(GD&TĐ) - Cơ sở giáo dục có tên Dân tộc nội trú là những ngôi trường đặc biệt. Không chỉ bởi học sinh ở đây thuộc nhiều dân tộc mà còn bởi nơi đây chính là mái nhà thứ hai, nơi các em được học nhiều bài học làm người không nằm trong giáo án.
Lên nương tìm học sinh
Ở các thành phố miền xuôi, nhiều ngôi trường thường xuyên phải chịu cảnh quá tải học sinh. Đầu năm học, cha mẹ phải xếp hàng xin cho con học từ mờ sáng. Ngược lại, ở những trường toàn học sinh dân tộc thiểu số thuộc miền núi thì đầu năm học các thầy cô phải thường xuyên tới từng nhà học sinh vận động các em quay lại trường học.
Ở trường dân tộc nội trú huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) có thầy Bạc Cầm Tươi, người Thái quê ở Tuần Giáo (Điện Biên) được mệnh danh là “chuyên gia” đi vận động học sinh đến lớp. Học sinh cấp 2 bắt đầu trở thành lao động chính trong gia đình nên cứ sau một đợt nghỉ hè, nhiều em không về trường học tiếp mà ở nhà làm nương giúp bố mẹ. Các cô giáo được ưu tiên đi vận động học sinh ở những xã gần, còn những nơi sâu, xa nhất thì thầy Tươi lãnh nhiệm vụ xách xe máy lên đường. Có nơi đi về mất 2,3 ngày, đi rồi thầy cô mới hiểu sao các em không trở lại trường.
Còn ở trường THCS Nậm Ban (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) thì mỗi tháng thường có hai đợt các thầy cô đi vận động những học sinh bỏ học trở lại trường. Thầy Nguyễn Văn Minh, hiệu phó, nhớ mãi những lần đi bộ tới nhà các em ở bản xa. Thầy giáo không phải người bản địa, đường đi toàn đường núi, cắt ngang rừng, đi một hồi không thấy đường đâu nữa. Có những hôm thầy Minh phải ngủ lại giữa đường, đợi sáng gặp người chỉ đường thì đi tiếp. Cô The thì nhớ những buổi đến nhà học sinh vận động, các em thấy bóng dáng cô thì trốn biệt trong nhà. Cô vào nhà thì học sinh bỏ lên nương, cô lại phải theo lên tận nơi “dụ dỗ”. Vận động học sinh chưa đủ, cô phải tìm cách nói chuyện với bố mẹ các mẹ, thuyết phục họ cho con đi học. Cái lý để nói với bà con nghe rất thương. Không phải chỉ nói cao xa đi học để hiểu biết, đi học để biết làm ăn, mai sau đỡ nghèo, mà bây giờ đi học thì nhà cũng bớt một miệng ăn, các em tới lớp lại được ăn no hơn ở nhà. Vì ở Nậm Ban, nhiều nhà bố mẹ chỉ biết sinh con, có gì ăn nấy, lớn lên một chút thì tự lên rừng kiếm cái ăn nên các em thường xuyên bị đói. Kết quả của những cuộc vận động, thuyết phục ấy là học sinh ở Nậm Ban giờ đây đi học khá đều, ít em bỏ học giữa chừng.
Cô giáo Tống Phương Lan thường xuyên được làm “bảo mẫu” như thế nà |
Nếu như ở trường Dân tộc nội trú Mường Tè có 50% học sinh đầu vào qua thi tuyển thì ở các trường tại xã như Nậm Ban nhận tất cả các em đã học hết tiểu học trên địa bàn xã. Lớp ít học sinh nhưng nhiều trình độ, các thầy cô soạn giáo án hết sức vất vả do phải lồng ghép các phương pháp dạy. Trước đây có những học sinh lên cấp 2 còn chưa đọc thông, viết thạo. Những em này được phân cho từng giáo viên kèm cặp và đặt mục tiêu phấn đấu cho từng tháng. Thầy Minh cười bảo, học sinh ở đây cũng “oách” như học sinh thành phố, có gia sư kèm riêng mỗi chiều, mỗi tối. Nhờ vậy, cho tới giờ số học sinh yếu kém đã giảm nhiều.
