"Đời đời nhớ ơn các các chiến sĩ giáo dục"

"Đời đời nhớ ơn các các chiến sĩ giáo dục"

(GD&TĐ) - Nhiều năm từ sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, hai miền Nam, Bắc đoàn tụ, nhà nhà đoàn tụ, các nhà giáo còn lại tưởng nhớ các nhà giáo đã hy sinh với niềm tiếc thương vô hạn, Ban Liên lạc truyền thống tiểu Ban Giáo dục Trung ương Cục miền Nam đưa ý tưởng phải có một bia tưởng niệm đồng đội hy sinh để có nơi thắp hương, tôn vinh anh, chị, em giáo viên đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, sự hình thành nghĩa trang liệt sĩ giáo dục tại Tây Ninh bắt đầu từ đó. 

Ban Liên lạc truyền thống tiểu Ban Giáo dục Trung ương Cục miền Nam lập tờ trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp kinh phí và được sự ủng hộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh, vào cuối năm 1993 Bia tưởng niệm đã xây xong tại đồi 82 huyện Tân Biên tỉnh Tây Ninh, tấm bia là một cuốn sách mở khắc tên 106 chiến sĩ giáo dục đã hy sinh, cuốn sách đặt dựa cây bút vút thẳng trên trời xanh, tượng trưng cho sự nghiệp những người làm giáo dục, tượng trưng cho khí tiết liệt sĩ giáo dục, ngày 22/01/1994 Lễ khánh thành bia tưởng niệm các liệt sĩ giáo dục đã hy sinh tại chiến trường B2.

Đây là một ngày hội của những giáo viên, cán bộ giáo dục miền Nam đã một thời sống mái với quân thù trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có gần 3.000 nhà giáo miền Bắc được điều động vào công tác giáo dục ở miền Nam (1), các nhà giáo hy sinh thống kê chưa đầy đủ (2) có tuổi đời rất trẻ, nhiều người chưa đến tuổi 30 (3), có những cặp vợ chồng Nhà giáo tham gia chống Mỹ đã hy sinh (4), một số hy sinh trong nhà lao của giặc như: Huỳnh Thành Phổ, Lê Ưng…(5) rất cảm động về cái chết của cô giáo Dương Lệ Chi (6) hy sinh trong khi lấy thân mình che cửa hầm tránh pháo cho học sinh lớp 3 trường Nguyễn Văn Trỗi trong trận càn Đông Dương tháng 5-1970, Nhà giáo Trần Thế Lộc (7) cùng du kích và nhân dân bám trụ đánh địch cũng đã hy sinh cùng du kích địa phương ở xã Bảo Chánh, Xuân Lộc, Đồng Nai.

Ngày nay ở đây có một ngôi trường mang tên anh Trần Thế Lộc, hiện vẫn còn di tích mộ tập thể của Thầy Lộc và các du kích cùng chiến đấu; nhà giáo Ca Lê Hiến ( Lê Anh Xuân) Khoa Sử trường đại học Tổng hợp Hà Nội (8) vào Nam từ năm 1964 đã  hy sinh ở vùng ven Sài Gòn năm 1968, Cô giáo Lê Thị Bạch Cát (9) tham gia chiến đấu cùng các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Xuân Mậu Thân 1968 chiến đấu đến viên đạn cuối cùng đã hy sinh anh dũng trên đường phố Sài Gòn. Ngày nay ở quận 11 có một con đường mang tên Lê Thị Bạch Cát.

"Đời đời nhớ ơn các các chiến sĩ giáo dục" ảnh 1
 

Sau năm 1975, trong cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam tổ quốc, Tây Ninh một lần nữa chiến đấu gìn giữ biên cương Tổ quốc, các Nhà giáo ngành giáo dục Tây Ninh tiếp tục đỗ máu để bảo vệ học sinh. Năm 1977 một ngày tang thương của ngành giáo dục Tây Ninh, tôi còn nhớ vào ngày thứ bảy hàng tuần các thầy cô thường về nhà ở Hòa Thành, Thị Xã… nhưng hôm nay vì phải ở lại tổ chức đêm Trung Thu cho học sinh trường tiểu học Tân Lập thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, đêm ấy 11 thầy, cô giáo bị bọn Pôn Pốt tràn sang giết chết ném xác xuống giếng nước, tại nhà ở tập thể của thầy cô. Ngày nay giếng nước vẫn còn đó. Năm 1999 UBND tỉnh đã xây bia tưởng niệm 11 liệt sĩ giáo dục tại đây, năm 2004 Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai đã đến viếng và thắp hương… và còn nhiều gương liệt sĩ anh dũng hy sinh nữa mà ta chưa biết.

Sau 10 năm, đứng giữa trời mưa nắng trên đồi 82, Bia tưởng niệm ngày một xuống cấp, Ban Liên lạc truyền thống tiểu Ban Giáo dục Trung ương Cục miền Nam một lần nữa đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng cấp xây thành Nhà bia tưởng niệm. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đồng ý phát động quyên góp giáo viên trong toàn ngành giáo dục cả nước, được sự giúp sức của Tỉnh Uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Tây Ninh, các sở ngành có liên quan,  Nhà Bia tưởng niệm liệt sĩ giáo dục được xây dựng thay thế cho Bia tưởng niệm trước đây.

Ngày 27/7/2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Ban Liên lạc truyền thống tiểu Ban Giáo dục Trung ương Cục miền Nam tổ chức Lễ khánh thành Nhà Bia tưởng niệm. Nhà bia tưởng niệm được xây dựng trên một thiết kế gọn đẹp, mang đậm màu sắc dân tộc và tính giáo dục. Nhà bia tưởng niệm nầy có văn bia, có câu đối và danh sách các liệt sĩ giáo dục  khá đầy đủ hơn trước, chúng ta đã khắc 621 tên liệt sĩ vào tấm bia này. Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, anh hùng lao động Vũ Khiêu là tác giả của văn bia và câu đối (kèm theo). Năm 2008 nhân kỷ niệm 40 năm chiến dịch Xuân Mậu Thân, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã đến viếng Nghĩa trang, đặt tràng hoa và dâng hương tưởng niệm Liệt sĩ giáo dục.

Truyền thống “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, hàng năm  đến ngày Tết nguyên đán, ngày 30/4, ngày 27/7, ngày 20/11… Ban liên lạc tổ chức Lễ đặt tràng hoa thắp nhang các liệt sĩ tại Nhà bia tưởng niệm này.

Ngày nay, nhà bia tưởng niệm là một trong năm công trình Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chăm sóc tôn tạo giữ gìn để giáo dục truyền thống, hàng năm Công đoàn giáo dục Tây Ninh cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp đón nhiều đoàn giáo viên và học sinh khắp các tỉnh thành, các trường Đại học, Cao đẳng đến viếng, thắp hương cho các liệt sĩ.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam hàng năm quan tâm chăm sóc trùng tu Nhà bia, và nhân các ngày lễ lớn đã tổ chức đặt vòng hoa thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ.

Tác giả bài viết xin mượn văn bia để làm câu kết: 

"Hiến dâng cho nước: sống đã vinh mà thác cũng vinh

Hết dạ vì dân: mệnh chẳng thọ mà danh lại thọ."

Đời đời nhớ ơn các các chiến sĩ giáo dục đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam.  

 Bùi Ngọc Ẩn 

Các số (1),(2),(3),(4),(5),(6),(7),(8),(9) được trích ý  từ văn bia của giáo sư Vũ Khiêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