"Chòng chành" con thuyền hạnh phúc

"Chòng chành" con thuyền hạnh phúc

(GD&TĐ) - Nhiều người hiện nay hay than phiền, công việc hàng ngày quá bận rộn cứ cuốn trôi các thành viên trong gia đình về mỗi ngả khác nhau, thời gian sum họp chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Không ít những gia đình trẻ, chỉ thường xuyên có mặt người giúp việc thay chủ nhà chăm lo cơm nước, chăm cho con cái. Bởi khi ấy, người vợ, người chồng còn mải lo làm ăn chưa về. Tổ ấm cứ dần biến thành “Tổ lạnh” lúc nào không hay. Hôn nhân lúc đó sẽ gặp sóng dữ  và có khi bao trùm đầy khoảng lặng. Vượt qua được những thăng trầm ấy như thế nào còn phụ thuộc nhiều vào cái tài “chèo lái” của cả vợ lẫn chồng. 

Thiếu thời gian cho gia đình

Chị Hòa (Thanh Xuân – Hà Nội) - một người vợ trẻ từng than thở rằng, đã rất lâu rồi vợ chồng mình không ngồi cùng mâm cơm với nhau. Mình biết, lỗi không phải do chồng hay do mình mà do vòng quay của cuộc sống cứ cuốn anh ấy và mình xoay tròn, xoay tròn mỗi ngày. Đi làm, vợ chồng ăn cơm trưa ở công ty, chiều em về nhà lo cho con xong, cơm nước, dọn dẹp rồi ăn cơm một mình. Anh ấy ăn ở ngoài rồi đi học… Một tuần có bảy buổi tối thì ba buổi anh phải đi học cho văn bằng 2, ba buổi còn lại anh lo cho cái bằng thạc sỹ, còn tối chủ nhật, anh dành thời gian cho bạn bè, giải trí, lấy đâu thời gian dành cho mẹ con mình. Nhiều khi mong được ăn cùng nhau một bữa cơm gia đình cũng là điều xa xỉ. Công việc của ai nấy lo… Vợ chồng cứ cuốn theo vong xoáy công việc không được giãi bày, chia sẻ, rồi cứ thế mất dần đi những khoảnh khắc chung, và đó là nguyên nhân khiến vợ chồng mình ngày càng xa cách... 

Lấy nhau gần 5 năm trời và đã có một cô con gái xinh xắn, hai vợ chồng Hoàng - Dung được bạn bè đánh giá là một trong những cặp đôi hạnh phúc nhất. Mỗi khi ra đường, nhìn hai vợ chồng như đôi uyên ương mới cưới, nhiều người nhìn vào ai ai cũng hâm mộ.  

Nhưng cũng theo vòng xoáy của cuộc sống, họ cũng phải đi học thêm, đi làm để có tương lai như bao đôi vợ chồng trẻ khác. Khoảng thời gian gần đây, Hoàng phải chuẩn bị bảo vệ luận văn thạc sĩ. Dung lại thường xuyên về nhà muộn vì phải làm thêm do công ty thiếu nhân công. 

Sau giờ học buổi tối, về nhà tranh thủ ăn vội bát cơm Hoàng lại cặm cụi ghi ghi chép chép, rồi dán mặt vào máy vi tính với những con số, thống kê. Khoảng thời gian này, Hoàng quên đi cả vai trò làm chồng, làm cha của mình trong gia đình. 

Hạnh phúc gia đình phải do cả vợ, chồng chèo lái
Hạnh phúc gia đình phải do cả vợ, chồng chèo lái

Có những lúc Hoàng về nhà sớm do được nghỉ học thì Dung đang bận con nhỏ. Hoặc có hôm Hoàng xong việc buổi tối cũng là lúc Dung đã ngủ. Sáng thức giấc, vợ con đã đi từ lúc nào, Hoàng lại một mình lủi thủi vào bếp tìm đồ ăn rồi đi làm. Ở cùng nhà mà hai vợ chồng chẳng mấy khi nói chuyện với nhau, cả ngày chỉ vài câu, đến điện thoại cũng ít gọi. Giữa họ dường như đang hình thành một khoảng cách vô hình. 

Nhiều đôi vợ chồng lấy nhau khi đã thành đạt, thì lại mải mê chạy theo công việc của mình, bỏ quên đi tổ ấm, chỉ đến khi nhìn lại mới giật mình bởi hạnh phúc gia đình đang tuột mất. Một chị kể, cách đây không lâu, chị chuyển công tác sang một vị trí mới, đòi hỏi giờ làm việc nhiều hơn bình thường. Vì thế, ít khi cùng ăn tối với chồng con. Chị đã không để ý rằng, anh cũng bắt đầu ít về nhà ăn tối. Chỉ đến khi mẹ chồng chị cảnh báo, chị mới thấy rằng nếu mình cứ vắng nhà, cứ bỏ chồng con ăn cơm một mình mãi cũng không ổn. Chị lại xin chuyển vị trí để có thể đi làm và về nhà đúng giờ hơn. Nhưng hình như chồng chị đã quen với việc vắng mặt trong bữa cơm gia đình mất rồi. Anh thường xuyên ăn ở quán nhiều hơn ở nhà. Con cái chẳng được nói chuyện và chơi với bố vì khi bố về chúng nó đã đi ngủ, khi nó dậy thì anh đã ra khỏi nhà. Nếu trước đây, anh và các con luôn quấn quýt thì giờ về nhà anh còn đâu tâm trạng để mà chơi với con vì ít khi tỉnh táo và thường lăn ra ngủ ngay. Càng đi, anh càng kiếm được nhiều tiền hơn, tần suất không ăn cơm nhà của anh cũng ngày một dày hơn. Có đợt đến mấy tuần liền, cả nhà không ăn chung với nhau bữa nào. Gia đình cứ như quán trọ. Và sóng gió có thể ấp đến với gia đình bất cứ lúc nào.

