"Đổi mới – Để không thụt lùi"

"Đổi mới – Để không thụt lùi"

(GD&TĐ) - Để đào tạo nên đội ngũ giáo viên tương lai đáp ứng các yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay, các trường sư phạm luôn phải đi trước một bước trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo… Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội cũng không nằm ngoài xu thế đó. GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường xung quanh vấn đề này.

Hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo, toàn ngành giáo dục đang quyết liệt thực hiện các biện pháp đổi mới phương pháp dạy học. Là nơi đào tạo nên đội ngũ giáo viên tương lai, các trường sư phạm chắc chắn cũng không thể không thực hiện nhiệm vụ đổi mới này. Xin ông cho biết những hướng đổi mới phương pháp giảng dạy cụ thể mà Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội đã thực hiện trong thời gian vừa qua? 

"Đổi mới – Để không thụt lùi" ảnh 1
TS Nguyễn Văn Tuấn

Chúng tôi luôn nhận thức rõ rằng các trường sư phạm phải luôn đi trước một bước trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, bởi chất lượng đào tạo các thầy cô giáo tương lai có tính chất quyết định đối với chất lượng giáo dục thế hệ trẻ của đất nước.

Quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy của trường diễn ra một cách liên tục, bởi thuận lợi của nhà trường là có đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, có cơ hội tham gia nhiều dự án của Bộ GD&ĐT về đổi mới phương pháp dạy học. Năm 2011 trở về trước, việc đổi mới phương pháp giảng dạy của trường được thực hiện theo hai hướng: dạy tích hợp và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. 

Bắt kịp xu thế đào tạo hiện đại trên thế giới, năm học 2010-2011, trường đã triển khai đào tạo thí điểm theo tín chỉ Ban Sư phạm Toán K36 và ở một số môn học chung (Tâm lý - Giáo dục, Tiếng Anh, Tin cơ sở...). Đến năm học 2011-2012, trường tiến hành chuyển đổi toàn bộ chương trình đào tạo các ban sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ, trở thành một trong các đơn vị đầu tiên trong số các trường Cao đẳng trong cả nước chuyển hoàn toàn sang đào tạo tín chỉ.

Khi tiến hành chuyển đổi như vậy, mục tiêu đặt ra của nhà trường là đảm bảo sao cho với mỗi tiết dạy trên lớp, sinh viên có hai tiết tự học ở nhà. Yêu cầu này đòi hỏi sinh viên phải tự học nhiều hơn, phải tự tìm đọc tài liệu liên quan đến môn học thông qua nhiều nguồn như trên thư viện, trên mạng Internet để tìm lời giải cho một loạt vấn đề đặt ra trong mỗi bộ môn. Hướng đi mới này vẫn kế thừa được hai xu hướng đổi mới phương pháp giảng dạy trước đây là tích hợp và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Để việc đổi mới phương pháp giảng dạy đạt hiệu quả cao, nội dung, chương trình đào tạo cũng cần phải đổi mới, cập nhật những kiến thức tiên tiến, hiện đại trên thế giới, đáp ứng được nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội hiện nay. Nhà trường đã thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, thưa ông? 

Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội luôn căn cứ vào nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội để đổi mới nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp, nhất là đáp ứng nhu cầu thực tiễn của giáo dục Thủ đô. Hiện nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đang xây dựng hệ thống trường chất lượng cao. Để có thể cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu về giáo viên ở trường chất lượng cao theo quy định của Sở, trường đã mở hệ chất lượng cao đối với khoa Khoa học tự nhiên từ năm học vừa qua, mà trước hết thí điểm ở môn Toán. Tuy nhiên, trường đã xây dựng được kế hoạch, chương trình giảng dạy để năm học 2013 - 2014 tiến hành dạy đại trà hệ chất lượng cao ở khoa Khoa học tự nhiên, khoa Giáo dục Tiểu học. 

image001.png
Một giờ học của sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội

Bên cạnh đó, từ năm học 2011-2012, nhà trường đã tổ chức đào tạo song ngữ (tiếng Anh) các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Địa. Sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp sẽ đạt trình độ B1 đối với những môn không phải là tiếng Anh, có thể dạy ngay được bằng tiếng Anh. 

