(GD&TĐ) - Tại hội nghị triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục TH tại Ninh Thuận trong các ngày 25-26/4, một lần nữa thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc dạy học 2 buổi/ ngày và công tác phổ cập đúng độ tuổi. Bởi theo thứ trưởng, 2 yếu tố trên chính là “chìa khóa” để giáo dục TH phát triển bền vững và có chiều sâu.
>>>Nguồn lực địa phương phát triển Giáo dục Tiểu học
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Phổ cập GDTH đã mang lại nhiều bước chuyển về chất lượng
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, thứ trưởng lưu ý các đại biểu đại diện cho các Sở GD-ĐT trên cả nước cần phải ý thức và hiểu rõ tầm quan trọng của những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng chiến lược, phát triển giáo dục TH theo từng giai đoạn và lộ trình từ nay cho đến năm 2020.
Trong đó, công tác dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc, công tác phổ cập, dạy học 2 buổi/ ngày cũng như đề án dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 cần phải được các địa phương thấm nhuần và thực hiện một cách hiệu quả dựa trên công tác thiết kế, xây dựng lộ trình phát triển với mục tiêu lấy đầu ra làm trọng, chất lượng có được phải là chất lượng thật. Tuyệt đối tránh kiểu làm theo phong trào, thiếu bền vững. Phổ cập giáo dục TH đúng độ tuổi là góp phần nâng cao dân trí, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện phổ cập bậc THCS và chuẩn bị cho việc thực hiện tốt các mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng.
Sau mười năm quyết liệt triển khai, công tác phổ cập GD bậc TH và phổ cập TH đúng độ tuổi giai đoạn 2000-2010 đã đạt được những thành tựu hết sức đáng ghi nhận. Tính đến tháng12-2010 số phường xã, thị trấn đạt chuẩn PCGDTH-CMC là 11104/11107, đạt tỉ lệ 99,97%. Số huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh đạt chuẩn PCGDTH-CMC là 691/691, đạt tỉ lệ 100%. Trong đó, kết quả đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi mức độ 1 là 57/63 tỉnh. Số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi mức độ 1 là 10586/11107, đạt tỉ lệ 95,30%. Số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi là 617/691. Cả nước quyết tâm phấn đấu đến năm 2015 đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi mức độ 1 và đến năm 2020 có ít nhất 90% số tỉnh thành đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi mức độ 2.
Trong 2 nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục TH mà thứ trưởng đã nêu, thì công tác dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến vượt bậc, chất lượng đã từng bước được nâng lên. Số tỉnh thành có học sinh dân tộc đều triệt để thực hiện các mục tiêu giáo dục bền vững, dạy học theo hướng tăng thời lượng bằng việc dạy song ngữ và dạy theo tài liệu tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt giữa GV và HS giữa HS và HS tương đối tốt. Theo báo cáo của Vụ giáo dục dân tộc, năm học 2010-2011 cả nước có 10 tỉnh thành tham gia dạy theo tài liệu Công nghệ giáo dục, với khoảng 24.000 học sinh đựơc dạy theo phương án trên.Vì thế tỉ lệ học sinh dân tộc yếu tiếng Việt đã được kéo giảm đáng kể như Hà Giang chỉ còn 2,1% học sinh yếu, Lào Cai là 3,8%, Tây Ninh 7,3% và Sơn La là 6.9%...Thành công của công tác phổ cập, cũng như việc thực hiện dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc đã chuyển biến sâu sắc, theo đánh giá của các đại biểu nó đến từ tính đúng đắn của một đề án với một lộ trình thực hiện bài bản. Trong đó, sự quan tâm chỉ đạo của Chính Phủ, Quốc hội, các Bộ ngành liên quan cùng quyết tâm của các địa phương chính là chìa khóa mang lại sự phát triển bền vững của giáo dục TH trong 10 năm qua.
Đại biểu dự hội nghị |
Thách thức vẫn không ít
Những thuận lợi để nâng cao chất lượng giáo dục TH từ công tác PCGDTH đúng độ tuổi, cũng như việc dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và công tác tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày mang lại là rất lớn. Tuy nhiên, những khó khăn và thách thức trong việc thực hiện công tác PCGDTH đúng độ tuổi mức độ 2, hay việc hoàn thiện sự ổn định trong công tác dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc giai đoạn 2015-2020 dự báo không ít khó khăn và trở ngại khi việc dầu tư cơ sở vật chất giữa các địa phương vẫn chưa thật sự đồng bộ, một số địa phương quá khó khăn về điều kiện kinh tế- xã hội, các giải pháp nâng chất lượng giáo viên vùng dân tộc thiểu số vẫn chưa có chuyển biến mạnh mẽ khi trình độ của học sinh dân tộc vẫn còn quá yếu, trình độ chuyên môn của nhiều GV vùng núi vẫn còn khá hạn chế…
Vì lẽ đó, nhiều đại biểu cho rằng, để giáo dục TH phát triển bền vững thì ngoài 2 nhiệm vụ trọng tâm trên, công tác đổi mới chương trình và SGK, kiện toàn cơ sở vật chất, trường lớp, gia tăng chất lượng và đội ngũ GV cần được Bộ đẩy mạnh hơn nữa.
