(GD&TĐ) - “Xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô theo các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục…” là một trong những yêu cầu bắt buộc khi Quốc hội thông qua Luật Thủ đô.
Nhằm thực hiện những bước đi đầu tiên, đặt nền móng để Luật Thủ đô từng bước lan tỏa, UBND TP Hà Nội đã thí điểm thành lập mô hình Trường THPT Chất lượng cao Lê Lợi. Để hiểu rõ hơn mô hình trường chất lượng cao nhiều kỳ vọng này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng Hiệu trường Trường THPT Lê Lợi - ThS Lê Xuân Trung.
Thưa ông, Luật Gáo dục chưa có tiêu chí và quy định về mô hình trường THPT Chất lượng cao, vậy căn cứ vào đâu để UBND TP cũng như Sở GD&ĐT Hà Nội ra quyết định thành lập Trường THPT Chất lượng cao Lê Lợi?
ThS. Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Chất lượng cao Lê Lợi |
- Đúng là Luật Giáo dục hiện nay chưa có tiêu chí và quy định về mô hình trường THPT Chất lượng cao, chúng ta mới chỉ có hệ thống THPT Chuyên ra đời từ những năm 60 của thế kỉ XX.
Từ trước đến nay, thế hệ học sinh trường chuyên vẫn được chúng ta quan niệm là đào tạo “gà nòi”, chủ yếu trau dồi các kỹ năng về học thuật, trong khi sự phát triển của nền kinh tế cùng với sự hội nhập quốc tế ngày càng lớn mạnh như hiện này lại đòi hỏi con người – sản phẩm đầu ra của giáo dục đào tạo cần có những phẩm chất mới: Được giáo dục toàn diện “đức, trí, thể, mỹ”, có kĩ năng nghề nghiệp, có khả năng thích ứng và hội nhập, hướng tới trở thành công dân toàn cầu. Đây là yêu cầu cấp thiết đối với ngành Giáo dục và đào tạo.
Từ yêu cầu phải phát triển GD phổ thông chất lượng cao thể hiện trong Luật Thủ đô (được Quốc hội thông qua tháng 11/2012) đã hình thành mô hình trường công lập cung ứng dịch vụ GD chất lượng cao có yếu tố nước ngoài, UBND Thành phố và Sở GD&ĐT Hà Nội đã quyết định thành lập thí điểm mô hình Trường THPT Chất lượng cao Lê Lợi nằm trên khuôn viên cũ của Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ tại quận Hà Đông (Hà Nội).
Cùng với đó, ngày 24/6/2013, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND quy định cụ thể tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy, dịch vụ giáo dục chấp lượng cao áp dụng tại một số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông chất lượng cao.
Ông có thể cho biết rõ hơn về mô hình trường THPT Chất lượng cao sẽ hoạt động dựa trên các tiêu chí nào và cụ thể ở đây là đối với Trường THPT Lê Lợi?
- Với trọng trách lĩnh ấn tiên phong xây dựng trường THPT Chất lượng cao đầu tiên trên địa bàn TP Hà Nội, Ban giám hiệu nhà trường đã đề ra sứ mệnh: Công dân toàn cầu là sản phẩm của chúng tôi. Cụ thể là đào tạo con người phát triển toàn diện, có tri thức, có hiểu biết, có các phẩm chất đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, có kỹ năng mềm đáp ứng yêu cầu của xã hội, sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ trước hết là tiếng Anh phục vụ giao tiếp, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Thành thạo tin học ở mức độ cơ bản, có khả năng độc lập nghiên cứu khoa học dưới sự dìu dắt, giúp đỡ của các chuyên gia khoa học đa lĩnh vực trong và ngoài nước, trở thành công dân tốt cống hiến cho dân tộc, quốc gia và hội nhập quốc tế.
Từ tầm nhìn và triết lý đào tạo đó, chúng tôi xác định 5 tiêu chí chuẩn cần phải được thực hiện đồng bộ và quyết liệt.
Một là, chất lượng đội ngũ giáo viên được tuyển chọn dựa trên những tiêu chí trong quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ban hànhngày 20/6/2013 của UBND thành phố. Đội ngũ nhà giáo phải là những thạc sỹ, tiến sỹ, các thủ khoa xuất sắc, cử nhân tốt nghiệp loại giỏi, khá ở các trường Đại học Sư phạm và chuyên ngành sư phạm nổi tiếng trong nước và quốc tế, giỏi về chuyên môn nghiệp vu, có thành tích trong quá trình công tác, đạt các giải cao trong các đợt thi giáo viên dạy giỏi, đã có học sinh tham gia các đội tuyển quốc gia, quốc tế… năng động, sáng tạo trong dạy học và giáo dục.