Cũng để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô trong giai đoạn tới, trường đã mở 10 mã ngành ngoài sư phạm, đào tạo những ngành nghề mà thành phố đang thiếu hụt nhân lực được đào tạo bài bản như Công nghệ môi trường, Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin, Việt Nam học, Công tác xã hội, Công nghệ thiết bị trường học...

Công tác nghiên cứu khoa học có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng. Theo ông, công tác này có ảnh hưởng như thế nào đối với hoạt động dạy và học trong nhà trường, nhất là ảnh hưởng đối với những giảng viên trẻ?

LTS: Đội ngũ giáo viên trẻ chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong ngành giáo dục hiện nay. Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, với khát vọng được cống hiến, được truyền thụ những kiến thức của mình đến các em học sinh, những thầy cô giáo trẻ đã góp phần quan trọng vào những thành công của sự nghiệp “trồng người”. Tuy nhiên, do còn thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp nên những giáo viên trẻ cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình dạy học. Chính lòng yêu nghề, sự gắn bó với học trò đã giúp các thầy cô giáo trẻ đứng vững trên bục giảng.

Trong những năm gần đây, công tác nghiên cứu khoa học của trường đã có sự thay đổi mạnh mẽ, nâng cao về chất lượng, mở rộng về loại hình, tăng về số lượng theo hướng thiết thực, hiệu quả, phục vụ trực tiếp cho chuyên môn, nghiệp vụ. Thực tế cho thấy, khi thầy say sưa nghiên cứu khoa học thì cũng truyền được phần nào niềm đam mê đó cho sinh viên. Bên cạnh đó, khi thầy tập trung vào nghiên cứu khoa học thì sẽ nâng cao về trình độ chuyên môn, từ đó giảng dạy tốt hơn, truyền thụ được những kiến thức có chất lượng hơn đến sinh viên. Và khi giảng viên có nhiều nghiên cứu khoa học có chất lượng, có những bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế thì cũng sẽ nâng cao tầm vóc của nhà trường lên. 

Đặc biệt, thông qua nghiên cứu khoa học, các giảng viên trẻ trưởng thành lên rất nhiều khi nắm bắt được phương pháp làm việc khoa học, độc lập, xử lý thông tin, chắt lọc kiến thức...

Đội ngũ giảng viên sư phạm trẻ có ưu, nhược điểm gì, theo đánh giá của một người cán bộ quản lý như ông? 

Theo tôi, đội ngũ giảng viên sư phạm trẻ nhìn chung có ưu điểm là nhiệt tình, có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, các giảng viên trẻ vẫn chưa chú trọng nhiều vào công tác nghiên cứu khoa học cũng như chưa có ý chí học lên, có lẽ bởi gánh nặng “cơm áo gạo tiền” vẫn còn đè nặng lên đôi vai họ. Mặt khác, kinh nghiệm giảng dạy của họ chưa nhiều nên trước nhiều tình huống sư phạm, họ vẫn còn lúng túng; hoặc với một số chuyên ngành, họ chưa thể đứng lớp được. Điều này có lẽ cũng xuất phát từ một phần nguyên nhân là các giảng viên trường sư phạm là những người giảng dạy, đào tạo nên chính những giáo viên tương lai nên yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ có những khác biệt, có phần khắt khe hơn ở các trường khác. 

Xin cảm ơn ông!

“Chúng tôi luôn nhận thức rõ rằng các trường sư phạm phải luôn đi trước một bước trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, bởi chất lượng đào tạo các thầy cô giáo tương lai có tính chất quyết định đối với chất lượng giáo dục thế hệ trẻ của đất nước”.
(TS Nguyễn Văn Tuấn  – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội

Minh Trường (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.