Đề cập đến 2 vấn đề “nóng bỏng” trong việc phát triển giáo dục TH là công tác triển khai dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 và công tác tổ chức dạy 2 buổi/ ngày, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói: “ Các địa phương không được nóng vội, đừng thấy người ta làm được thì mình cũng lao vào làm theo khi điều kiện chưa cho phép. Sự nôn nóng không những không mang lại hiệu quả mà còn có thể dẫn đến đổ vỡ dây chuyền và rất khó sửa chữa. Tôi đề nghị các địa phương cần phải chuẩn bị thật kỹ, cũng như xây dựng cho mình một đề án phát triển và dạy học tiếng Anh cho học sinh TH thật bền vững rồi mới triển khai.
Riêng công tác dạy học 2 buổi/ ngày là nhằm mục đích hướng đến việc tăng cừơng dạy kỹ năng, tăng cường các hoạt động ngoại khóa cho học sinh. Bộ không ép buộc các vùng khó phải thực hiện bằng mọi cách, nhưng Bộ khuyến khích các địa phương cố gắng khắc phục khó khăn để sớm đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2020 khi đảm bảo 100% số học sinh TH được học 2 buổi/ ngày”.
Riêng vấn đề dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc, Thứ trưởng đề nghị các địa phương nên chủ động xây dựng chiến lược cho mình dựa trên Nghị định 175 của Chính Phủ, đồng thời tháo gỡ những khó khăn thiếu GV, học sinh nghỉ bỏ học, môi trường giao tiếp tiếng Việt hạn chế bằng việc tận dụng những dự án đối với học sinh dân tộc và chính sách của Chính Phủ đối với đối tượng này.
Thứ trưởng tham quan các bộ giáo trình dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 |
Đóng góp cho hội nghị, đại diện nhóm 5, gồm 5 tỉnh Tây Nguyên và 4 tỉnh Đông Nam Bộ đã đề xuất Bộ cần có chính sách hỗ trợ cho loại hình nhân viên hỗ trợ GV trong việc triển khai dạy tiếng Việt. Nâng thời gian tập huấn việc triển khai dạy tiếng Việt cho GV bằng tài liệu công nghệ giáo dục nhiều hơn.
Trong đó, việc tăng thời lượng dạy tiếng Việt, hỗ trợ suất ăn ( từ 7000 đồng lên 10.000 đồng cho học sinh thuộc dự án) cũng cần Bộ có sự hỗ trợ, điều chỉnh nhiều hơn. Nhóm 3, gồm 13 tỉnh miền núi phía Bắc thì đưa ra giải pháp cần phải triển khai đưa tiếng Việt cho học sinh dân tộc ngay từ mẫu giáo, giúp học sinh làm quen với mặt chữ, đồng thời Bộ cần nghiên cứu lại để có chính sách hỗ trợ các trường vùng khó một cách hợp lý hơn.
Nhóm 6 gồm 12 tỉnh ĐBSCL thì cho rằng Bộ cần sớm có văn bản hướng dẫn cho các địa phương về thực hiện biên chế cho GV dạy tiếng dân tộc tại các vùng đồng bào. Bởi theo nhiều đại biểu trong nhóm, NĐ 82 của Chính Phủ đã nêu rất rõ về vấn đề này, nhưng đến nay Bộ gần như chưa có một văn bản hướng dẫn nào. Bên cạnh đó, đại diện cho các tỉnh ĐBSCL cũng đề nghị Bộ cần tăng cường biên chế về cán bộ phụ trách công tác phổ cập cho các địa phương, để tối thiểu một xã có một anh phụ trách phổ cập để công tác phổ cập được bền vững hơn.
Ngoài những kiến nghị và đóng góp nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện công tác PCGDTH đúng độ tuổi và dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc trong giai đoạn tới, các đại biểu đề nghị Bộ cần sớm xây dựng mã ngành cho việc đào tạo GV tiếng Anh để các địa phương chủ động trong việc tuyển sinh và đào tạo, đồng thời Bộ cho phép các trường đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi mức độ 2 được phép xây dựng mô hình trường chất lượng cao, thu tiền cao như TP.HCM đang làm để làm tiền đề nâng chất giáo dục TH.
Anh Tú