(GD&TĐ)- Sáng nay (30/9), Học viện Quản lý GD- Bộ GD-ĐT tổ chức Hội thảo khoa học "Đổi mới căn bản và toàn diện GD Việt Nam- nhìn từ góc độ quản lý" đã thu hút đông đảo các học giả, các nhà khoa học về QLGD tham gia.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung tham luận, thảo luận sôi nổi về các vấn đề hiện nay của GD nước nhà; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo (nhìn từ góc độ quản lý) bắt đầu từ đâu, gồm những vấn đề gì, thực hiện như thế nào?.
Hội thảo khoa học "Đổi mới căn bản và toàn diện GD Việt Nam- nhìn từ góc độ quản lý". Ảnh, gdtd.vn |
Đồng thời, hội thảo cũng đặt ra mục tiêu bàn về các vấn đề nội hàm của quá trình đổi mới như: đổi mới về nhận thức, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình sách giáo khoa, phương pháp dạy và học, tổ chức quản lý, cơ sở trang thiết bị cùng nhiều vấn đề liên quan khác của công cuộc này.
Nguyên Giám đốc Học viện Quản lý GD, PGS.TS Đặng Quốc Bảo đã đưa ra minh triết hành động "dĩ bất biến - ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng vào công cuộc đổi mới GD hiện nay. Đồng thời coi minh triết này ’cần thiết cho mọi cán bộ quản lý, đặc biệt là cán bộ (CB) Quản lý GD (QLGD) vì họ đang có sứ mạng dẫn dắt nền GD của đất nước khắc phục được sự lạc hậu và lạc điệu với thực tế cuộc sống và động thái thời đại’.
Cho rằng từ khi cách mạng mới thành công cho đến nay, GD nước nhà đã trải qua ít nhất 3 hệ thống GD. Song, PGS.TS Đặng Quốc Bảo khẳng định: dù hệ thống GD biến đổi cho thích hợp với từng giai đoạn cách mạng, nhưng mục tiêu GD, đất nước đã kiên trì xây dựng một nền GD tuân thủ các nguyên tắc Dân tộc- Khoa học- Đại chúng, một nền GD của dân, do dân, vì dân.
Ông nhận định: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đặt ra mục tiêu xây dựng nền GD "Trung thực- Lành mạnh- Hiện đại". Đổi mới căn bản và toàn diện nền GD, có thể coi đây là một cuộc siêu cải cách vì nó thực hiện sự đổi mới toàn diện về thể chế, cơ cấu lại hệ thống, nội dung, phương pháp GD. Đồng thời, theo ông, tiến hành cuộc đổi mới GD lần này, đất nước có thuận lợi về Thế và Lực hơn hẳn thời kì kháng chiến, song cũng không ít khó khăn.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo đưa ra 3 vấn đề cơ bản ở góc độ QLGD để đi đến quá trình đổi mới. Đó là: thứ nhất: thương mại hóa GD hay không thương mại hóa GD (thừa nhận có hay không phạm trù "thị trường GD"); thứ hai: "dạy học lấy người học làm trung tâm" hay "dạy học lấy người thầy làm trung tâm"; thứ ba: GD đạo đức cho thế hệ trẻ sống "Hiếu trung - Tình nghĩa", giúp thế hệ này hình thành nên giá trị cội nguồn trước sự tác động của nhiều giá trị khác do đời sống toàn cầu tác động, theo minh triết "dĩ bất biến- ứng vạn biến", ông cho rằng phải rèn luyện cho thế hệ trẻ "ứng vạn biến" trước hoàn cảnh sống, lao động, học tập đa dạng.
Các đại biểu phát biểu tham luận tại Hội thảo. Ảnh, gdtd.vn |
GS.TSKH Nguyễn Minh Đường- Viện KHGD Việt Nam cho rằng: để làm GD một cách đúng đắn, trước hết cần có tư duy đúng về "cách làm" GD; trong bối cảnh mới ngày nay, tư duy về GD phải khác trước. Đổi mới tuy duy về GD có nhiều vấn đề cần bàn, tuy nhiên, cái căn bản nhất, định hướng nhất cho mọi hoạt động GD là triết lý GD.
Ông cho rằng: khác với cách hiểu triết lý là những quan niệm chung và sâu sắc nhất của con người về những vấn đề nhân sinh và xã hội; khái niệm triết lý muốn đề cập ở đây là cái cụ thể, rất gần gũi với hoạt động thường ngày, là "cách làm".
GS.TSKH Nguyễn Minh Đường đưa ra 6 vấn đề cốt lõi làm định hướng cho mọi hoạt động của GD, đây chính là cách làm (triết lý) ở nhiều nước có nền GD tiên tiến: Ai dạy- Ai học? Dạy cái gì? Học để làm gì? Dạy thế nào- học thế nào? Dạy và học lúc nào? Dạy và học ở đâu?.
Song song giải quyết vấn đề triết lý giáo dục, GS.TSKH Nguyễn Minh Đường khẳng định phải đổi mới bản thân hệ thống GD quốc dân (HTGDQD).
HTGDQD là gốc rễ của GD; nên quản lý HTGDQD, đề xuất các chủ trương, chính sách và chỉ đạo việc thực hiện mọi hoạt động GD của mỗi quốc gia... sẽ quyết định đến sự thành công hay thất bại của giáo dục.
Tham luận về các vến đề cụ thể của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo từ góc độ quản lý, Thạc sĩ Lương Ngọc Bình- Phó trưởng Khoa cơ bản- Học viện QLGD đưa ra vấn đề: "cần quan tâm hơn tới GD Mầm non và Tiểu học".
Cho rằng: cách sống của thanh thiếu niên ngày nay có nhiều điều chưa ổn?, nguyên nhân và trách nhiệm, giáo dục phải gánh chịu phần nhiều. Song, cái nguyên nhân đặc biệt và chính yếu có lẽ là do GDMN và Tiểu học. Thạc sĩ Lương Ngọc Bình nhận định: đang tồn tại bất cập ở (hai) cấp học này của bậc học phổ thông.
Đó là: chưa nhất quán giữa nhận thức và hành động quản lý trong GDMN và Tiểu học.
Cơ sở vật chất của GDMN và Tiểu học chưa tương thích. Đa số HS ở GDMN và Tiểu học đang thiếu không gian để tuổi thơ phát triển, khuôn viên chật hẹp, không gian không đủ rộng để làm vườn cho trẻ phát triển. Đồ chơi, đồ dùng học tập của HS GDMN và Tiểu học đầy đủ hơn trước, song không là những sản phẩm sáng tạo tự tay chúng làm ra; nội dung chương trình học đạo đức chưa được coi trọng...
Chưa quan tâm nhiều đến chất lượng đội ngũ thầy cô giáo GDMN và Tiểu học.
Cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữa cơ- biện chứng giữa gia đình- nhà trường- xã hội.
Cơ chế chính sách đối với giáo viên Mầm non chưa được đảm bảo.
Cần ưu tiên hơn cho nhà trường ở bậc học nhà trẻ, Mầm non và Tiểu học
Bá Hải