Bên cạnh đó, nhà trường sẽ chú trọng kết hợp với các trường đại học uy tín trong và ngoài nước để mời các giáo sư, chuyên gia giỏi để tăng cường bồi dưỡng kiến thức cho học sinh và cả đội ngũ giáo viên.
Hai là, chương trình giảng dạy phải được xây dựng đảm bảo sự liền mạch, vững chắc của một chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành. Ngoại ngữ và Tin học được chú trọng nâng cao đặc biệt để theo kịp xu hướng phát triển của thế giới. Các khóa học, các câu lạc bộ năng khiếu về thể thao, nghệ thuật, các lớp kỹ năng mềm được tổ chức thường xuyên, đầy đủ. Hoạt động tư vấn về sức khỏe sinh sản, giới tính, tâm lý, hướng nghiệp…song hành với hoạt động dạy học trong nhà trường. Ngoài ra, nhà trường liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước để tổ chức định kì các chương trình ngoại khóa, các kì nghỉ hè, nghỉ lễ mang tính giáo dục nhằm đem đến cho học sinh những trải nghiệm bổ ích và lý thú.
Ba là, cơ sở vật chất của Trường THPT Lê Lợi không chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu dạy học hiện đại đạt chuẩn Chất lượng cao do UBND thành phố Hà Nội quy định mà điểm nhấn thu hút của trường là cảnh quan xanh, sạch, đẹp, thân thiện, mang tính giáo dục, trang thiết bị hiện đại và hướng tới phát huy tối đa tính sáng tạo của người học.
Bốn là, song hành với hoạt động dạy học là các dịch vụ chất lượng cao cho học sinh tạo điều kiện học tập, sinh hoạt hiện đại, khoa học.
Năm là, xây dựng mối quan hệ tổng hòa giữa nhà trường, xã hội và gia đình. Theo đó, nhà trường phải là cầu nối tích cực giữa phụ huynh học sinh, cộng đồng địa phương và toàn thể xã hội cùng chung tay giáo dục các em phát triển toàn diện mọi năng khiếu, bồi bổ thêm các kỹ năng sống cần thiết khi bước vào đời.
Thưa ông, trong 5 tiêu chí trên, đâu sẽ là “điểm nhấn” để tạo nên sức bật cho mô hình trường THPT Chất lượng cao?
- Để xây dựng thương hiệu THPT Lê Lợi đáp ứng được kỳ vọng và mong mỏi của nhân dân Thủ đô thì chất lượng đội ngũ nhà giáo phải là yếu tố đầu tiên và then chốt. Chúng tôi sẽ bền bỉ để bồi dưỡng, đào tạo ra một đội ngũ nhà giáo có chuyên môn không những giỏi, giỏi đều, giỏi toàn diện, mà vươn tới xuất sắc. Xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng nhu cầu đào tạo chất lượng cao không những phải dựa trên các tiêu chí đã được quy định mà phải là cuộc sàng lọc khắt khe, lựa chọn ra những người giỏi nhất, toàn diện nhất, đáp ứng đầy đủ nhất các yêu cầu giáo dục. Trường THPT Lê Lợi dứt khoát nói không với hiện tượng “xin – cho”, “gửi – gắm”, chúng tôi không chấp nhận để “một con sâu” len lỏi vào đây làm ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục.
Trong tờ trình số 10/CV THPT LL ngày 24/7/2013 về việc đề nghị tuyển dụng giáo viên, cán bộ viên chức cho Trường THPT Lê Lợi năm học 2013 - 2014 gửi Sở GD&ĐT Hà Nội, tôi đã đề xuất Sở cho phép Trường THPT Lê Lợi được thành lập Hội đồng tuyển dụng độc lập thực hiện mọi nội dung quy trình tuyển dụng theo đúng các quy định của cấp trên và của Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành theo từng năm cụ thể. Theo đó, các ứng viên xét tuyển ngoài việc phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quy định tại Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 24/6/2013 của UBND TP Hà Nội thì phải làm 1 bài kiểm tra trình độ chuyên môn với thời gian 180 phút có nội dung tương đương đề thi học sinh giỏi vòng 1, vòng 2 cấp thành phố ở môn mà ứng viên dự tuyển về trường. Tiếp đó, Hội đồng tuyển chọn sẽ phỏng vấn, tổ chức các giờ giảng trực tiếp cho từng ứng viên để kiểm tra các kỹ năng sư phạm. Sau các vòng thi, chúng tôi sẽ đánh giá, tuyển chọn công bằng dựa trên kết quả có được, dưới sự giám sát trực tiếp của thanh tra Sở.
Lãnh đạo thành phố, ngành GD và nhân dân ủng hộ để chúng tôi làm được và đúng với các tiêu chí nhất quán trên, tôi tin rằng mô hình THPT Chất lượng cao sẽ phát huy tác dụng và là kim chỉ nam để giáo dục Thủ đô cất cánh bay cao và vươn xa hơn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Hồng Quang (thực hiện)