Những bài học đặc biệt
Đã 11 giờ rưỡi trưa, cô Tống Thị Mai Lan, giáo viên trường dân tộc nội trú huyện Mường Tè đi một vòng quanh khu ký túc xá kiểm tra. Trong phòng học sinh nữ lớp 6 vừa mới nhập trường, một em đang ngồi khóc sụt sùi. Các bạn xung quanh nhao nhao mách: Bạn Minh nhớ nhà, cứ khóc suốt thôi cô ạ. Cô Lan vào tận nơi tận tình an ủi. Những ngày đầu năm học việc “dạy” luôn đi cùng việc “dỗ” như thế.
Học sinh của Trường Dân tộc nội trú huyện Mường Tè có đủ thành phần dân tộc, đến từ tất cả các xã trong huyện, nơi xa nhất cách thị trấn hơn 100km. Những ngày mới nhập trường, em nào cũng rụt rè, nhút nhát, tối đến là nhớ nhà ngồi khóc. Mà một bạn khóc là tất cả khóc theo. Giáo viên chủ nhiệm lớp 6 phải sẵn sàng “trực chiến” đến 11 giờ đêm, động viên các em trò chuyện với nhau cho quen, bày trò chơi để các em bớt nhớ nhà. Bài học đầu tiên các em được học là tinh thần tự lập. Cô Lan, cô Thủy nhiều khi phải dọa: bạn nào khóc đầu tiên là bị phạt. Nhưng vẫn có lúc học sinh khóc trước, cô giáo an ủi mà mắt cũng rơm rớm theo.
Sáu giờ sáng, các thầy cô có mặt ở trường, đi kiểm tra từng phòng một. Em nào không gấp màn mà treo lên tường, em nào không xếp chăn gối, đồ dùng gọn gàng… đều bị nhắc nhở. Nhiều em nhà nghèo tới độ màn cũng không có thì làm sao biết gấp. Các thầy cô phải hướng dẫn cách gấp chăn màn, quần áo. Dép phải để gọn ngoài cửa. Nhà phải quét dọn thường xuyên. Những bài học tưởng như đơn giản, bình thường ấy chỉ đến khi xuống trường dân tộc nội trú các em mới được học.
Học sinh trường THCS Nậm Ban tập thể dục giữa giờ |
Cô Lan, người có thâm niên hơn 10 năm dạy tại trường, kể đầu năm học nào các thầy cô cũng vất vả với việc… dọn nhà vệ sinh. Nhiều em sống ở bản chưa từng biết cái nhà vệ sinh ra sao, không biết dùng giấy mà dùng que, lá. Hầu như hôm nào nhà vệ sinh cũng tắc. Các thầy cô xắn tay áo lên thông. Từ đó, trường tổ chức các lớp học rèn luyện kỹ năng, mỗi tuần một buổi. Đầu tiên là dạy các em cách dùng nhà vệ sinh, sau đó là cách làm vườn, trồng rau, dạy sử dụng tiếng Việt cho những em chưa thông thạo.
Ở các huyện sâu, xa như huyện Mường Tè, Sìn Hồ chỉ có 1,2 trường dân tộc nội trú với tên gọi và được hưởng các chế độ dành cho trường dân tộc nội trú theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng do địa bàn rộng, giao thông không thuận tiện nên tại các xã, các trường trung học cơ sở đều có phòng ở nội trú cho học sinh vì các em không thể đi về trong ngày. Về thực chất đây cũng là các trường nội trú. Trường trung học cơ sở của xã Nậm Ban có 111/121 học sinh ở lại khu nội trú của trường. Mỗi tháng mỗi em được trợ cấp 320 nghìn đồng. Nhà trường dùng số tiền đó để mua gạo, thức ăn cho các em. Không có chế độ của trường dân tộc nội trú nên các em phải tự nấu cơm ăn dưới sự hướng dẫn của các thầy cô. Cô Lương Thị The, giáo viên dạy Toán kể nhiều em đến khi vào trường học cũng mới biết nấu cơm. Ở nhà, các em quen với việc ăn không thành bữa, vừa đứng vừa ăn. Tới giờ cơm, các thầy cô phải có mặt ở nhà ăn để chia cơm và dạy các em cách ăn cơm sao cho không rơi vãi và phải ngồi ở bàn ăn chứ không được vừa đứng vừa ăn.
Sau 4 năm học ở trường, các em vào học trung học phổ thông với hành trang mang theo không chỉ là kiến thức. Những bài học ngoại khóa đặc biệt sẽ giúp ích cho các em suốt cuộc đời. Và không phải ngẫu nhiên mà khi được hỏi: Lớn lên thích làm nghề gì nhất? Hầu hết các em học sinh đều nói: em ước được làm thầy/cô giáo.
Việt Hòa