Hạnh phúc gia đình do cả vợ, chồng cùng chèo lái

Theo các chuyên gia tâm lý, trong khoảng thời gian yêu, cuộc sống đôi tình nhân luôn tràn đầy lãng mạn và hạnh phúc. Song đời sống vợ chồng thì khác, không phải lúc nào cũng diễn ra theo chiều hướng tốt đẹp. 

Trước những vấn đề cuộc sống, bộn bề những lo toan gia đình, đời sống lứa đôi bị nhiều điều chi phối, tình cảm dễ theo đó nhạt dần. Đây cũng là khoảng thời gian nhiều người ngoại tình dẫn đến hạnh phúc tan vỡ. Biện pháp phòng ngừa tốt nhất là luôn có ý thức hâm nóng tình cảm đôi bên. 

Khoảng trống thời gian trong đời sống vợ chồng tuy không ảnh hưởng tới hạnh phúc mạnh mẽ như mâu thuẫn, cãi vã hay bạo lực, nhưng nó âm thầm gặm nhấm, làm cho tình cảm đôi lứa càng ngày càng cách xa. Muốn ngọn lửa tình yêu luôn cháy, cần sự chia sẻ và quan tâm của cả hai người.  

Cũng theo các chuyên gia tâm lý, sự hòa hợp về tình dục cũng là một yếu tố quan trọng quyết định hạnh phúc của các cặp vợ chồng. Tình dục không đủ để làm nên một cuộc hôn nhân thành công nhưng nó phải hòa hợp để duy trì sự bền vững của tình cảm vợ chồng. Nhiều khi tình dục không phải là tình yêu nhưng mọi tình yêu đều dẫn đến tình dục. Tình dục không đủ để làm nên một cuộc hôn nhân thành công nhưng nó phải hòa hợp để duy trì sự bền vững của tình cảm vợ chồng. 

Trong sinh hoạt vợ chồng tuần trăng mật không cần tới biện pháp “kích cầu” nhưng sau đó thì rất cần tới giải pháp “kích cầu” và đó là một nghệ thuật bao gồm cả ngôn ngữ âm thanh động tác tư thế. Để hòa hợp về tình dục cũng cần tới yếu tố tuổi tác. 

Để tìm được sự hòa hợp trong hôn nhân, các nhà tâm lý hiện đại đã đưa ra một công thức vàng trong hôn nhân như sau: Lấy tuổi người đàn ông chia 2 + 3 = tuổi của người vợ. Theo công thức này thì đàn ông phải 30 tuổi mới nên lấy vợ và cũng đúng với quan niệm của ông cha ta “tam thập nhi lập” cưới vợ trước tuổi 30 là hơi sớm vì không chia được. 

Một vấn đề nữa là cần phải giữ được thái độ bình tĩnh trong gia đình là vô cùng quan trọng. Chồng bạn có thể đi sớm về muộn, lầm lì suốt ngày, có thể anh ta đang lo nghĩ một vấn đề gì đó ở cơ quan, chưa có cách giải quyết chứ không có vấn đề gì về tình cảm. Ngay cả những tình huống nhạy cảm trong đời sống vợ chồng cũng phải bình tĩnh. Song nhiều người vợ lại lo lắng thái quá, hỏi nhiều quá, nói nhiều quá... 

Trong các Pharaon của Ai Cập cổ đại, có một người là  phụ nữ. Vị Pharaon mặc váy này đã đem lại rất nhiều quyền lợi cho phụ nữ Ai Cập. Song bà cũng khuyên những người cùng giới một điều rất thiết thực: “Hãy mở to mắt ra và ngậm miệng lại”. Câu này đã được khắc lên đá và được lưu giữ mãi cho đến ngày nay. Đối với người đàn ông, đôi khi im lặng chính là sự tôn trọng. Đàn ông nghĩ nhiều nói ít. Hãy để họ yên tĩnh và suy nghĩ.

Trong gia đình người vợ cũng là bà chủ có quyền tham gia vào việc quyết định mọi vấn đề liên quan đến hai người và con cái. Tuy số đông phụ nữ vẫn chiều theo ý chồng nhưng không phải vì thế mà người chồng có thể độc đoán gia trưởng. Cả vợ và chồng cần được bình đẳng và cùng thống nhất quan điểm chứ không nên độc đoán.

Cuộc sống gia đinh luôn đối mặt với muôn vàn sóng gió. Trước những sóng gió cuộc đời cả hai cần bình tĩnh để "chèo lái" con thuyền hạnh phúc. Dù bận bịu công việc đến cỡ nào thì cả vợ và chồng cũng nên sắp xếp một thời gian nhất định dành cho gia đình, cùng nhau hâm nóng, chia sẻ tình cảm với các thành viên. 

Hồng Liên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.