"Chìa khóa" giải bài toán tạo động lực NCKH cho giảng viên

"Chìa khóa" giải bài toán tạo động lực NCKH cho giảng viên

(GD&TĐ)-Để NCKH là hoạt động thường xuyên, thiết thân của các giảng viên đối với các trường ĐH Việt Nam vẫn là bài toán khó. Với vai trò là một thành viên trong Hội đồng Cơ quan nghiên cứu và phát triển kỹ nghệ nông thôn (RIRDC) của Úc, cũng là chủ nhiệm nhiều dự án trong thời gian làm việc ở Bộ nghiệp bang NSW và ĐH RMIT ở Úc, GS.Nguyễn Quốc Vọng chia sẻ những kinh nghiệm trong  việc tạo động lực cho giảng viên ĐH tham gia NCKH, chuyển giao công nghệ.

 - GS.Nguyễn Quốc Vọng nhận định.
GS.Nguyễn Quốc Vọng

Để khuyến khích nhiều người tham gia nghiên cứu, theo GS.Nguyễn Quốc Vọng, trước hết là đơn giản hóa hồ sơ dự án. Hồ sơ phải chặt chẽ nhưng nên đơn giản và gọn nhẹ. “Ví dụ như nộp đơn ở RIRDC, chúng tôi chỉ đòi hỏi về đề chương nghiên cứu sơ khởi với 2 trang A4 có mẫu sẵn. Nếu đề cương được chấp thuận, chúng tôi đòi hỏi dự án chính thức, trong đó PI phải trình bày chi tiết hơn về đề án nhưng cũng chỉ trong vòng 15-20 trang A4. Đơn không đòi hỏi phiếu thẩm định và ý kiến của bất cứ ai trừ chữ ký của lãnh đạo cơ quan đề xuất cam kết sẽ thi hành dự án. Sau khi dự án chấm dứt, chủ nhiệm dự án nộp bản báo cáo cuối cùng khoảng 100-150 trang” - GS.Nguyễn Quốc Vọng cho hay.

Kinh nghiệm thứ 2 là về bảng ưu tiên về các hạng mục. Nhiều người cho rằng, NCKH là tự do, muốn nghiên cứu gì cũng được miễn là NCKH. Trong thực tế, các nhà khoa học không được làm thể vì không có cơ quan nào tài trợ cho 1 dự án không nằm trong bảng ưu tiên về hạng mục nghiên cứu của họ cả. Theo GS.Nguyễn Quốc Vọng, chương trình hành động 5 năm và bảng ưu tiên về hạng mục của toàn bộ 25 ngành trong RIRDC đều được đăng tải trên mạng. Rõ ràng và minh bạch từng hạng mục, kể cả số tài chính dự trù cho từng năm. Nếu làm được như vậy, giảng viên sẽ biết phải nghiên cứu cái gì. Để được tài trợ, giảng viên phải bám thực tế để biết phải nghiên cứu từ đâu.

Để khuyến khích nhiều người tham gia nghiên cứu, theo GS.Nguyễn Quốc Vọng còn phải đảm bảo dự án được tài trợ một cách đồng đều cho mọi lứa tuổi và công bằng cho cả nam và nữ. Cùng với đó là việc bình duyệt khách quan, nghiêm chỉnh, đặt quyền lợi của đất nước lên trên. Đánh giá một công trình khoa học là một vấn đề khó khăn. NCKH có mục đích phát triển tri thức mới hoặc giải thích các hiện tượng tự nhiên một cách khoa học nhưng nhiều khi không thể ứng dụng tức thì. Trong khi các nhà khoa học đi tìm sự thật thì các nhà quản lý đòi hỏi sự ứng dụng tức khắc của nghiên cứu. Chính vì vậy, cho nên khi đánh giá, phải thận trọng, cân nhắc, đặt tiêu chí nghiên cứu ngắn hạn, dài hạn, trong đó nghiên cứu gì sẽ giúp đất nước phát triển trong 5, 10 năm và nghiên cứu gì sẽ phục vụ đất nước 20, 30 năm sau.

Đề nghị trong đơn xin tài trợ cho phép đưa tiền công nghiên cứu dưới dạng tiền lương để tăng thu nhập cho nghiên cứu viên cũng là cách để khuyến khích người tham gia nghiên cứu. Khi đã giải quyết việc tăng thêm thu nhập qua dự án nghiên cứu, ĐH sẽ tiến tới một bước là giới hạn giờ dạy để giảng viên có nhiều thì giờ nghiên cứu mà vẫn không ảnh hưởng đến thu nhập, vì càng có nhiều nghiên cứu, giảng viên  cũng sẽ có thu nhập cao như giảng dạy.

Một kinh nghiệm nữa là coi hoạt động nghiên cứu cũng là một chỉ tiêu quan trọng đánh giá giáo viên. Kết quả nghiên cứu mà biểu hiện là các bài báo khoa học công bố phải được xem là một trong những chỉ tiêu quan trọng của ĐH nhưng phải được đánh giá một cách nghiêm chỉnh.

Cùng với đó, cần bãi bỏ chế độ khen thưởng vì có bài đăng báo hoặc có phát minh công nghệ mới. Việc khen thưởng bằng tiền một bài nghiên cứu được đăng trên những tạp chí có tiếng là một cách đánh giá cao những nỗ lực của các giảng viên. Tuy nhiên, nên xem là những giải pháp tạm thời khi chúng ta chưa có chế độ lương hợp lý. Một khi đã tổ chức được hệ thống luơng bổng, tài trợ hợp lý cho các dự án nghiên cứu thì việc khen thưởng bằng tiền nên chấm dứt vì đây là giải pháp vô lý.

GS.Nguyễn Quốc Vọng cũng đặt ra câu hỏi, có cần tất cả giảng viên ĐH tham gia NCKH không vì cho rằng, việc khuyến khích tất cả giảng viên ĐH là điều không thể và không nên vì đó là cách tài trợ tản mạn. Việt Nam nên tài chính yểm trợ cho một số ĐH để giúp những ĐH này trở thành ĐH nghiên cứu. Úc có 44 ĐH nhưng 62% ngân sách nghiên cứu của ARC chỉ bơm vào 5 ĐH lớn, nhờ đó mà 2 ĐH hàng đầu của Úc được lọt vào tốp 50 ĐH tốt nhất thế giới. “Nếu yểm trợ tài chính cho 10% ĐH để họ trở thành ĐH nghiên cứu, Việt Nam sẽ có 37 ĐH có hy vọng có chất lượng cao. Nhưng nếu cũng với ngân sách như vậy là giúp cho chỉ 1% ĐH thì Việt Nam sẽ có khoảng 4 ĐH có khả năng cao hơn trong việc cải thiện chất lượng, hy vọng sớm tham gia vào club của 200 hoặc 500 ĐH tốt nhất thế giới mà Bộ GD&ĐT đề ra” -  - GS.Nguyễn Quốc Vọng nhận định.

Lập Phương (ghi)
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