(GD&TĐ) - Mới đây, dư luận ca thán về việc Sở GD&ĐT ở tỉnh nọ toàn bố trí cán bộ theo kiểu êkip; nghĩa là thân quen với ai thì bố trí người đó. Tới Sở, ngay khi “gõ cửa” trưởng phòng tổ chức cán bộ, không khỏi giật mình khi nhận ra vị trưởng phòng vốn là một giáo viên dạy văn ở một trường trung học phổ thông. Vị này từng được các đồng nghiệp và học sinh xếp vào hàng “mờ nhạt”, thiếu năng lực. Nói cách khác, chẳng có tố chất nào nổi trội để có thể làm cán bộ quản lý, chứ chưa nói tới một vị trí quan trọng là cán bộ tổ chức.
Tất nhiên nhiều người không hẳn đồng tình với ai đó cho rằng, “dân văn chương” mà bố trí làm cán bộ tổ chức là không phù hợp; vì ở thành phố khác cũng có một vị trưởng phòng cán bộ tổ chức rất có uy tín lại nguyên là giáo viên Văn ở trường lên. Còn việc một giáo viên thiếu uy tín ngay ở cơ sở mà lại được cất nhắc lên tới hàng trưởng phòng tổ chức như đã nói ở trên thì thật khó chấp nhận.
Ảnh minh họa/internet |
Trong thực tế, trường hợp sử dụng cán bộ theo kiểu “gặp đâu điền đó” không phải hi hữu. Nhiều cấp, nhiều ngành chỉ vì lợi ích cá nhân đã không lường trước được hậu quả sẽ như thế nào với kiểu đề bạt, bố trí cán bộ thiếu cân nhắc như vậy. Với lý luận của người đứng đầu Sở nọ: Cứ “hiền lành, lý lịch trong sạch” là được cất nhắc lên làm cán bộ tổ chức hay cán bộ thanh tra, liệu những cán bộ tổ chức, hay cán bộ thanh tra của họ có thực tài để sử dụng con người (với công tác tổ chức), để xem xét, đánh giá đúng người, đúng việc (với công tác thanh tra) hay không? Không những thế, còn có thể dẫn tới nguy hại cho công việc; như Bác Hồ đã từng ví von, người có đức mà không có tài thì “làm việc gì cũng khó, còn người có tài mà không có đức là vô dụng”.
Cổ nhân có câu “Dụng nhân như dụng mộc” ý nói rằng, việc dùng người cũng như người thợ mộc phải biết dùng các loại gỗ để làm nhà cửa, để đóng đồ đạc. Không thể tùy tiện mang loại gỗ làm cột, làm xà để làm hàng rào, tường vách và tất nhiên cũng không thể dùng loại gỗ tạp để làm cột, làm xà… Dùng gỗ mà sai thì vừa phí phạm, mà không khéo lại sập cả nhà. Kinh nghiệm giản dị mà thiết thực của cha ông chẳng phải là bài học quý cho hậu thế hay sao?
Thiết nghĩ, với cấp lãnh đạo, cấp quản lý khi tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nên đi vào điểm mấu chốt, đó là học tập tư tưởng của Bác về cán bộ và sử dụng cán bộ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở các cấp, các ngành: “Phải cân nhắc cán bộ cho đúng và phải dùng cán bộ cho khéo”, “Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc”, “nếu cân nhắc không cẩn thận không khỏi đem người chỉ nói mà không làm vào những địa vị lãnh đạo, như thế rất có hại”. Đó chính là di sản vô giá về công tác cán bộ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại!
Hồng Thúy