển của Thủ đô và khi nhìn vào thì khối bên trong qua vết rạn đó sẽ đạt tính thẩm mỹ cao hơn.
Cho đến nay, bộ tác phẩm “hóa thạch sống” của Vương Văn Thạo đã lọt vào Top 10 cuộc thi APB Foundation Signature Art Prize 2008, sau khi vượt qua 34 tác phẩm quốc tế khác do Bảo tàng Mỹ thuật Singapore (SAM) tổ chức. Hiện nay, bộ tác phẩm này đã thuộc quyền sở hữu của SAM và vẫn được bảo tàng danh tiếng này tổ chức triển lãm định kỳ hằng năm để giới thiệu đến công chúng Singapore, du khách thế giới về một cách nhìn, cách thể hiện và hơn cả là tình yêu của một họa sĩ trẻ dành cho quá khứ, hiện tại và tương lai của Hà Nội.
Ước mơ một bảo tàng ngoài trời
Gia đình Thạo, cả bố và mẹ anh không ai làm Mỹ thuật nhưng ông nội và ông ngoại của Thạo đều là những thợ lành nghề, chuyên đắp nổi những hoa văn trong các chùa chiền.
Ngay từ bé, Thạo đã tỏ ra là một cậu bé có năng khiếu hội họa. Được ông nội khuyến khích, hằng ngày sau giờ học chính, Thạo lại sang nhà ông xem ông đắp nổi những hoa văn cổ. Mọi thứ như được ngấm dần vào tâm hồn của cậu bé. Mười hai tuổi, Thạo đăng ký học vẽ tại Cung thiếu nhi Hà Nội, Thạo bảo: “Lúc đầu cũng thích và tò mò vì thấy ông nội đắp nổi những con rồng, con phượng rất tài tình, sau rồi đi học thầy, càng học càng thấy nó không còn là niềm vui nữa mà thực sự là đam mê”.
Ngõ phố cổ ở Hà Nội được "hóa thạch" |
Thạo sinh ra lớn lên tại làng Thanh Trì, ngôi làng nổi tiếng với món bánh cuốn đã đi vào ca dao :
Thanh Trì có bánh cuốn ngon
Có núi Ngũ Nhạc bên con sông Hồng
Phụ nữ trong làng ai cũng biết tráng bánh và bán bánh. Anh kể rằng: “Sáng nào cũng vậy, cứ 3 giờ sáng đã thấy mẹ và chị dậy quạt lò tráng bánh. Khi chuông đồng hồ điểm đúng 5 giờ, là mẹ cùng những người phụ nữ trong làng í ới gọi nhau quẩy thúng bánh đi khắp ngõ ngách Hà Nội để bán.
Anh đã lớn lên nhờ những thúng bánh đó nên khi nắm bắt được các công thức đổ composite chuẩn, anh nghĩ ngay đến phải làm một tác phẩm vừa mang tính đặc trưng của Hà Nội, vừa gửi gắm tâm tư của mình trong đó. Nghĩ là làm, Thạo bắt tay ngay vào và chỉ môt tuần sau tác phẩm đã hoàn thành. Nhìn tác phẩm “Gánh hàng rong” của anh, người xem nhớ ngay đến Hà Nội của 20 năm về trước, với những cụ bà áo nâu quẩy gánh khắp phố phường trong chiếc thúng chứa biết bao nhiêu đặc sản ẩm thực của Hà Thành từ bánh cuốn Thanh Trì đến cốm làng Vòng…
Tháng 8 vừa qua, Vương Văn Thạo vinh dự được nhận Giải thưởng “Bùi Xuân Phái – tình yêu Hà Nội”. Cuối cũng những cố gắng trong lao động nghệ thuật của anh đã được đền đáp xứng đáng.
Hỏi Thạo, sau giải thưởng có tiếp tục làm “hóa thạch” nữa không? Anh bảo: “Có chứ!”
Và giờ đây, sau buổi chiều vinh danh ấy, tôi và bạn bè anh lại thấy anh tiếp tục cần mẫn đi khảo sát Hà Nội để tiếp tục nuôi ý tưởng “hóa thạch” Hà Nội, hay nói cho đúng hơn là muốn thấy Hà Nội trở thành một bảo tàng ngoài trời, trong đó những ngôi nhà cổ sẽ là những tác phẩm nghệ thuật hiện đại sau khi được “hóa thạch”. Với cách làm này, Vương Văn Thạo tin tưởng quá khứ sẽ được sống trong hiện tại và cả trong tương lai.
Anh bảo rằng: “Với mỗi một con phố trong 36 phố phường, tôi chọn ra một ngôi nhà mang nét văn hoá truyền thống đặc trưng của Việt Nam và của phố cổ Hà Nội. 36 ngôi nhà sẽ đại diện cho 36 phố phường Hà Nội nếu được phủ composite sẽ là 36 viên kim cương khổng lồ, 36 điểm nhấn trong bản đồ du lịch hấp dẫn trong lòng phố cổ”.
Như một người nông dân, Thạo vẫn đang cần mẫn “cày xới”, vẫn mải mê canh tác trên những “thửa ruộng ý tưởng” của mình...
Hà An