(GD&TĐ) - Cụm từ “giờ học mở” đối với chúng ta có lẽ còn khá mới mẻ và xa lạ. Xưa nay, thường nghe đến kết thúc mở, cơ chế mở, đề mở… chứ “giờ học mở” thì hầu như rất ít thấy đề cập.
Trong bài viết nhỏ này, tôi mạo muội dùng khái niệm “giờ học mở” để nói về những giờ học được tổ chức khác với truyền thống, khác với những quy củ mà lâu nay chúng ta thực hiện như một thói quen.
Ở ta, dường như đã thành quy định, người thầy lên lớp là phải thực hiện đầy đủ tất cả các bước từ kiểm tra sĩ số, kiểm tra bài cũ, lời dẫn vào bài, giảng bài cho đến củng cố bài và hướng dẫn bài mới. Thiếu một bước coi như tiết học không thành công, không thực hiện một khâu coi như bài giảng chưa hoàn thành.
Quy trình dạy học này đảm bảo sự kĩ lưỡng, chỉn chu cho tiết dạy nhưng vô hình trung nó làm giảm khả năng sáng tạo, hạn chế sự thăng hoa của người thầy. Có những thầy khi dạy đến chỗ tâm đắc, muốn nói thêm nhưng lại sợ không kịp giờ, không đảm bảo quy trình nên không dám nói. Lại có những kiến thức học sinh đã biết cả rồi, lại được ghi rất rõ trong sách giáo khoa, nói lại đâm ra thừa, vậy mà vẫn không dám bỏ qua để nói cái khác.
Đa số thầy cô giáo của chúng ta lên lớp thường mong một tiết dạy chu đáo, suôn sẻ từ đầu đến cuối theo một công thức nhất định. Thành ra tiết nào cũng như tiết nào, nhàm chán đơn điệu. Ít khi nào nhìn thấy một sự bứt phá, vượt rào trong giờ dạy.
Có người còn máy móc tới mức thể hiện trước những điều này trong giáo án. Có lần xem giáo án của một bạn đồng nghiệp, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy trong đó ghi rất kĩ từ mục tiêu bài học, phương pháp dạy học, kiến thức cần ghi bảng, thậm chí thầy hỏi câu gì, trò trả lời như thế nào cũng được thể hiện cụ thể.
Cần tạo ra một khả năng mở, một cơ chế thông thoáng để người thầy tự do sáng tạo. |
Người thầy giáo cũng như nghệ sĩ. Tài năng của họ không thể phát lộ nếu cứ phải chịu bó buộc trong những quy định quá chặt chẽ, giáo điều. Cần tạo ra một khả năng mở, một cơ chế thông thoáng để người thầy tự do sáng tạo. Đôi khi trong một tiết dạy, thầy giáo chỉ cần hướng dẫn học sinh tìm hiểu thật sâu một hay hai vấn đề quan trọng thôi, phần còn lại có thể để các em tự tìm hiểu.
Thậm chí có thể bỏ qua những kiến thức trong sách giáo khoa để dành thời gian cho những kiến thức nâng cao hơn. Người thầy phải tùy cơ ứng biến trước những đối tượng học sinh khác nhau, phải linh hoạt sáng tạo, bỏ qua những gì là hình thức không cần thiết thì mới có thể tạo ra được sự hấp dẫn, lôi cuốn trong giờ dạy. Những giờ học không câu nệ tiểu tiết như thế tôi gọi là “giờ học mở”.
“Giờ học mở” còn là giờ học không kết thúc ở 45 phút theo quy định mà mở ra cho học sinh vô vàn cơ hội tự học. Điều này rất cần thiết cho các lớp năng khiếu, chuyên sâu. Một người thầy dù giỏi đến đâu trong vòng 45 phút cũng khó có thể truyền đạt hết những kiến thức sâu sắc nhất. Chính vì thế, cái quan trọng không phải là anh dạy cái gì. Cái quan trọng là anh có cung cấp được cho học sinh phương pháp tự học hay không.
Mấy hôm trước tôi có dự một giờ Toán của thầy Huỳnh Tấn Châu (Một thầy giáo rất giỏi ở Phú Yên). Đây là tiết dạy để lại nhiều ấn tượng đẹp. Người ta đánh giá cao thầy Châu ở nhiều mặt: kiến thức, bản lĩnh đứng lớp, kinh nghiệm sư phạm… Tôi hầu như không chú ý mấy đến những chuyện này. Tôi dồn sự chú ý của mình vào một điều khác. Trong tiết dạy, thầy Châu đã từ 2 bài toán cụ thể, hướng dẫn cho học sinh cách tự tìm hiểu nhiều bài toán khác.
Quan trọng hơn, thầy còn hướng dẫn học sinh cách tự sáng tạo ra những bài toán mới. Như vậy, từ một tiết học thầy Châu đã mở ra cho học sinh nhiều hướng nghiên cứu khác, hướng dẫn cho học sinh phương pháp tự học, khơi dậy trong các em niềm say mê toán học . Đây là điều mà chúng ta cần hướng đến để có thể đáp ứng được yêu cầu giáo dục trong thời đại năng động như hiện nay.
Nói như Thomas L. Fridman trong quyển “Thế giới phẳng” : “Kĩ năng đầu tiên và quan trọng nhất mà bạn cần có trong một thế giới phẳng là khả năng học phương pháp học”.
Nhiều người bảo tôi rằng: “Cái giờ học mở mà ông nói, hay thì hay thật đấy nhưng rất khó thực hiện”. Quả đúng là khó thật. Thay đổi một thói quen, một nếp nghĩ đã ăn sâu trong tâm trí không phải chuyện đơn giản. Nhưng nếu cứ thấy khó mà không chịu thay đổi thì đến bao giờ chúng ta mới tiến bộ được đây.
Hồ Tấn Nguyên Minh
Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên